(GD&TĐ) - Hỏi: Nhà giáo Lê Thị Minh Hà, tỉnh Thừa Thiên - Huế (ltminhha@gmail.com) viết thư hỏi chuyên mục Hộp thư: Đến ngày 1/5/2014 tôi đủ tuổi nghỉ hưu và có quyết định nghỉ việc để hưởng Bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vậy xin hỏi chuyên mục: Trường hợp của tôi có được đóng bù cho đủ 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu không? Nếu được thì mức lương hưu của tôi là bao nhiêu?
* Trả lời: Theo Điều 70 Luật Bảo hiểm Xã hội quy định người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;
b) Đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
2. Trường hợp nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 5 năm so với thời gian quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì được đóng tiếp cho đến khi đủ 20 năm.
Căn cứ vào quy định trên nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bạn không quá 5 năm so với quy định thì bạn sẽ được đóng tiếp cho đến khi đủ hai mươi năm.
Về mức lương hưu hằng tháng được quy định tại Điều 71 Luật Bảo hiểm Xã hội như sau:
1. Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 76 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện như quy định tại Điều 53 của Luật này.
GD&TĐ Online