Gìn giữ nghề se lanh, dệt vải nơi rẻo cao

GD&TĐ - Người Mông có nhiều nét văn hóa được lưu truyền qua nhiều đời.

Hình ảnh rất dễ bắt gặp ở vùng cao.
Hình ảnh rất dễ bắt gặp ở vùng cao.

Trong đó, nghề se lanh dệt vải của bà con đang được gìn giữ, bảo tồn cho thế hệ mai sau.

Tiêu chí “xây tổ ấm”

Dệt vải lanh là nghề thủ công đã gắn bó lâu đời với đồng bào Mông ở xã Chiềng Tương (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Hình ảnh người phụ nữ Mông ngồi se lanh, dệt vải trước hiên nhà, với tiếng thoi đưa lách cách trở thành nét độc đáo. Nó tượng trưng cho sự cần cù, khéo léo của phụ nữ Mông.

Trong những ngày đầu đông, chúng tôi trở lại Chiềng Tương - xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Yên Châu. Đồng bào Mông ở đây sống chủ yếu trên vùng núi cao, hiểm trở. Trải qua quá trình lịch sự lâu dài, bà con đã hình thành nhiều nghề mưu sinh và phục vụ những nhu cầu cuộc sống thường ngày.

Ngoài nương rẫy và chăn nuôi, người Mông ở xã Chiềng Tương còn có một số nghề thủ công truyền thống. Họ dùng cây lanh, sợi lanh để dệt vải làm quần, áo, chăn, màn... Theo các già làng, nghề dệt vải lanh đã có từ lâu đời và được truyền qua nhiều thế hệ.

Bất kể phụ nữ Mông nào khi đến tuổi trưởng thành cũng đều biết se lanh thành sợi, rồi dệt vải phục vụ cho cuộc sống gia đình. Việc dệt vải lanh thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ. Đó là một trong những tiêu chí đánh giá tài năng, phẩm chất và đức tính chịu thương, chịu khó của người phụ nữ. Đây cũng chính là một trong những tiêu chí chọn vợ của các chàng trai Mông.

Chị Mua Thị Súa, xã Chiềng Tương cho biết: “Chúng tôi thường trồng cây lanh trên các sườn núi vào tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch. Sau 4 tháng trồng, tôi chặt cả cây mang về để vài ngày cho héo, sau đó tước lấy vỏ. Vỏ lanh được tước thành từng sợi nhỏ và nối với nhau một cách khéo léo để không tạo thành mấu ở chỗ nối. Đây là khâu rất quan trọng, đòi hỏi người tước phải khéo léo, nhẹ nhàng, kiên trì, nhẫn nại. Chỉ cần sơ sẩy sợi lanh sẽ bị đứt. Nếu bị đứt thì rất khó lấy sợi lanh dệt thành vải”.

Vợ chồng chị Súa dạy con gái dệt vải lanh chuẩn bị đi lấy chồng.

Vợ chồng chị Súa dạy con gái dệt vải lanh chuẩn bị đi lấy chồng.

Bản sắc văn hóa dân tộc

Những năm qua, Sơn La luôn nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Để nghề dệt vải lanh truyền thống được duy trì, rất cần có sự vào cuộc, quan tâm hơn nữa của các ngành chức năng, và đồng bào người Mông cần tự ý thức, phát huy nội lực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Đối với bất kỳ khách thập phương nào có dịp lên bản vùng cao, sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh phụ nữ Mông tranh thủ tước và nối các sợi lanh. Họ làm kể cả lúc đi trên đường hoặc từ nhà lên nương và từ nương về nhà hay khi xuống chợ...

Chị Phàng Thị Mua - Bản Pha Kha 1, xã Chiềng Tương chia sẻ: “Tôi được mẹ dạy cách se lanh, dệt vải từ lúc 12 tuổi. Để có tấm vải đẹp và ưng ý, tôi phải se lanh, nối các sợi với nhau. Tiếp theo, mắc các sợi lanh vào khung quay và cuốn chúng lại thành từng cuộn nhỏ. Sau đó, tôi đem sợi luộc với nước tro rồi mang đi giặt, đập đến khi sợi lanh có màu trắng và mang đi phơi. Khi sợi khô, lúc đó việc dệt vải mới được bắt đầu”.

Bằng đôi bàn tay khéo léo của người Mông đã làm nên khung cửi rất đơn giản để dệt vải lanh truyền thống. Khung cửi chỉ có hai thanh gỗ với khoảng cách 13x13 cm, dài hơn 60 cm, đặt cách xa nhau khoảng 50 cm. Giữa hai thanh gỗ có bốn thanh ngang nhỏ hơn ghép vào hai thanh đứng tạo thành khung cửi.

Khung được làm từ những thanh tre, gỗ. Con thoi dùng dệt vải khá to. Khi dệt, người phụ nữ thường hay đặt khung cửi ngoài hiên nhà để có đủ ánh sáng và thoáng mát, tiện lợi cho việc thêu thùa, dệt vải. Người dệt ngồi trên chiếc tấm ván bằng gỗ rất đơn giản.

“Sau khi dệt vải lanh xong, chúng tôi sẽ dùng sáp ong vẽ những nét hoa văn theo ý mình như các hình: Ca rô, vuông, tam giác, con vật, hoa... Khi hoàn thiện các hình vẽ, tôi lấy tấm vải mang đi nhuộm chàm. Những đường nét có sáp ong, chàm không ngấm vào được sẽ tạo ra những nét hoa văn chìm. Rồi tôi dùng kim và chỉ thêu lên vải tạo nên những hình thù sặc sỡ”, chị Múa Thị Súa chia sẻ.

Thông thường, trang phục truyền thống của phụ nữ người Mông như: Áo, váy, tấm vải che phía trước, thắt lưng, vỏ chăn, vỏ gối, khăn... đều được dệt từ vải lanh. Màu chủ đạo của những trang phục này thường là đỏ, xanh hoặc vàng. Với bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Mông, từng đường chỉ, hoa văn trên trang phục trở nên đặc sắc và bắt mắt.

Ông Phàng A Giáng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Tương cho biết: “Ngày nay, nghề dệt lanh truyền thống của người Mông ít phát triển hơn. Bởi các loại vải sợi bông được sản xuất với giá rẻ, có nhiều kiểu dáng mẫu mã phong phú và hiện đại hơn, nên việc dùng vải lanh cũng giảm đi nhiều. Dù vậy, Chiềng Tương vẫn còn rất nhiều gia đình duy trì nghề dệt vải lanh như là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc, tuy không được thường xuyên như trước”.

Bên cạnh đó, ông Phàng A Giáng nhấn mạnh: Đối với người Mông vùng biên giới Chiềng Tương chúng tôi, nghề dệt vải lanh truyền thống này là một niềm tự hào và là bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi nghĩ cần được bảo tồn và gìn giữ phát huy giá trị trong cuộc sống. Đặc biệt là để truyền lại cho thế hệ con cháu mai sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.