Hơn 1/3 phụ nữ Việt Nam ủng hộ nam giới là chủ gia đình

GD&TĐ - Sáng nay (25/9), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030, tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hà Nội.

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.

Hội nghị đã cung cấp thêm bằng chứng về các vấn đề bình đẳng giới cần tập trung giai đoạn tới, từ đó, đề xuất thay đổi, bổ sung các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới phù hợp.

Tham dự và chủ trì hội nghị, bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Ngô Sách Thực – Phó Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng hơn 50 đại biểu đến từ các bộ, ngành trung ương, các cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học về giới và các phóng viên, nhà báo.

Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, hơn 1/3 phụ nữ ở Việt Nam có thái độ ủng hộ nam giới là người đưa ra quyết định và là chủ hộ gia đình.

Có đến 51,8% phụ nữ được phỏng vấn tin rằng người đàn ông đánh vợ là có lý do. Có 30% phụ nữ tin rằng nam giới phải là người quyết định và là chủ gia đình, 52% phụ nữ đồng tình và chấp thuận rằng nếu họ không trông con hoặc không làm tốt việc nội trợ thì bị chồng đánh.

Báo cáo cũng cho thấy, 62,9% phụ nữ đã trải qua một hình thức bạo lực trong đời, nhưng có đến 90,4% trong số họ không tìm kiếm sự giúp đỡ, 49,6% phụ nữ bị bạo lực không kể với bất kỳ ai về việc bị chồng đánh.

Chỉ có 4,8% phụ nữ nhờ công an giúp, 33,6% phụ nữ tìm đến lãnh đạo địa phương giúp đỡ, 2,3% tìm kiếm sự hỗ trợ của bệnh viện và nhân viên y tế.

Những con số này gợi ý rằng, định kiến giới ở Việt Nam vẫn còn nặng nề, đặc biệt là về khuôn mẫu giới trong xã hội.

Định kiến giới đã tạo ra một “tấm trần vô hình” ngăn cản phụ nữ có được những lựa chọn tốt hơn trong sự nghiệp và đời sống, nhưng cũng đè nặng lên vai nam giới những “trách nhiệm nam tính”, đôi khi là tiêu cực.

Thay đổi định kiến giới được xác định là một trong những vấn đề cần tập trung giải quyết tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 (Chiến lược) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang chủ trì soạn thảo.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội nghị, bà Bùi Thị Hòa cho rằng, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 được triển khai khá đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về bình đẳng giới;

Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; Kết quả thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trong các lĩnh vực đã có những tiến bộ rõ nét.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ đánh giá sau 10 năm thực hiện, trong tổng số 22 chỉ tiêu đề ra, có 13 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt (chiếm 59%), còn lại 9 chỉ tiêu chưa đạt hoặc không thống kê được (chiếm 41%), tập trung vào những chỉ tiêu về chính trị, kinh tế, công việc gia đình, đặc biệt là không đạt được chỉ tiêu nào về tỷ lệ phụ nữ tham chính.

Chính vì vậy, để đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới giai đoạn tới được thực chất, có tính khả thi và có thể đo lường được, bà Bùi Thị Hoà nêu ra 6 nhóm vấn đề cần tập trung thảo luận, xin ý kiến tại hội nghị, gồm:

Cách tiếp cận và quan điểm xây dựng Chiến lược; Định kiến giới và nhận thức về bình đẳng giới; Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; Bình đẳng giới trong lao động, việc làm và vấn đề về khoảng cách tiền lương bình quân; Bình đẳng giới trong đời sống gia đình và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Tính khả thi và khả năng đo lường các mục tiêu, chỉ tiêu.

“Sau hội thảo này, Đoàn Chủ tịch TW Hội sẽ chuẩn bị ý kiến bằng văn bản gửi sang Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, là cơ quan chủ trì soạn thảo Chiến lược với mong muốn thúc đẩy tiến trình thực hiện bình đẳng giới một cách thực chất ở Việt Nam nói riêng và mục tiêu phát triển bền vững nói chung mà Việt Nam đã cam kết” – bà Hòa cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