Đây là loại máy sử dụng điện với những vật liệu tái chế, giúp sàng sạch cát để xây dựng. Máy có ưu điểm tăng năng suất lao động, hạn chế được những khâu xúc cát thủ công như trước…
Tái chế từ vật liệu xe máy
Trong nhiều năm trở lại đây, đời sống người dân vùng quê Quách Phẩm Bắc (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) có nhiều khởi sắc và xuất hiện nhiều hơn những ngôi nhà gạch lát đá hoa khang trang. Tuy nhiên, những nhà thầu đảm nhận xây dựng công trình nhỏ lẻ phụ thuộc vào lao động thủ công là chính.
Trong đó, việc sàng cát chủ yếu dựa vào sức người với dụng cụ thô sơ nên hiệu quả công việc không cao. Đây cũng là lí do đưa hai em học sinh Trường THCS Quách Phẩm Bắc là Lâm Chí Phúc và Phan Như Quỳnh tìm đường đi đến sáng tạo.
Dành đam mê cháy bỏng cho khoa học, bỏ qua những trở ngại về điều kiện nghiên cứu của học sinh vùng sâu huyện Đầm Dơi, hai em đã lên mạng Internet tham khảo một số loại máy sàng cát tự động được nhiều nhà thầu công trình lớn sử dụng.
Mặc dù đi sau nhưng các em đã lên kế hoạch sáng tạo trên tinh thần cải tiến, mong muốn tăng năng suất lao động công nghiệp, giảm sức lao động thủ công và hiện thực được ước mơ sáng tạo.
Không cần tìm những vật liệu đắt tiền để chế tạo, dưới sự dìu dắt của thầy Trịnh Đình Nam, nhóm đã tìm những phế liệu đa phần từ xe máy như con cóc đề, các con nhong, ruột xe tải…
Để có thể mô phỏng trên nền tảng của những chiếc máy sàng cát tự động thông thường, nhóm đã làm thêm gầu xúc cát, băng chuyền, máng chứa cát và cả bánh xe lăn để thuận tiện cho việc di chuyển máy.
Trong hệ thống tự chế có 6 bộ phận như: Giá đỡ, bánh răng, dây xích, vòng bi, băng chuyền, máng hứng cát và gầu xúc cát; máy thông thường sẽ không có những bộ phận đặc trưng này.
Việc sử dụng lại những đồ cũ nhưng lại rất mới trong thiết kế, tận dụng những thứ tưởng chừng vứt đi thì nay lại giúp hai em học sinh làm nên câu chuyện sáng tạo của riêng mình.
Dù chỉ là học sinh lớp 8 nhưng hai em đã có kha khá kiến thức về kĩ thuật cơ khí áp dụng vào thực tế. Kết quả là hình thành chiếc máy sàng cát mang thương hiệu riêng của hai em.
Hiệu quả cao trong xây dựng
Chiếc máy sàng cát tự động phiên bản học sinh này có trọng lượng khoảng 9kg nhưng số tiền đầu tư thực hiện trên 2 triệu đồng. Đây là số tiền học sinh vùng sâu không dễ kiếm được để hoàn thành sản phẩm.
Để giúp các em thực hiện niềm đam mê khoa học, Hội Phụ huynh học sinh đã tài trợ kinh phí, nhằm chia sẻ gánh nặng giúp các em yên tâm hơn.
Bắt tay vào cuộc, hai em Lâm Chí Phúc và Phan Như Quỳnh đã dành 2 tháng để hoàn thiện sản phẩm và trải qua 3 lần thử nghiệm mới thành công.
Thất bại là tiền đề để cả Phúc và Quỳnh phấn đấu đưa chiếc máy hoạt động tốt đến với Cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh (2016 - 2017) và chạm tay vào giải Nhì (không có giải Nhất).
Quá trình hoạt động của máy bắt đầu khi để chiếc máy vào đống cát và kết nối dây điện của mô tơ với bình ắc quy 12V, khi có điện hệ thống hoạt động kéo theo hai bánh răng chuyển động làm băng chuyền chuyển động gầu xúc cát càng đi lên cao qua đỉnh gầu đổ cát vào máng. Sau đó chảy xuống lồng sàng bắt đầu lọc đá, sỏi, cỏ, rác… sau khi tách riêng sẽ bị loại bỏ ra hẳn bên ngoài.
So với những chiếc máy xúc cát tự động sử dụng rộng rãi trên thị trường, chiếc máy tự chế này đã đem đến sự thuận tiện, cách sử dụng dễ dàng, dây chuyền tự động sẽ rút ngắn thời gian lao động cho khâu xúc cát, sàng lọc.
Hệ thống vận hành phối hợp khớp từng bộ phận tự chế (băng chuyền, gầu múc, máng chứa) để tiến hành sàng lọc cát một cách nhanh và hiệu quả…