Là một trong tứ danh hương Thăng Long “Mỗ, La, Canh, Cót”, La Khê còn được biết tới với câu ca: The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn.
Xưởng dệt riêng của kinh thành
Với chất vải mỏng, mềm và mát, lụa the La Khê, phường La Khê (Hà Đông, Hà Nội) từng được coi là tinh hoa Thăng Long, là vật phẩm tiến vua, là xưởng dệt riêng cho kinh thành Huế. Thế nhưng lịch sử 400 năm làng nghề ấy chìm vào quên lãng, cho đến khi một triển lãm mang tên “The La - Ngàn năm canh cửi” đang diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mới khiến nhiều người sửng sốt.
TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, du khách trong và ngoài nước đang rất thích thú khi tham quan triển lãm “The La - Ngàn năm canh cửi”. Đây là một trưng bày không chỉ giới thiệu về lụa the La Khê đã nổi tiếng từ nhiều thế kỷ trước, mà còn tái hiện lại ký ức và tài nghệ của nghệ nhân.
Theo ông Kiêu, làng La Khê được hình thành từ thế kỷ 5, ban đầu làng có tên La Ninh (“La” là lụa, “Ninh” là thịnh vượng, lâu bền). Đến thế kỷ 15, La Ninh đổi thành La Khê. Thuở ban đầu, sản phẩm dệt của làng còn thô sơ, chủ yếu là sồi, đũi, phục vụ cư dân Thăng Long.
Ðầu thế kỷ 17, người Hoa vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam mang theo nghề dệt thủ công. Trong số đó, có 10 gia đình đến lập nghiệp ở La Khê, đem nghề dệt the, sa nhuộm đen và công nghệ dệt truyền lại cho dân làng. Các sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm vóc của La Khê với những họa tiết, hoa văn tinh xảo dần thay thế sồi, đũi nhờ chất lượng mỏng, nhẹ nhưng bền và đẹp, được các tầng lớp quý tộc ưa chuộng.
Sự khác biệt của lụa La Khê với lụa Vạn Phúc, là La Khê chuyên dệt sa màu và các thứ lụa bạch, lụa vân; còn Vạn Phúc thì nổi tiếng với lụa gấm. Năm 1823, vua nhà Nguyễn ra sắc lệnh lập La Khê thành xưởng dệt cho kinh thành Huế, cho cả làng miễn lính để tập trung làm nghề. Những năm 1840 thời Thiệu Trị, xưởng dệt La Khê gọi là “Chức tạo cục”, sản xuất và cung cấp cho triều đình theo định mức 600 tấm sa màu mỗi năm.
Đến đời vua Minh Mạng, viên cai đội tên là Trần Quý mãn hạn lính, có được mảnh gấm nước ngoài dệt tinh xảo, liền mày mò nghiên cứu tìm ra bí mật trong cách dệt gấm vóc. Cuối cùng họ dệt được một tấm gấm tinh xảo không kém gấm mẫu. Từ đó, làng La Khê có thêm nghề dệt gấm, Trần Quý thành ông tổ dệt gấm của làng.
Nghề dệt the ở La Khê phát triển mạnh, không những cung cấp khắp nước, mà còn xuất khẩu sang châu Âu. Đầu thế kỷ 20, các nghệ nhân La Khê còn được phong cửu phẩm, bá hộ. The La Khê còn được chọn triển lãm ở Paris (Pháp). Sau năm 1954, nghề dệt the tạm lắng, La Khê quay sang dệt vải bông, khăn mặt, thảm đay phục vụ sinh hoạt thời chiến.
Năm 2002, làng nghề được khôi phục, nhiều nghệ nhân trở lại giữ nghề truyền thống. Trong đó, phải kể tới công sức của vợ chồng nghệ nhân Lê Đăng Toản - Nguyễn Thúy Quỳnh. Từ giấc mộng “hồi sinh” nghề cổ, vợ chồng họ đã vượt bao gian khó và cả những chê bai để the La hiện hữu trong đời sống đương đại, làm nên triển lãm “The La - Ngàn năm canh cửi”.
