Theo đó, HS tham gia ngoài học về văn tự sự, sẽ có lồng ghép bài Biết ơn của môn giáo dục công dân; môn âm nhạc sẽ học về bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng.
Dự án được thực hiện trong khoảng 3 tháng. Các em sẽ có 2 tuần đầu để học về kiến thức, sau đó phân nhóm để thực hiện các yêu cầu của dự án. Tiếp đó là 4-5 tuần học trải nghiệm, và những tuần cuối, học sinh sẽ hoàn thành các sản phẩm như tập san, phim, đĩa nhạc.
Cụ thể, tập san của các em sẽ là những câu chuyện về tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh hay là những bài văn kể lại những trải nghiệm của các em thông qua việc học tập thực tế tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM (trước đây có tên gọi là Bến Nhà Rồng).
Liên quan đến mục đích của dự án này, cô Đoàn Thị Nguyệt, giáo viên Ngữ văn, cho biết: “Thay vì học trong lớp học có chút gò bó, chúng tôi muốn tạo cho các em một không gian học thoải mái, thú vị hơn. Các em không chỉ được học Ngữ văn mà còn học tích hợp nhiều môn khác để nắm chắc kiến thức, vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, hình thành, phát triển thêm nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp, lập kế hoạch...
Đặc biệt, qua tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản thân chúng tôi cũng như các em HS muốn hướng đến lòng biết ơn đối với vị cha già vĩ đại của dân tộc. Những câu chuyện về Người sẽ là những bài học quý giá, sẽ là những điều tốt đẹp để chúng tôi cũng như các em rọi soi vào mình, học tập và làm theo tấm gương của Người”.
Tham gia dự án, các em HS đóng vai là những phóng viên; nhà quay phim; nhà họa sĩ; nhạc sĩ; biên tập… để đến trải nghiệm và thực hiện sản phẩm tại Bến Nhà Rồng, điều này khiến các em vô cùng thích thú.
Cô Đoàn Thị Nguyệt cũng cho biết thêm, đi đôi với việc đổi mới dạy - học là đổi mới hình thức đánh giá kiểm tra HS. Thông qua quan sát HS cũng như những sản phẩm mà các em làm khi dự án kết thúc, giáo viên sẽ tính điểm 15 phút và 1 tiết cho từng bộ môn.