Hồi chuông báo động thực trạng đăng ký nhãn hiệu trường ĐH

Hồi chuông báo động thực trạng đăng ký nhãn hiệu trường ĐH
Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng)
Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng)

Không còn là cảnh báo, ngày 7/8 vừa qua Trường ĐH Đông Á - Đà Nẵng đã gửi đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ VN và Trường ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) khiếu nại việc bị vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu Đông Á mà trường đã đăng ký từ năm 2005.

Theo Trường ĐH Đông Á (trụ sở tại 63 Lê Văn Long, TP Đà Nẵng) thì nhãn hiệu “Đại học Đông Á” của trường này đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 115620, theo quyết định số 25979/QĐ-SHTT ngày 8/12/2008 (ngày nộp đơn 26/9/2005, số đơn 4-2005-12548).

Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á cho biết, ngay sau khi trường ĐH Công nghệ Đông Á tại tỉnh Bắc Ninh được thành lập từ năm 2008, trường đã có liên hệ thông báo về việc trùng lặp tên “Đại học Đông Á” đã được đăng ký sở hữu.

chứng nhận sở hữu độc quyền nhãn hiệu
Chứng nhận sở hữu độc quyền nhãn hiệu "Đại học Đông Á" do Cục Sở hữu trí tuệ cấp

Sự việc chưa ngã ngũ thì ngày 03/8/2010, Bộ GD&ĐT có QĐ số 3202/QĐ-BGDĐT về việc ngừng tuyển sinh Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp năm 2010 đối với trường ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh).

Liên tiếp những ngày sau khi quyết định của Bộ GD&ĐT được công bố, trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) liên tục nhận được hàng trăm cuộc điện thoại truy vấn, phàn nàn và hiểu lầm về quyết định này, do tên trường quá giống nhau. Việc nhầm lẫn đã làm suy giảm uy tín, xáo trộn hoạt động của nhà trường. Đặc biệt trong thời điểm đang diễn ra kỳ xét tuyển nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 của đợt tuyển sinh năm 2010 – lãnh đạo nhà trường cho hay.

Sự trùng tên đã dẫn đến những hệ lụy cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế vụ việc trên đây vẫn không phải là trường hợp duy nhất.

Được biết, hiện nay, trường ĐH DL Công nghệ Sài Gòn đã lấy trọn vẹn tên của Trường ĐH Sài Gòn (là trường công lập) làm nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN. Nếu lại có một “biến cố” giống như ĐH Công nghệ Đông Á thì khả năng xảy ra tranh chấp là hoàn toàn có thể.

Hiện nay, việc quản lý nhãn hiệu dịch vụ  của các trường đại học vẫn chưa được chú ý đúng mức. Hiện mới chỉ có  8 trường ĐH có sở hữu hợp pháp nhãn hiệu theo khảo sát của TS. Trần Văn Hải (đầu năm 2010) là trường ĐH Hoa Sen; ĐH Thương mại; ĐHDL Công nghệ Sài gòn; ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Ngoại thương; ĐH Hà Nội; ĐH An Giang và ĐH Cần thơ.

Nguyên nhân này được TS. Trần Văn Hải phân tích, có thể do nhà quản lý trường đại học cho rằng, tên trường mình đã do cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập thì không cần đến nhãn hiệu dịch vụ. Quan niệm này, theo TS.Hải chỉ đúng trong trường hợp không xảy ra tranh chấp và các trường đại học không mang dịch vụ đào tạo của mình ra nước ngoài.

Tên trường đại học và nhãn hiệu dịch vụ là các đối tượng rất khác nhau. Quyền đối với tên trường tự động phát sinh kể từ thời điểm quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập trường đại học có hiệu lực pháp luật.

Nhưng quyền đối với nhãn hiệu dịch vụ thì không tự động phát sinh mà muốn sở hữu hợp pháp nhãn hiệu dịch vụ thì trường đại học phải đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ và trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp thì trường ĐH mới được coi là chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu dịch vụ.

Việc đăng ký nhãn hiệu dịch vụ ra nước ngoài (nếu trường đại học mở chi nhánh của mình ở nước ngoài và sử dụng nhãn hiệu dịch vụ), không phát sinh trên cơ sở tên trường mà theo quy định của Công ước Paris, Thỏa ước Madrid, nó phải dựa trên cơ sở nhãn hiệu dịch vụ so quốc gia xuất xứ cấp.

Như vậy, các trường ĐH chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi không sở hữu hợp pháp nhãn hiệu dịch vụ, dẫn đến điều trớ trêu là có khi phải mua hoặc thuê lại chính tên mình.

Hy vọng, sự việc của 2 trường ĐH Công nghệ Đông Á và ĐH Đông Á sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh để các trường chú ý hơn đến vấn đề sở hữu hợp pháp nhãn hiệu dịch vụ.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.