Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án liên quan đến Kit test Covid- 19 Việt Á, ngày hôm qua cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt ông Nguyễn Thanh Long-cựu Bộ Trưởng Bộ Y tế, ông Chu Ngọc Anh-cựu Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Phạm Công Tạc-cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ để điều tra về hành vi vi phạm pháp luật.
Cơ quan hữu trách vẫn đang tiếp tục rà soát để kê biên tài sản của các cựu quan chức này, đảm bảo cho việc thi hành án, thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Việc vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng của ông Nguyễn Thanh Long, ông Chu Ngọc Anh, ông Phạm Công Tạc có động cơ liên quan đến tiền bạc hay không đang được nhà hữu trách điều tra làm rõ.
Vấn đề này chắc chắn công luận sẽ nhận được câu trả lời khi công tác điều tra, truy tố, xét xử hoàn tất.
Với việc ngày 7/6, cơ quan điều tra thực hiện các lệnh khởi tố bị can, bắt giam là dấu mốc kết thúc 19 tháng ngồi ghế Tư lệnh ngành Y tế “bỏng rẫy” với đại dịch Covid- 19 của ông Nguyễn Thanh Long.
Trước khi bị bắt, mới đây nhất (ngày 26/5) trong chương trình làm việc của Quốc hội, tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ông Nguyễn Thanh Long thừa nhận thời gian qua xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến xã hội hóa y tế.
"Bấy lâu nay vấn đề xã hội hóa đối với y tế bị sai phạm rất nhiều, nên chúng tôi đang xây dựng nghị định liên doanh, liên kết xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để trình sớm với Chính phủ", ông Long nói.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào ngày 5/1, ông Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh nhưng không làm phai mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên ngành Y tế trong cuộc chiến với dịch Covid-19 suốt thời gian qua và cả trong thời gian sắp tới”.
Tiếp đến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đầu tháng 1/2022, ông Nguyễn Thanh Long với tư cách là Bộ trưởng Y tế đã ký báo cáo gửi Quốc hội về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, nhất là việc ứng phó với biến thể Omicron; việc lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó, báo cáo rõ về các vấn đề có liên quan đến vụ việc xẩy ra tại Công ty Việt Á.
Trong báo cáo này nêu rõ: “Vi phạm của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tiến hành điều tra và khởi tố các cá nhân vi phạm. Công ty cổ phần công nghệ Việt Á đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi. Có cá nhân đã vi phạm các quy định trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ".
Báo cáo cũng cho biết, vụ án đã được Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi. Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo khẩn trương tiến hành điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bất chính.
Trả lời tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2 vào ngày 10/11/2021, ĐBQH nêu tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng lao lý khi sai phạm trong đấu thầu và mua bán thuốc, ông Nguyễn Thanh Long cho rằng: “Đây là những vụ việc hết sức đau lòng. Mặc dù các quy định về đấu thầu đã có nhưng vẫn có vi phạm, tham ô, tham nhũng. Chúng tôi lên án, các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo đúng pháp luật".