Hòa bình cho bán đảo Triều Tiên?
Thành công lớn nhất cho ông Kim sẽ là ngoại giao cũng như kinh tế. Cũng giống như Tổng thống Trump, ông Kim khao khát một thời khắc lịch sử và kịch tính lớn, trong đó hai nhà lãnh đạo của hai đất nước thù địch trong suốt bảy thập kỷ, sát cánh bên nhau để chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên với một tuyên bố chính trị.
Tất nhiên, một tuyên bố như vậy không có nghĩa là một hiệp ước hòa bình chính thức kết thúc chiến tranh, nhưng đủ để chính quyền ông Kim thể hiện như một chiến thắng với người dân Triều Tiên.
Việc kết thúc Chiến tranh Triều Tiên là mục tiêu mà cả cha và ông của ông Kim đều không hoàn thành khi tại thế. Việc hoàn thành nhiệm vụ đó sẽ củng cố quyền lực của ông Kim ở Triều Tiên, với tư cách là một chính khách và nhà chiến lược quân sự bậc thầy, cho phép sự tập trung của Triều Tiên tách khỏi chiến tranh và hướng tới phát triển kinh tế; đồng thời bắt đầu quá trình dài đàm phán một hiệp ước hòa bình chính thức với Trung Quốc, Liên Hợp Quốc và Mỹ.
Duy trì răn đe chiến lược
Mặc dù thế, việc duy trì một răn đe chiến lược hạt nhân độc lập để bảo vệ an ninh quốc gia là một trong những mục tiêu chiến lược của ông Kim. Trừ khi có một niềm tin thực sự được xây dựng giữa Mỹ và Triều Tiên, điều này có thể mất hàng thập kỷ để thành hiện thực. Còn trên thực tế, Washington chưa thể hiện gì nhiều để đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.
Vì lý do này, nhiều người cho rằng cộng đồng quốc tế không nên mong đợi quá nhiều vào những nhượng bộ từ Triều Tiên trong việc làm suy yếu khả năng duy trì răn đe hạt nhân hiện tại của họ trong tương lai gần.
“Nếu Tổng thống Mỹ Trump sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận tập trung vào việc đóng băng các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời ngăn chặn sự tiến bộ hơn nữa của các chương trình này, thì điều đó sẽ giúp ông Kim đạt được mục tiêu quan trọng nhất của mình”, Tong Zhao, nhà nghiên cứu tại Chương trình Chính sách hạt nhân của Carnegie, Trung tâm Chính sách toàn cầu Tsinghua, nhận định.
Tạo đà chuyển động kinh tế
Triều Tiên tuyên bố sẽ phát triển nền kinh tế, tuy nhiên, hệ thống nhà nước sở hữu và kiểm soát mọi thứ hiện nay ở đất nước này sẽ khó có thể mang lại sự phát triển. Hiện nay, các chợ địa phương (jangmadang) ở Triều Tiên là chủ đạo trong nền kinh tế, tuy nhiên, không có hệ thống nào bảo vệ tài sản của những người tham gia. Mặc dù các chợ địa phương đều được điều hành dựa trên cung và cầu, nhưng chủ yếu vẫn hoạt động ở cấp độ cá nhân.
Có thể nhắc lại một bài học như ở Nga và Trung Quốc, khi họ mở thị trường lao động và dỡ bỏ lệnh cấm du lịch, thì sự phát triển kinh tế đã được hiện thực hóa. Tương tự, khi Mông Cổ cải tổ và mở cửa thị trường, đông đảo người dân đã tự nguyện ra nước ngoài làm việc và gửi tiền về nước cho gia đình. Triều Tiên cũng cử lao động ra nước ngoài, nhưng nhà nước giữ khoảng 80% thu nhập. Nếu người dân Triều Tiên được phép giữ được nhiều tiền hơn, nền kinh tế trong nước cũng sẽ phát triển hơn.
Bà Jean H. Lee, Giám đốc Trung tâm Quỹ Chính sách và Lịch sử Hàn Quốc của Hyundai Motor - Hàn Quốc nhận xét: Rất có thể ông Kim sẽ tìm kiếm sự nhượng bộ về kinh tế, đổi lấy việc tái lập quan hệ và lời hứa từ bỏ chương trình hạt nhân, trong đó, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, bà cũng cho biết: Khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng, Hàn Quốc cũng sẵn sàng khởi động lại các dự án kinh tế chung có thể đóng vai trò là huyết mạch kinh tế cho Bình Nhưỡng, cũng như xây dựng lại cơ sở hạ tầng của Triều Tiên. Ngoài ra, Seoul phải chờ đợi những nhượng bộ hạt nhân cụ thể từ Triều Tiên để biện minh cho việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt song phương của chính họ kể từ năm 2010.