Người khơi nguồn đổi mới sáng tạo:

Hơn 20 năm 'bám lớp' tình thương

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thầy giáo biên phòng Vũ Trường Tính đã giúp nhiều trẻ em không có điều kiện học tập tại các trường chính quy biết con chữ, phép tính.

Trung tá Vũ Trường Tính hướng dẫn trẻ tại lớp học tình thương phường Phú Mỹ học bài.
Trung tá Vũ Trường Tính hướng dẫn trẻ tại lớp học tình thương phường Phú Mỹ học bài.

Đối với con em của nhiều lao động nhập cư về làm ăn, sinh sống trên địa bàn Quận 7 (TPHCM), thầy giáo biên phòng Vũ Trường Tính như là người cha thứ 2. Những năm qua, bằng tình thương, trách nhiệm của người lính, anh đã giúp nhiều trẻ em không có điều kiện học tập tại các trường chính quy biết con chữ, phép tính.

Thầy giáo của trẻ nghèo

Căn phòng rộng chừng 25 mét vuông, nằm sâu trong con hẻm thuộc đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, Quận 7, TPHCM có rất đông em nhỏ miệt mài học tập.

Học sinh trong lớp học này là con em của các hộ gia đình nhập cư từ các tỉnh như Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang… về khu vực Quận 7 trọ làm thuê, làm mướn để mưu sinh. Cách đây 4 năm, khi được phân công về thực hiện nhiệm vụ tại Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ, Trung tá Vũ Trường Tính đã tình nguyện tham gia giảng dạy lớp học này. Mong muốn của anh là được hỗ trợ nhiều trẻ nghèo biết đến con chữ, phép tính.

Trung tá Tính cho biết, trẻ theo học tại đây đa phần là con em các gia đình không có hộ khẩu hoặc hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, nhiều cháu mặc dù đã quá độ tuổi đến trường nhưng vẫn không biết đến mặt chữ, phép tính. Hằng ngày, các em phụ cha mẹ bán hàng hay đi bán vé số, lượm ve chai...

“Hiện, lớp văn hóa có hơn 30 em theo học, với độ tuổi từ 6 - 15. Hơn 4 năm qua, ngoài tôi còn có 1 cán bộ tại phường Phú Mỹ và 1 sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM tham gia giảng dạy. Hoạt động của lớp diễn ra từ 16 giờ đến 18 giờ 30 phút từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Ngoài giúp trẻ biết đọc, viết, tôi cùng giáo viên còn phối hợp địa phương mở lớp học võ để rèn luyện sức khỏe cho các em”, Trung tá Tính chia sẻ.

Người dân nhập cư sinh sống tại khu vực hành lang cửa khẩu cảng Quận 7 cuộc sống rất khó khăn. Để phụ giúp gia đình, nhiều đứa trẻ phải ở nhà trông nhà, bán vé số hoặc phục vụ quán cơm để có thêm thu nhập. Đây cũng là lý do khiến cho lớp học không thể mở vào ban ngày được. Các em chỉ có thể theo học vào buổi chiều tối sau một ngày vất vả, tất bật với cuộc sống mưu sinh.

Trương Thị Bé Duyên (15 tuổi) quê ở Tiền Giang là một trong những học sinh lớn tuổi nhất tại lớp học tình thương ở phường Phú Mỹ chia sẻ: “Em rất muốn được đến trường như các bạn cùng trang lứa, nhưng do hoàn cảnh gia đình không cho phép nên học hết lớp 3 phải nghỉ học giữa chừng để theo người nhà lên TPHCM. May mắn khi cùng gia đình lên đây có lớp học tình thương của thầy giáo Tính. Ban ngày, em phụ giúp gia đình bán vé số, chiều về cắp sách đến lớp học bài. Em rất vui vì được đến lớp cùng bạn bè, được học chữ, làm toán và tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích”.

Trung tá Tính (bên trái) và chính quyền địa phương tích cực vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ quà cho học sinh.

