Hỏi về điều kiện được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên

Hỏi về điều kiện được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên

(GD-TĐ) - Hỏi: Chị Trần Thị Vinh -  Giáo viên trường THCS Nam Hải, Thị xã Cẩm phả, tỉnh Quảng Ninh có viết thư hỏi tòa soạn: Năm 1978 tôi tốt nghiệp trường Sư phạm 10+3, khóa 1975-1978, ban Toán - Lý. Từ tháng 9/1978 đến tháng 9/1984 tôi được nhận công tác trực tiếp giảng dạy huyện miền núi Quảng Hà, tỉnh Quảng Ninh (Không phải qua thời gian tập sự vì được hưởng chính sách ưu tiên giáo viên công tác ở miền núi). 

Tháng 9/1984 đến hết tháng 11/1990 tôi được điều chuyển công tác về trực tiếp tham gia giảng dạy tại trường THCS Cẩm Thành – Thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, từ tháng 12/1990, do tôi bị bệnh tiền đình nặng, sức khỏe không đảm bảo, vì vậy UBND Thị xã và phòng Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định cho tôi được nghỉ chế độ mất sức lao động trợ cấp 1 lần.

Sau đó tôi tiếp tục điều trị bệnh và sức khỏe được bình phục ổn định, từ tháng 10/1998 đến tháng 9/2010, tôi tiếp tục được Sở  Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận lại vào ngành công tác và trực tiếp giảng dạy ở thị xã Cẩm Phả. Từ tháng 9 cho đến tháng 12/2011 do yêu cầu của ngành về kiện toàn nâng cao chất lượng của bộ phận quản lý thiết bị nhà trường, tôi được BGH trường THCS Nam Hải phân công chuyển sang làm chuyên trách quản lý phòng thiết bị và trực tiếp làm công tác chuẩn bị và lắp ráp trang thiết bị dạy học cho tất cả các khối lớp học các tiết thực hành theo yêu cầu chuyên môn (Vì tôi đã hoàn thành và có chứng chỉ hoàn thành lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thiết bị dạy học do sở GD&ĐT phối hợp với trường Đại học Sư phạm tổ chức). 

Vậy xin quý báo giải thích trong trường hợp của tôi có được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/07/2011 của Chính phủ “về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo” hay không? Và cụ thể được hưởng như thế nào? Những giai đoạn nào tôi không được hưởng chế độ này? 

Trả lời: 

- Về đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo: Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP thì phụ cấp thâm niên áp dụng đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục công lập), đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì giáo viên trung học cơ sở (cấp 2) thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên.  

- Theo quy định tại khoản 3, Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP, thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên bao gồm: Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu; Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. 

Thời điểm hiên tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP, trong đó có các quy định cụ thể về đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên, về thời gian được hưởng và không được hưởng phụ cấp thâm niên. Do đó, chúng tôi chưa có đủ cơ sở pháp lý để trả lời cho trường hợp cụ thể của bạn./.

Ảnh minh họa (Internet)
Ảnh minh họa (Internet)

Hỏi: Tôi là giáo viên THCS công lập, sau khi hết thời gian tập sự tôi tham giảng dạy được 3 năm. Sau đó, tôi được điều động về làm chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện. Thời gian sau tôi lại được điều động về giảng dạy ở một trường THCS công lập khác được 4 năm. Xin quý Báo cho biết: Tôi có được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên hay không và mức hưởng như thế nào? 

Trả lời:- Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP thì phụ cấp thâm niên áp dụng đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục công lập), đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì giáo viên trung học cơ sở (cấp 2) thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên. 

- Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP, nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên; thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên là thời gian giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục. 

- Điều 3 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP quy định: “Nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp tham niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%”. 

Như vậy, bạn là người được hưởng phụ cấp thâm niên theo tổng thời gian giảng dạy, giáo dục là 7 năm (không tính thời gian tập sự) với mức phụ cấp 7% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có)./.

Báo GD&TĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.