Hơn 1,7 triệu chỉ tiêu tuyển sinh học nghề năm 2010

Hơn 1,7 triệu chỉ tiêu tuyển sinh học nghề năm 2010
Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định, các trường đào tạo TCCN có thể tổ chức nhiều đợt xét tuyển trong năm, không tổ chức thi tuyển (trừ các ngành đào tạo năng khiếu) (ảnh minh họa).
Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định, các trường đào tạo TCCN có thể tổ chức nhiều đợt xét tuyển trong năm, không tổ chức thi tuyển (trừ các ngành đào tạo năng khiếu) (ảnh minh họa).

Năm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định, các trường đào tạo TCCN có thể tổ chức nhiều đợt xét tuyển trong năm, không tổ chức thi tuyển (trừ các ngành đào tạo năng khiếu). Đối tượng tuyển sinh là học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông và trung học cơ sở hoặc tương đương, có thể xét tuyển cả những trường hợp chưa đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông. Với hơn 600.000 thí sinh trượt đại học, 112.838 học sinh trượt tốt nghiệp trung học phổ thông trong năm nay, có thể thấy rằng, việc lựa chọn học nghề được xem là giải pháp hợp lý. Hiện tại, trên cả nước có 2.052 cơ sở dạy nghề, sau kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng, các trường này sẽ chính thức xét tuyển.

Những năm gần đây, theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ học sinh học nghề tự tìm được việc làm chiếm trên 70%, trong đó, một số cơ sở dạy nghề đạt tới 95%. Cả nước có 240.000 doanh nghiệp và các đơn vị đang thiếu khoảng từ 1,4 đến 1,7 triệu người đã qua đào tạo nghề. Bên cạnh đó, từ năm nay, tất cả các hệ thống giáo dục dạy nghề bao gồm trung cấp công nhân, cao đẳng nghề thuộc Bộ Giáo dục – Đào tạo hay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều có thể liên thông lên đại học. Học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề được thi lên hệ cao đẳng nghề của trường, thi vào các trường cao đẳng, đại học khác. Thời gian học liên thông từ trung cấp nghề lên cao đẳng nghề sẽ từ 18 tháng đến 2 năm; từ cao đẳng lên đại học kéo dài từ 1 - 2 năm. Như vậy, thời gian học liên thông từ trung cấp nghề lên đại học sẽ là từ 2,5 - 4 năm, tùy từng ngành.

Liên bộ Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".

Ngoài nguồn vốn ngân sách TƯ, các địa phương tự cân đối, bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề; đồng thời, các bộ, ngành, địa phương huy động thêm nguồn lực của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng. Căn cứ đơn xin học nghề của đối tượng là lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo quy định, cơ quan chức năng tại địa phương sẽ lựa chọn cơ sở dạy nghề cho lao động có đủ điều kiện và chuyển kinh phí hỗ trợ cho cơ sở đào tạo nghề. Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm thanh toán tiền ăn, tiền đi lại cho người học nghề trong thời gian thực tế học nghề.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