Học sinh tiểu học TPHCM sẵn sàng cho cuộc thi Robothon Việt Nam

GD&TĐ -Thầy và trò Trường Tiểu học An Khánh, Tiểu học Giồng Ông Tố (quận 2) những ngày gần đây đang ráo riết tập dượt để sẵn sàng cho cuộc thi Robothon sẽ được tổ chức tại TPHCM vào ngày 1/11 tới đây.

Thầy Ngọc Tùng hướng dẫn các em vận hành robot
Thầy Ngọc Tùng hướng dẫn các em vận hành robot
Học sinh tiểu học TPHCM sẵn sàng cho cuộc thi Robothon Việt Nam ảnh 1Học sinh tiểu học TPHCM sẵn sàng cho cuộc thi Robothon Việt Nam ảnh 2Học sinh tiểu học TPHCM sẵn sàng cho cuộc thi Robothon Việt Nam ảnh 3Học sinh tiểu học TPHCM sẵn sàng cho cuộc thi Robothon Việt Nam ảnh 4

Hào hứng lắp ráp robot

Được biết, bộ môn Robotics được đưa vào giảng dạy tại Trường Tiểu học An Khánh từ năm học trước. Cuộc thi Robotics cấp trường cũng đã diễn rất hấp dẫn thu hút gần 1.000 HS của trường tham gia.

Một buổi sáng cuối tháng 10, tại phòng Robotics của Trường Tiểu học An Khánh (quận 2), các em HS gồm 15 em, chia làm 5 nhòm 2 nhóm sơ cấp (6-9 tuổi) và 3 nhóm trung cấp (9-12 tuổi) của trường đang nỗ lực thực hiện các thao tác lập trình, lắp ráp robot với mục tiêu đạt thành tích cao tại cuộc thi lần này.

Thầy Nguyễn Ngọc Tùng - GV phụ trách bộ môn Robotics của trường - cho biết: Theo thể lệ cuộc thi, sau khi lập trình trên máy tính rất nhanh chóng, các em tới bàn điều khiển để tiến hành vận hành robot. Bước chuẩn bị này được tiến hành trong vòng 60 phút và chỉ có 2 phút để tham gia thi đấu. 

Với chủ đề của cuộc thi là Quản lý rác thải đô thị, các em sẽ điều khiển để robot thực hiện các bước, như: Vận chuyển rác tới nhà máy tái chế, chuyển rác thải tới bãi xử lý rác sinh học hay biến rác thành khí tổng hợp, phân phối điện năng. Vì thế những ngày gần đây, tôi hướng dẫn cho các em thực hiện thật thành thục các bước.

Khi Quang Thái (HS lớp 3/1) lập trình và cho robot vận hành bị lỗi vì không mang được rác thải tới đúng vị trí, thầy Tùng đã ngay lập tức chỉ cho em sai ở bước mấy, và hướng dẫn em trở về máy tính để xem lại phần lập trình của mình.

Hay như em Trường Thiên, khi đã vận hành xong robot đến khâu thứ 4, em nói: “Thầy ơi, bước 3 của con robot vẫn chưa tốt lắm...".

Thầy Tùng đã chỉ cho Thiên quay lại máy tính, vào phần lập trình bước ba để điểu chỉnh chỉ số phù hợp hơn. 

Sau khi thực hiện tốt, nhóm của Thiên đã thực hành nhuần nhuyễn hơn. Thầy Tùng không quên tặng cho nhóm lời khen: “Tốt lắm con!". Cả thầy và trò cười vui rôm rả sau khi làm tốt bài thực hành của mình. Cứ như thế, buổi tập luyện của các em với khoảng thời gian 1 giờ 30 phút trôi qua rất sôi nổi.

Thầy Tùng cho biết: “Sau khi giành giải nhất ở cuộc thi cấp TP, các em đã rất phấn khởi và quyết tâm cao ở cuộc thi cấp quốc gia tới đây. Các em về cơ bản đã nắm rất vững cách lập trình để vận hành robot. 5 nhóm của trường 3 tuần nay đều luyện tập rất chăm chỉ. Các em cũng tỏ ra rất tự tin trước cuộc thi tới đây”.

