Sắc màu thổ cẩm
Từ xa xưa, vải thổ cẩm là thứ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào thiểu số nói chung và người Bana nói riêng. Chúng được sử dụng làm chiếc khố theo chàng trai lên rừng, làm chiếc váy cho thiếu nữ ra mắt nhà chồng.
Cũng bởi vậy, theo tục lệ, các cô gái Bana đều được bà và mẹ chỉ cho cách dệt vải, dệt thổ cẩm từ lúc 12 - 13 tuổi. Để khi đi lấy chồng, các cô phải tự dệt cho mình một bộ y phục thật đẹp ra mắt mọi người. Để dệt bộ y phục này, các cô gái phải tốn rất nhiều công sức và tâm huyết.
Lướt đôi tay trên khung dệt, bà Y Blanh (58 tuổi, TP Kon Tum) tỉ mẩn đưa từng đường thoi trên những sợi thổ cẩm mềm mịn. Bà Y Blanh cho hay, đây là những sợi thổ cẩm gần như cuối cùng còn sót lại trong làng được làm từ bông gòn. Giờ đây người dân chủ yếu mua chỉ có sẵn để dệt lên những tấm khăn, bộ quần áo.
Lật lại ký ức, bà Y Blanh cho hay, nghề dệt cũng tốn không ít công phu, cẩn trọng và qua nhiều công đoạn. Từ xa xưa, cứ vào tháng 5 hàng năm, những thiếu nữ người Bana lại rủ nhau lên rừng tìm hái quả bông gòn đã nở bung mang về nhà. Người thì gánh nước, số còn lại thì ngồi tách hạt bông rồi đem phơi khô để quay thành sợi.
Ngày này qua tháng khác, người dân cứ mang bông ra vào như trẩy hội. Cả làng luôn rộn rã tiếng ca hát, tiếng kẽo cà kẽo kẹt quay sợi.
Để tạo màu cho sợi, thiếu nữ lại vào rừng lấy lá, hoa rừng, rau, củ đem giã rồi ngâm với sợi trong chum. Khi sợi đã nhuốm màu thì các thiếu nữ lại gọi nhau mang ra nắng phơi để tạo hương thơm và độ bền.
“Một bộ quần áo phải tốn 4 - 5 gùi bông dệt mới đủ. Để dệt bằng sợi bông tuy tốn nhiều thời gian và công sức nhưng sản phẩm làm ra sẽ bền, đẹp, dày dặn. Tuy nhiên, nay bông chẳng còn nên người dân chuyển qua dùng chỉ để vừa tiết kiệm, vừa nhanh.”, bà Y Blanh nói.
Nhấp ngụm nước mát, bà Y Blanh tâm sự: Thổ cẩm của người Bana không đơn thuần chỉ là tấm vải bình thường, mà ẩn chứa trong đó là cả tâm hồn của con người nơi đây. Mỗi sản phẩm thổ cẩm được làm ra đều mang vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên, đậm nét văn hóa của dân tộc.
Ném ánh mắt về phía dòng sông Đăk Bla đang cuồn cuộn chảy, bà Y Blanh cho hay, đồ được dệt bằng bông tự nhiên chỉ còn một vài người già trong làng lưu giữ. Hiện nay khăn, quần áo… đa phần được dệt bằng chỉ và mang họa tiết hiện đại. Những hoa văn thời xưa ngày nay chỉ còn lác đác vài người biết thêu dệt.
“May mắn con gái của mình yêu thích nghề dệt thổ cẩm này. Từ nhỏ thấy mẹ dệt, con cũng tìm tòi, học hỏi theo. Tuy nhiên để tạo ra một sản phẩm thổ cẩm tốn nhiều thời gian nhưng tìm đầu ra rất khó. Do đó, đồ làm bằng thổ cẩm đa phần bán cho người dân trong làng”, bà Y Blanh nói.
Bà Y Trech (làng Kon Klor, TP Kon Tum) cũng là một trong những người có thâm niên dệt lâu năm ở làng Kon Klor.
Bà Y Trech cho hay, phụ nữ trong làng đa phần dệt vải vào ban đêm khi công việc nhà và đồng áng đã hoàn tất.
“Để dệt được thổ cẩm rất khó, mất nhiều thời gian và công sức. Muốn có tấm vải dài 1m phải tốn đến 3 - 4 ngày dệt liên tục. Để có một tấm vải đẹp yêu cầu người dệt phải cẩn thận, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Dệt thổ cẩm có thể tạo ra khăn, áo, quần, váy… với nhiều màu sắc, mẫu mã. Tuy nhiên, tùy theo tay nghề và thâm niên mới có thể dệt nên những tấm vải đẹp, độc đáo”, bà Y Trech chia sẻ.
Dần bị mai một
Buông nhẹ thoi tơ, bà Y Yal (65 tuổi, xã Ngọc Bay, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cho hay, từ khi còn nhỏ được chứng kiến người bà và mẹ dệt nên cũng xem rồi bắt chước dệt theo.
Những ngày đầu làm quen, bà học se chỉ, tập dệt những tấm vải đơn giản, không hoa văn và nhiều màu sắc. Đến năm 15 tuổi bà bắt đầu thành thạo và tập làm quen dệt những chi tiết khó, đòi hỏi kĩ thuật cao.
“Ban đầu mới dệt mình không quen tay nên rất khó khăn. Muốn dệt được một tấm vải đẹp, một chiếc khăn, hay áo đẹp cần phải có đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Những ngày đầu dệt mình làm sai và hỏng họa tiết rất nhiều. Tuy nhiên nếu tháo ra làm lại thì rất lâu. Do đó, mình tự sáng tạo họa tiết khác hoặc để sử dụng trong gia đình”, bà Y Yal nói.
Để hoàn thành 1 chiếc áo truyền thống, người nghệ nhân phải mất hơn 1 tuần dệt liên tục. Tuy nhiên, bà Y Yal cho rằng với mức giá 300.000 – 400.000 đồng/cái nên ít người mua. Do đó, dần dần chỉ còn người già trong làng duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống này.
“Giờ đây mình có tuổi rồi, lưng đau, mắt mờ nên dệt được một cái áo tốn rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đây là nghề truyền thống từ cha ông truyền lại nên mình rất muốn lưu giữ và dạy lại cho con cháu. Tuy nhiên, lớp trẻ chỉ còn vài người yêu thích dệt thổ cẩm”, bà Y Yal tâm sự.
Được mẹ truyền dạy lại nghề dệt thổ cẩm từ khi còn nhỏ, bà Y Quy (48 tuổi) cho hay, giờ đây người trong làng không còn lên rừng lấy bông hay quay sợi, nhuộm màu nữa. Những tiếng kẽo kẹt của khung dệt cũng chẳng còn nhộn nhịp như xưa. Người dân nếu muốn dệt thổ cẩm thì xuống chợ mua chỉ, sợi tổng hợp về sử dụng.
“Những bộ quần áo thổ cẩm may tốn nhiều thời gian, công sức nên ít người trẻ còn mặn mà. Ngày nay, những trang phục hiện đại du nhập vào khiến người trẻ dần quên đi trang phục truyền thống. Những bộ quần áo thổ cẩm giờ đây chỉ còn xuất hiện trong các dịp lễ hội. Mình cũng muốn truyền lại cho con lắm. Nhưng lớp trẻ chẳng còn mặn mà nữa”, bà Y Quy trầm ngâm nói.