Nỗ lực sửa “tật”
Việc phát âm sai các từ có phụ âm đầu L-N xuất hiện ở một số tỉnh, thành thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hải Phòng. Từ năm 2001, do nhận thấy lỗi phát âm này phổ biến trong cán bộ, nhân viên các cơ quan, ban, ngành, nhất là trong đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên các nhà trường trong thành phố, Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hải Phòng thấy cần thiết phải hướng dẫn cách phát âm 2 phụ âm L- N.
Ông Trần Quang Kiểm - Chủ tịch Hội Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hải Phòng - chia sẻ, sau một thời gian nghiên cứu, biên soạn, tháng 9/2001, Hội đã cho ra cuốn tài liệu hướng dẫn cách phát âm 2 phụ âm L-N. Ngành Giáo dục Hải Phòng tích cực, tiên phong trong việc sửa lỗi phát âm cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Phòng Mầm non, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị sửa lỗi phát âm cho đội ngũ trong toàn thành phố ngay khi cuốn tài liệu trên được ban hành. Phòng GD&ĐT quận Ngô Quyền đã tổ chức hội thi sửa lỗi phát âm ở tất cả các trường mầm non trong quận.
Ông Trần Hữu Độ, Ủy viên Thường vụ Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục thông tin thêm, Hội thi “Nói và viết đúng tiếng Việt” do Sở GD&ĐT và Hội tổ chức vào tháng 11/2001 đã có một tiếng vang lớn trong ngành Giáo dục thành phố lúc ấy. Những năm sau, toàn ngành Giáo dục thành phố tích cực với các hoạt động sửa lỗi phát âm song song với việc luyện chữ đẹp và thu lại những hiệu ứng tốt từ phong trào này.
Năm 2015, 2016 toàn ngành đã tập huấn cho hơn 600 cán bộ, giáo viên về cách luyện phát âm L-N. Năm 2017, ngành Giáo dục quận Hồng Bàng đã tổ chức tập huấn sửa lỗi phát âm cho hơn 300 giáo viên tiểu học và mầm non trong quận. Từ năm 2017 đến nay, Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hải Phòng đã có nhiều hội thảo về sửa lỗi phát âm L-N tại các đơn vị giáo dục, trong đó có Trường Đại học Hải Phòng.
Với sự nỗ lực của các thành viên trong Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hải Phòng, cuốn sổ tay hướng dẫn tự sửa lỗi phát âm hai phụ âm đầu L-N đã xuất bản.
Bà Đỗ Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, nhận xét: “Nội dung cuốn sổ tay đảm bảo tính chính xác về mặt ngữ âm học, dễ hiểu, dễ thực hiện, bao quát rất rộng rãi các từ có phụ âm đầu L-N trong tiếng Việt. Đặc biệt, trong 245 từ và cụm từ trong bài tập phát âm đã trích dẫn 146 câu Kiều và nhiều tác phẩm văn học khác, nhiều câu thơ hay của các nhà thơ nổi tiếng trong nước”.
Hiệu quả sâu rộng
Chị Hoàng Thị Giang (quận Lê Chân) chia sẻ, do gia đình chị quen cách phát âm đảo lộn 2 phụ âm L-N nên các con đều nói không chuẩn. Mỗi lần cô nhắc sửa lỗi phát âm cho con nhưng vợ chồng chị không biết bắt đầu từ đâu khi cả 2 cùng “ngọng”. Những ngày con dừng đến trường, học online rất may mắn được cô giáo chủ nhiệm phổ biến cuốn sổ tay sửa lỗi phát âm L-N. Cùng con đọc những câu thơ lục bát trong truyện Kiều ở cuốn sổ tay hướng dẫn tự sửa lỗi phát âm L- N, đã giúp chị cùng con sửa lỗi hiệu quả.
Bà Bùi Thị Ngọc Quyên - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Lê Chân - thông tin, phong trào sửa lỗi phát âm L-N được ngành Giáo dục quận Lê Chân triển khai từ năm học 2019 - 2020. Đến nay, 14 trường tiểu học trong toàn quận đã hoàn thành việc sửa lỗi phát âm L-N và quận đang triển khai tiếp ở các bậc học khác.
Bà Quyên cho hay, hiện tượng phát âm sai L-N trong ngành Giáo dục quận chủ yếu là ở những giáo viên trẻ mới ra trường, giáo viên thuyên chuyển công tác ở những huyện ngoại thành về quận. Để khắc phục tình trạng này, phòng GD&ĐT đã xác định việc rèn lỗi phát âm L-N là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác bồi dưỡng giáo viên, yêu cầu các nhà trường phải xây dựng kế hoạch và triển khai tích cực hàng năm.
Cô giáo Dương Thúy Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân) - cho hay, để sửa lỗi phát âm L-N, nhà trường đã đưa ra những giải pháp để thầy cô giáo cùng học sinh của mình sửa lỗi. Cụ thể như, nắm lại phương thức phát âm và vị trí phát âm của phụ âm đầu L-N, luyện phát âm đúng, luyện đọc L-N qua các câu chuyện, câu thơ.
Quá trình thực hiện sứ mệnh giáo dục của mình, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Lê Chân) xác định “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” là nhiệm vụ xuyên suốt, được Ban giám hiệu nhà trường quan tâm, thực hiện hàng năm. Nhà trường đưa sáng kiến “Giải pháp xây dựng quy trình và nội dung quản lý phát âm chuẩn tiếng Việt để sửa lỗi phát âm lệch chuẩn cho giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai”.
Sáng kiến này có 6 bước, cụ thể: Xây dựng quy trình, khảo sát thực trạng, xây dựng nội dung tài liệu rèn phát âm, phát động phong trào thi đua tập thể, tổ chức rèn kĩ năng, đánh giá thường xuyên. Với những nỗ lực trong khắc phục lỗi phát âm, hiện Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai không còn giáo viên phát âm lệch chuẩn L-N.