Em Bảo Long - HS lớp 5 (trưởng nhóm tham dự Robotics của trường) -  tự tin nói: “Từ năm lớp 4, em đã rất thích bộ môn này. Học bộ môn này, em cùng các bạn phải thao tác nhanh để lắp ráp robot và vận hành robot. Lớn lên con ước mở trở thành một kĩ sư CNTT”.

Cũng giống như Bảo Long, em Phương Anh - HS lớp 4/1- cho biết: Con rất thích khi cùng các bạn, các anh lắp ráp robot, con học hỏi được rất nhiều về tính đồng đội. Ngoài ra con cũng phải suy nghĩ rất nhanh để lập trình thế nào để robot vận hành đúng. Từ đó giúp con thêm nhanh nhẹn. Chúng con sẽ cố gắng hết mình trong cuộc thi để đạt giải cao”.

Cũng tương tự Trường Tiểu học An Khánh, hiện tại các em HS của Trường TH Giồng Ông Tố (quận 2) cũng đang ra sức tập luyện để chờ tới giờ G. Thầy Lại Hoàng Hiệp - GV Robotics của Trường Tiểu học Giồng Ông Tố (quận 2) - vui vẻ nói: Hiện tại 3 đội gồm 1 đội sơ cấp, 2 đội trung cấp của trường về cơ bản đã nắm vững bài thi của mình. 

Tôi đang hướng dẫn thêm cho các em vì thỉnh thoảng các em vẫn gặp một đôi chỗ lỗi trong lắp đặt vị trí robot. Đây là năm đầu tiên nhà trường đưa bộ môn này vào giảng dạy, nhưng các em không hề thấy bỡ ngỡ mà tỏ ra rất hào hứng và nhiều em rất nhanh nhẹn, làm bài tốt”.

Sân chơi bổ ích

Đó là chia sẻ của cô Bùi Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Khánh - khi được hỏi về cuộc thi Robotics. 

Cô Thu cũng cho biết: Nhà trường đã sắp xếp giờ ôn tập Robotics rất hợp lý và thường xuyên động viên, khích lệ các em. 

“Để không làm ảnh hưởng đến việc học tập chính khóa của HS cũng như giờ nghỉ trưa của các em, nhà trường đã bố trí cho các em luyện tập sẵn sàng cho cuộc thi Robothon vào gần cuối buổi học chiều để các em thoải mái lắp ráp, luyện tập vận hành robot. Đây là sân chơi rất bổ ích cho các em HS. 

Các em được làm việc nhóm, từ đó nâng cao tinh thần tương trợ lẫn nhau. Bộ môn nói chung và cuộc thi nói riêng sẽ giúp các em tư duy nhanh hơn, tăng tính cẩn thận và được trau dồi thêm nhiều kĩ năng, kiến thức. 

Chủ đề của cuộc thi năm nay cũng rất hay. Từ cuộc thi, các em sẽ hiểu hơn, ý thức hơn về việc phải bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, mà trước mắt là bỏ rác đúng nơi quy định".

Thầy Ngọc Tùng - Trường Tiểu học An Khánh - cho biết: Năm 2013, tôi cùng các em HS Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm tham dự Cuộc thi Robotics Quốc tế, dù có phần còn khá mới ở Việt Nam nhưng các em tỏ ra rất tự tin và đã giành giải. Tôi hi vọng bộ môn này sẽ tiếp tục lan tỏa hơn nữa”.

Có mặt tại cổng trường Tiểu học An Khánh để đón con, anh Thanh Hải, một phụ huynh cho biết: ‘Tôi rất khuyến khích con mình học bộ môn này, coi như là vừa học, vừa chơi để con cảm thấy thoải mái, vừa giúp con tư duy, sáng tạo hơn. Có nhiều cháu say mê, chắc chắn sẽ chịu khó tìm tòi và phát hiện ra nhiều điều thú vị từ nó”.

 Cuộc thi Robothon 2014 sẽ được tổ chức tại TPHCM vào ngày 1/11 với 60 đội tuyển tham gia đến từ TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Các thí sinh Robothon năm nay sẽ thi đấu theo làm ba cấp độ: cấp độ Sơ cấp (dành cho lứa tuổi 6 đến 9), cấp độ Trung cấp (dành cho lứa tuổi từ 9 đến 12) và cấp độ Cao cấp (dành cho lứa tuổi từ 12 đến 18). Các đội thắng cuộc sẽ được tham dự cuộc thi Robotics quốc tế tại Malaysia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.