Học trực tuyến là hy vọng cuối cùng của nữ sinh Afghanistan

GD&TĐ - Bất chấp lệnh cấm nữ sinh học đại học của Taliban, nữ sinh Afghanistan đang tìm mọi cách để duy trì học tập và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

Nữ sinh Afghanistan học trực tuyến.
Nữ sinh Afghanistan học trực tuyến.

Giáo dục trực tuyến là cơ hội cuối cùng giúp họ tiếp cận tri thức.

Sau khi chính quyền Taliban ban hành lệnh cấm nữ sinh học đại học vào tháng 12/2022, Zarghona Pamiri cảm thấy buồn bã xen lẫn tuyệt vọng khi nghĩ về chặng đường phía trước.

Nhưng giờ đây, nữ sinh đã tìm lại được hy vọng nhờ theo đuổi chương trình giáo dục trực tuyến Đại học Trực tuyến Afghanistan.

Pamiri là một trong số hàng nghìn phụ nữ Afghanistan đang tham gia Đại học Trực tuyến Afghanistan, nền tảng học tập ảo cung cấp các khóa học đại học và cấp bằng miễn phí cho phụ nữ.

“Nền tảng này mang đến cho phụ nữ Afghanistan một tia hy vọng. Giáo dục trực tuyến rất có lợi. Chúng tôi học được rất nhiều kiến thức trên Internet”, Pamiri bày tỏ.

Ông Farhad Arianfar, một trong những người sáng lập nền tảng, cho biết mục tiêu khi nhóm của ông xây dựng Đại học Trực tuyến Afghanistan là lấp đầy khoảng trống giáo dục tại nước này. Ước tính, 15.000 phụ nữ đã đăng ký tham gia và khoảng 6.000 người được chọn.

Dù việc học trực tuyến còn nhiều khó khăn, các nữ sinh vẫn không ngừng quyết tâm theo đuổi bởi đây là hy vọng cuối cùng của họ. Shala, cựu sinh viên Đại học Kabul, Afghanistan, hiện đang theo học tại Đại học Trực tuyến Afghanistan, chia sẻ: “Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn vì có thể tiếp tục học tập. Tôi sẽ cố gắng lấy bằng cử nhân từ việc học trực tuyến”.

Từ khi lên nắm quyền vào tháng 8/2021, Taliban cho phép tất cả trẻ em trở lại lớp học. Tuy nhiên, sau đó chính quyền Taliban đã ban hành nhiều lệnh cấm nữ sinh trung học, đại học đến trường. Hiện nay, chỉ nữ sinh tiểu học được đến trường.

Đối với phần đông nữ sinh Afghanistan hiện nay, nền tảng trực tuyến là cơ hội duy nhất để duy trì việc học dang dở mà không vi phạm lệnh cấm bởi các nền tảng trực tuyến này đều có trụ sở tại nước ngoài.

Đơn cử, nền tảng giáo dục trực tuyến Đại học Nhân dân, trụ sở tại Mỹ, ghi nhận số lượng người học là nữ tại Afghanistan tăng vọt kể từ sau tháng 12/2022. Trong hơn 10.000 phụ nữ đăng ký, 2.000 người được chấp thuận và sử dụng tên giả khi học online để đảm bảo an toàn.

Future Learn, nền tảng giáo dục kỹ thuật số của Anh, cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ phụ nữ Afghanistan truy cập miễn phí vào tất cả các khóa học trực tuyến sau khi Taliban cấm phụ nữ học đại học.

Đại diện Future Learn ghi nhận số lượt truy cập từ Afghanistan tăng 700% kể từ tháng 12/2022. Đến nay, nền tảng có hơn 2.100 lượt đăng ký từ người dùng Afghanistan.

Sau khi đăng ký Future Learn, phụ nữ Afghanistan có thể tham gia miễn phí hơn 1.000 khoá học từ các trường đại học khác nhau và được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học. Với chứng chỉ này, họ có thể tìm việc làm ở nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, phương thức học mới phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đầu tiên, cơ sở hạ tầng và đường truyền Internet tại Afghanistan không ổn định, nhất là ở khu vực nông thôn.

Điều đó làm hạn chế phạm vi người dùng được tiếp cận với khóa học. Còn ở những nơi đường truyền ổn định, không phải tất cả nữ sinh đều có đủ thiết bị học tập và đăng ký Internet.

Bên cạnh đó, nhiều nữ sinh đăng ký học trực tuyến trong tâm trạng lo sợ sẽ bị chính quyền Taliban phát hiện. Nhiều người thậm chí phải lén lút để học trực tuyến, không nói cho người thân trong gia đình vì sợ họ “nhỡ mồm” tiết lộ ra bên ngoài.

Theo The Hill, Rferl

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...