Tái hiện tinh hoa the lụa tiến vua
Là hoạt động chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô và kỷ niệm 94 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), “The La - Ngàn năm canh cửi” không chỉ là hành trình trở về với truyền thống, mà còn là hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh các giá trị xưa cũ, từng một thời là tinh hoa đất Thăng Long.
Không gian trưng bày như một tác phẩm nghệ thuật từ các loại vải the, sa, lụa, cùng với các bộ trang phục như áo dài, áo ngũ thân… Mỗi hiện vật đều gắn với dòng chảy lịch sử và văn hóa La Khê. Đặc biệt, điểm nhấn là bộ khung cửi dệt vải phỏng cổ, cho phép khách tham quan trải nghiệm tự tay dệt vải, cảm nhận được sự tinh xảo và khéo léo của người thợ xưa.
Đặc biệt 5 bộ trang phục áo dài được thiết kế tỉ mỉ, tái hiện lồng ghép họa tiết 5 biểu tượng đặc trưng Hà Nội: Cột cờ Hà Nội, cầu Long Biên, chùa Một Cột, cầu Thê Húc, Khuê Văn Các khiến cho văn hóa truyền thống và tinh thần Thăng Long hòa quyện trong chất lụa the, mang đến những cảm nhận chân thật về một nghề cổ từng rất nổi tiếng chốn kinh thành.
Nghệ nhân Lê Đăng Toản tiết lộ, bí quyết làm nên sự khác biệt giữa lụa La Khê với lụa nơi khác chính là “bộ go võng” trong công nghệ dệt. “The” trong Hán ngữ nghĩa là “thưa” - tấm vải thưa, mỏng nhưng chặt mặt, không xô dạt. Trong đó, sợi ngang, sợi dọc đều được làm từ tơ tằm chứ không pha. Điều đặc biệt ấy không chỉ là đặc trưng mà còn là bí quyết tổ truyền của La Khê để làm ra the, sa, lụa vân, xuyến.
Nói là nghề dệt the, lụa được hồi sinh nhưng thực ra, cả La Khê chỉ có vợ chồng anh Toản là giữ nghề. Ấy là khi hợp tác xã La Khê không còn giữ nghề cổ truyền nữa, vợ chồng anh Toản thấy tiếc nên đã xin giữ nghề. Họ bắt đầu với hai bàn tay trắng, tìm nguồn vốn, thuê nhà xưởng, và cứ thế lẽo đẽo giữ nghề trong muôn vàn khó khăn.
“The lụa La Khê khó bán vì giá rất cao, và cũng rất kén người dùng. Tuy nhiên, mỗi tấm lụa the đều là hàng cao cấp, là sản phẩm tinh túy nên hầu hết chỉ sản xuất theo hợp đồng, chứ không thể đại trà. Tuy nhiên, giữ được nghề cổ, quảng bá được nét văn hóa đã là niềm vui không gì sánh bằng”, nghệ nhân Lê Đăng Toản chia sẻ.
“Với tâm huyết giữ lại những gì quý giá nhất của nghề dệt La Khê, và yêu quý loại vải sa nam nên nghệ nhân đã dựng lại khung và dệt ra vải sa nam se 2, se 4, se 6. Vải sa nam từ xưa chỉ dùng cho vua chúa, chỉ có thể dệt thủ công vì sau mỗi đường ngang, người thợ phải dập 3 lần cho săn các nút xoắn vặn nên bề mặt vải thưa mà chắc. Loại tơ dùng dệt vải sa nam phải là loại tơ tốt nhất, phải chuội sạch và nhuộm màu trước khi dệt nên nhìn rất đanh dày mà vẫn giữ được độ dẻo của sợi tơ. Người thợ tay nghề cao thì mỗi ngày cũng chỉ dệt được vài chục cm”, nhà thiết kế Nhuận Như Như cho biết.