Trung tá Tính (bên trái) và chính quyền địa phương tích cực vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ quà cho học sinh.

Xóa mù chữ cho hơn 200 trẻ

Năm 1992, tốt nghiệp Trường Trung cấp Biên phòng 2, người lính trẻ Vũ Trường Tính về công tác tại Đồn Biên phòng Thạnh An, huyện Cần Giờ (TPHCM). Tại đây, anh được phân công thực hiện công tác vận động quần chúng tại ấp đảo Thiềng Liềng, địa bàn xa xôi, nghèo khó nhất của xã đảo Thạnh An với tứ bề sông nước, kênh rạch chằng chịt. Người ta vẫn hay gọi Thiềng Liềng là “đảo trong đảo” vì từ trung tâm huyện đi đò mất 45 phút qua trung tâm xã Thạnh An.

Do điều kiện giao thông đi lại khó khăn nên số người mù chữ thời điểm đó ở ấp đảo Thiềng Liềng chiếm số lượng lớn. Đặc biệt nhiều trẻ em dù đã đến tuổi đi học nhưng chưa đến trường. Trước tình hình nói trên, năm 1999, “thầy” Tính đã tham mưu cho Đồn Biên phòng Thạnh An mở lớp học xóa mù chữ tại địa bàn phụ trách, mở đầu chặng đường mang con chữ đến với trẻ nghèo.

Chia sẻ về khoảng thời gian dạy chữ tại ấp đảo Thiềng Liềng, Trung tá Tính nhớ lại: “Đây là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời làm thầy giáo của tôi. Lúc bấy giờ điều kiện còn khó khăn lắm, lớp học không ra lớp, tôi phải đến từng gia đình vận động bà con chủ động cùng với biên phòng xây dựng lán để làm lớp học tạm thời. Lớp đầu tiên đã thu hút được đông đảo người dân, đủ mọi thành phần, lứa tuổi theo học: Từ những em bé đến các cụ già bước sang tuổi “xưa nay hiếm”. Lớp học này đã tạo tiền đề cho công cuộc xóa mù chữ cho bà con ở trên địa bàn. Đến năm 2009, trẻ em và người dân trên đảo đều biết đến con chữ, phép tính”.

Sau 9 năm dạy tại ấp Thiềng Liềng, năm 2010, Thiếu tá Tính chuyển công tác về Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Nghé thuộc Quận 7 (TPHCM). Tại đơn vị mới, anh tiếp tục tham mưu với lãnh đạo mở lớp học tình thương dạy cho trẻ nghèo tại phường Tân Thuận Đông. Tiếp đó đến năm 2019 chuyển công tác về tại phường Phú Mỹ và anh tình nguyện tham gia giảng dạy tại lớp học tình thương trên địa bàn này cho đến nay.

“Hơn 20 năm mang con chữ đến với trẻ em nghèo, điều mà tôi luôn mong muốn là làm sao các em không có điều kiện đến trường được biết đọc, biết viết. Những năm qua, bản thân đã giúp hơn 200 trẻ nghèo biết con chữ, phép tính. Nhiều em sau khi học tại lớp học tình thương, có nguyện vọng học tiếp, tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ các em. Có những em hiện giờ có việc làm ổn định trong cơ quan Nhà nước hay các công ty”, Trung tá Tính vui vẻ nói.

Con em nhập cư sinh sống ở khu vực hành lang cửa khẩu cảng Quận 7, sau khi theo học tại lớp học tình thương đều chăm ngoan và nắm bắt bài giảng rất tốt. Tuy nhiên trong hơn 10 năm dạy chữ cho trẻ em nghèo tại đây, điều mà tôi trăn trở nhất là do tính chất công việc bố mẹ không ổn định nên các em thay đổi chỗ ở liên tục. Không ít trẻ chỉ theo học được thời gian ngắn rồi phải theo cha mẹ đến những nơi làm mới…”. - Trung tá Vũ Trường Tính

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.