Sáng kiến kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn dạy học
Đó là sản phẩm sau nhiều năm miệt mài sưu tầm, ghi chép, biên soạn của thầy Nguyễn Văn Ngọc chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Nghi Lộc, Nghệ An.
Chia sẻ về quá trình biên soạn tài liệu chương trình địa phương huyện Nghi Lộc, thầy Ngọc nói: Chương trình khung môn Ngữ văn bậc THCS do Bộ GD&ĐT ban hành dành riêng cho chương trình địa phương 21 tiết (lớp 6: 5 tiết; lớp 7: 6 tiết; lớp 8: 5 tiết; Lớp 9: 5 tiết).
Năm học 2008 – 2009, chương trình địa phương môn Ngữ văn được dạy học ở các trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tài liệu giảng dạy do Sở GD&ĐT Nghệ An biên soạn có tên sách là Ngữ Văn Nghệ An. Trong đó, có một phần dành cho ngữ văn các huyện, thành, thị Sở GD&ĐT khuyến khích các địa phương tự biên soạn để nội dung phong phú, đang dạng hơn.
“Từ định hướng đó, tôi bắt đầu đảm nhận việc biên soạn sách ngữ văn của huyện Nghi Lộc. Mình là người địa phương, lại học văn, dạy văn, việc viết sách tưởng dễ nhưng thực ra lại khó. Dễ bởi vì Nghi Lộc là mảnh đất trù phú vô cùng về đời sống văn hóa tinh thần với nhiều tài năng văn chương nổi danh cả nước.
Thời trước có Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Hữu Chỉnh. Thời sau có Hoài Thanh, Hoài Chân, Nguyễn Trọng Oánh, Thúy Bắc… Nhưng cái khó là làm sao lựa chọn được những tác phẩm, tác giả vừa điển hình, vừa phù hợp với sự tiếp nhận của học sinh, và bố trí đủ thời lượng tiết học theo phân phối chương trình”, thầy Ngọc chia sẻ.
Thời điểm đó, thầy Ngọc mới biên soạn được tài liệu dành cho lớp 6, 7. Sau đó, thầy tiếp tục tìm tài liệu, tập hợp, lựa chọn để bổ sung thêm vào ngữ văn Nghi Lộc dày dặn, đầy đủ hơn cho cả lớp 8, 9. Cuốn sách không chỉ lựa chọn giới thiệu những tác phẩm văn học, nghiên cứu, phê bình là người con của Nghi Lộc, viết về Nghi Lộc mà kể cả những tác giả ngoại tỉnh nhưng viết hay về mảnh đất Nghi Lộc.
Đề tài dạy học chương trình ngữ văn địa phương cũng đã đạt sáng kiến kinh nghiệm bậc 4 cấp tỉnh năm 2016. Đặc biệt, từ năm 2016 – 2017, cuốn sách “Ngữ văn địa phương Nghi Lộc” sử dụng làm tài liệu dạy học đồng loạt tại các trường THCS trên địa bàn huyện.
Thầy Ngọc phấn khởi nói: “Khi đưa vào dạy học những tác phẩm như Văn bản Di huấn của người 2 lần lần khai quốc Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí, văn tế khóc chị của Nguyễn Hữu Chỉnh, hay đoạn trường lục khóc vợ của Phạm Nguyễn Du, trích một số tác phẩm phê bình văn học của Hoài Thanh, Hoài Chân… nhiều học sinh tỏ ra hào hứng vì Nghi Lộc có nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình như vậy”.
Không chỉ là sáng kiến kinh nghiệm mà là đam mê
Thầy Ngọc cũng cho biết: Để hoàn thành cuốn sách này, tôi phải mày mò nhiều năm, đi hết 30 xã, thị trong huyện để ghi chép, so sánh... Do số tiết quy định rất ít và phải bám sát yêu cầu trọng tâm, phù hợp tâm lý học sinh nên thầy Ngọc lựa chọn mỗi tác giả một văn bản để đọc, hiểu tại lớp. Đồng thời, giới thiệu thêm nhiều tác phẩm, tác giả trong phần đọc thêm để các em tự đọc, tìm hiểu. Để các em thấy được tâm huyết, sự đóng góp của cha ông và để lại di sản văn học, văn hóa giàu đẹp cho thế hệ sau.
Bên cạnh đó, sách cũng có những tác phẩm là dân ca ví, giặm xứ Nghệ, được đưa vào phần đọc hiểu, giúp các em tiếp thu di sản văn hóa của quê hương, là sản phẩm của tập thể người dân xứ Nghệ truyền miệng từ đời này qua đời khác đến tận bây giờ.
Trong tất cả các huyện, thành, thị của Nghệ An, Nghi Lộc là mảnh đất đặc biệt, với nét riêng về văn hóa không trộn lẫn và duy nhất đó chính là phương ngữ địa phương.
Người Nghi Lộc phát âm, sử dụng nhiều từ ngữ rất riêng, đến chính những người Nghệ An ở huyện khác chưa chắc nghe đã hiểu được. Nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa của quê hương mình, thầy Ngọc không thể bỏ qua được nét đặc trưng này.
Cứ một mình một xe, thầy rong ruổi về các xã, từng làng quê nhỏ, nghe người dân nói chuyện, cẩn thận ghi lại, góp nhặt lời ăn tiếng nói của dân quê. Từ đó, mở rộng, khái quát thành những đặc điểm chính về phương ngữ Nghi Lộc trong tài liệu của mình, thành giáo án Tìm hiểu từ ngữ địa phương Nghi Lộc.
Trên cơ sở đó, để giúp các em hiểu hơn tiếng nói bản xứ của mình, cũng như tập cách phát âm, chính tả đúng chuẩn phổ thông để sau này sử dụng giao tiếp ngoài xã hội.
Phần tập làm văn, thông qua các bài viết về các di tích lịch sử, di sản văn hóa của địa phương như: Đền Nguyễn Xí, câu Cấm… chương trình giúp các em học sinh nhận diện được bố cục và đặc điểm của các văn bản. Đồng thời, giáo dục thêm tình yêu quê hương, ý thức trách nhiệm đối việc việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của huyện nhà.
Thầy Nguyễn Văn Ngọc tâm sự: Tôi chỉ thích làm chuyên môn, mê văn từ nhỏ, không chỉ riêng Nghi Lộc mà nhắc đến mảnh đất nào giàu truyền thống văn hóa như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thanh Chương, Đô Lương… là tôi mê lắm, thèm khát lắm.
Công việc ở Phòng GD&ĐT cũng rất vất vả, bề bộn, trong khi đó, làm văn hóa, văn chương, rất vất vả và mất thời gian. Phải tự mình đi, nghe, ghi lại, thấu hiếu bằng cả tâm hồn, sự trân trọng và cả tri thức của bản thân, để gạn đục khơi trọng, để lựa ra trong rất nhiều những tư liệu kia đâu là cát, đâu là ngọc.
Bởi thế, sáng kiến kinh nghiệm không chỉ là đúc rút từ quá trình dạy học công tác trong ngành giáo dục, mà còn phải là đam mê, có như vậy, sản phẩm mới có giá trị và lan tỏa trong thực tiễn.