Tại đây, 152 học sinh giỏi, học sinh có thành tích trong cuộc thi nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp TP, cấp quốc gia của thành phố đã chia sẻ với gần 30 ý kiến xung quanh vấn đề NCKH, CLB học thuật, bồi dưỡng HS giỏi trong trường.
Theo đó, HS thành phố mong muốn ngọn lửa nghiên cứu khoa học sẽ lan tỏa ngày càng sâu rộng hơn nữa trong các trường dưới sự hỗ trợ của lãnh đạo ngành.
Cần sự hỗ trợ lớn của lãnh đạo ngành
Mở đầu buổi đối thoại, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn chân tình trao đổi: Các em hãy coi các cô chú lãnh đạo, các thầy cô ở đây như những người bạn, có trăn trở gì, suy nghĩ bộc bạch gì cứ nói ra để cùng nhau giải quyết. Và có thể trong những trăn trở của các em, lãnh đạo ngành sẽ rút ra được những điều mới mẻ cũng như thiếu sót.
Đáp lại điều này, những ý kiến của các em HS đến từ các trường đều là những điều tâm huyết mà các em muốn gửi gắm.
Em Nguyễn Võ Minh Hiếu - Học sinh Trường THPT Nhân Việt - chia sẻ về quá trình NCKH các em cũng gặp một số khó khăn, nhất là liên lạc để nhận được sự hỗ trợ của các trường ĐH với trang thiết bị đầy đủ. Vì vậy, mong được lãnh đạo Sở hỗ trợ thêm về vấn đề này.
Em Nguyễn Nhi - TTGDTX giáo dục quận Phú Nhuận - đặt câu hỏi: Ở một số TTGDTX, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm… không được đầy đủ để các em NCKH, vậy có thể liên hệ tới các trường phổ thông trên địa bàn để mượn CSVC?
Liên quan đến đầu ra cho các sản phẩm NCKH, em Kim Cương - HS Trường THPT Gia Định - trăn trở: Hiện các công trình CNKH của các bạn của trường em cũng như các trường bạn đạt được kết quả cao, với những sáng chế rất bổ ích, có thể ứng dụng trong thực tiễn nhưng chỉ dừng lại ở việc nhận được giải thưởng. Đây là điều rất đáng tiếc. Lãnh đạo Sở có cách nào để đưa những công trình này được triển khai rộng rãi hơn vào đời sống?
Các công trình NCKH của các em HS khi mang những đề tài của mình tới các cuộc thi quốc gia, cấp quốc tế thì việc thuyết trình bằng tiếng Anh là rất quan trọng. Vì vậy em Thanh Trúc - học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - bày tỏ mong muốn được học các môn Toán - Lý - Hóa bằng tiếng Anh để trau dồi ngôn ngữ khoa học.
Trong khi đó, Hà Nhi - HS Trường THPT Nam Sài Gòn - cho rằng: Nên tổ chức mỗi tháng mỗi lần để HS có cơ hội được giao lưu, trao đổi về NCKH, đồng thời có website thông báo cụ thể về các cuộc thi, cũng như lập ra trang web riêng để HS trao đổi với nhau, chia sẻ những ý tưởng sáng tạo; hay có ý kiến góp ý về tổ chức phòng trưng bày các sản phẩm NCKH của các bạn HS; có những cơ chế ưu đãi đối với các HS tham gia NCKH để từ đó niềm đam mê NCKH sẽ lan tỏa, sâu rộng hơn nữa trong các trường phổ thông.
Lãnh đạo Sở sẽ hành động ngay!
Liên quan đến vấn đề NCKH, ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Trung học, Sở GD&ĐT - cho biết: Sở đã có những hướng dẫn cụ thể và sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các em được tiếp cận với các trường ĐH trên địa bàn có CSVC tốt phục vụ cho NCKH.
Nhằm đưa những công trình NCKH của các em đến gần hơn với đời sống và có thể đi vào thực tiễn, đại diện Thành đoàn TPHCM cho hay: Từ tháng 7/2015, Trung tâm Phát triển khoa học & công nghệ trẻ phối hợp cùng Truyền hình thanh niên (Thành đoàn TP.HCM) đã bắt đầu phát sóng hàng tuần trên HTV9 chuyên mục sáng tạo trẻ, giới thiệu những công trình NCKH của các em HS, SV đến gần hơn với mọi người. Vì vậy, các em hãy mạnh dạn đưa những công trình của mình lên Trung tâm để được chọn lựa.
Ngoài ra, liên quan đến ý tưởng về việc lan tỏa niềm đam mê NCKH sâu rộng hơn trong HS bằng việc đưa các công trình này đến gần hơn với mọi người, có thể ứng dụng vào thực tiễn, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM - cho biết: Thời gian tới Sở sẽ lập một trang Web để các em có thể chia sẻ những ý tưởng, sáng tạo KH của mình, cũng là nơi để các em giao lưu, trao đổi với các bạn.
“Sở cũng sẽ tổ chức ngày hội sáng tạo phối hợp với Thành đoàn, các doanh nghiệp trẻ để đưa các công trình NCKH của các em đến gần hơn với mọi người, nhất là các doanh nghiệp”, ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, TPHCM sẽ có những cơ chế riêng, chế độ riêng để khuyến khích HS NCKH, thắp lên ngọn lửa đam mê sáng tạo của các em, đây là nền móng quan trọng cho những sáng tạo có tầm vóc lớn trong tương lai.
Cũng tại buổi đối thoại, các em có những đề xuất như có thể trong kỳ thi HS giỏi, có thể song song phần lý thuyết có thể thi thực hành, hay như việc thay đổi lịch thi HS giỏi để đảm bảo lịch học cho HS TTGDTX…
Ngoài ra, các em cũng đề xuất như tăng cường văn hóa đọc, tổ chức cho HSSV có thể đến với Hoàng Sa, Trường Sa, làm thế nào để không chảy máu chất xám… Những vấn đề này được Sở GD&ĐT giải đáp và nhận được sự hài lòng của các em.