Hội thảo về chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục - đào tạo

GD&TĐ - Chiều 29/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội thảo về Chính sách thúc đẩy Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo do Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực (VPHĐQGGDPTNL)  và Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.

Theo báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT, tính đến năm 2020, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo cơ hội thuận lợi để giáo dục Việt Nam tiếp cận với nguồn tri thức mới, với những mô hình giáo dục tiên tiến, đồng thời tranh thủ được nguồn lực của các nước để phát triển giáo dục.

Toàn quốc có 86,6% học sinh khối 3-5 được học Tiếng Anh và Tin học. Đến năm 2020 - 2021, 99% học sinh lớp 3 trên cả nước đã được học Tiếng Anh. Từ năm học 2022-2023, Ngoại ngữ là môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3-12 trong các trường phổ thông.

Các chương trình giáo dục tích hợp ở mầm non và phổ thông, các chương trình tiên tiến, chương trình liên kết đào tạo đã góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục đại học của Việt Nam, giúp người học được tiếp cận với chương trình quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và trình độ ngoại ngữ cho người học và người dạy.

Báo cáo cũng chỉ ra hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020 vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Do đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và tham gia hiệu quả của các cơ quan; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp; trong đó cần có những hành động, việc làm cụ thể có tính đặc thù của từng cơ sở giáo dục và địa phương để đạt hiệu quả cao.

Công tác hợp tác quốc tế triển khai có trọng tâm, trọng điểm, phát huy các thế mạnh nội lực và tận dụng những lợi thế từ bên ngoài, đầu tư nguồn lực vật chất và con người để tạo thành sức mạnh tổng hợp, hội nhập hơn nữa với khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông ngày càng phát triển, ngành Giáo dục Việt Nam có điều kiện thuận lợi để đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục, tiến tới nền giáo dục điện tử đáp ứng nhu cầu của người học.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến cho Đề án "Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2030" và dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chia sẻ về chính sách hội nhập giáo dục trong bối cảnh mới, TS Lê Đình Tĩnh, Học viện Ngoại giao, ghi nhận ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động, tích cực tham gia, khởi xướng nhiều chương trình, hoạt động, trở thành một trong những mũi nhọn quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam với nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

"Bên cạnh đó, cần phải có những điều chỉnh phù hợp về chính sách, từ đó vừa có thể nắm bắt kịp thời những cơ hội chưa từng có, vừa vượt qua các thách thức", TS Lê Đình Tĩnh bày tỏ.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh vai trò của hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, thể hiện nhất quán với chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong đó có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị VPHĐQGGDPTNL và các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học trong hội thảo để hoàn thiện dự thảo Chiến lược và Đề án "Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2030". Cùng với đó, các đại biểu tiếp tục gửi góp ý về cho ban tổ chức để thu thập thành tài liệu cho thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái thăm và chúc mừng ngành GD-ĐT nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Giáo dục Yên Bái vượt khó

GD&TĐ - Còn nhiều trở ngại do điều kiện kinh tế, thiên tai nhưng ngành GD-ĐT Yên Bái vượt khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.