Chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa, sức sáng tạo mới
RoboDnic là Cuộc thi Sáng tạo Robot dành cho học sinh TP Đà Nẵng được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, trở thành một sân chơi bổ ích và hết sức ý nghĩa dành cho các em học sinh trung học trên địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
RoboDnic 2014 với chủ đề “Chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa, sức sáng tạo mới” được Ban tổ chức lựa chọn năm nay hứa hẹn sẽ mang lại một thông điệp sâu sắc và có tính thời sự về vai trò của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước, nhất là trong tình hình nóng bỏng của vấn đề biển Đông hiện nay.
Được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tổ chức, cuộc thi năm nay do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng phối hợp với Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, Sở Khoa học Công Nghệ TP Đà Nẵng, Thành đoàn Đà Nẵng và quỹ khuyến khích sáng tạo khoa học công nghệ Hồ Nghinh tổ chức.
Qua hơn 3 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các em học sinh THPT trên toàn địa bàn thành phố. Các đội thi năm nay đến từ các trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám, Hòa Vang, Trần Phú, Thái Phiên, Nguyễn Trãi… Bên cạnh việc nhận được sự quan tâm của học sinh THPT TP Đà Nẵng, 2 đội thi: QN-Lightning và Q-Flash đến từ các trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sào Nam, Tiểu La…của tỉnh Quảng Nam cũng hăng hái đăng kí tham gia cuộc thi.
Gấp rút hoàn thiện những chú robot
Các dụng cụ “cây nhà lá vườn” được các bạn tận dụng để tiết kiệm chi phí |
Tham gia cuộc thi, mỗi đội sẽ phải chuẩn bị cho mình 3 chú robot, trong đó có 2 robot điều khiển bằng tay, và 1 robot điều khiển tự động. Dưới sự hướng dẫn của các anh chị tình nguyện viên, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các đội đã chính thức hoàn thành được 95% robot của mình.
Để nắm bắt rõ hơn về tình hình chuẩn bị Robot của một số đội thi, chúng tôi tìm đến căn hẻm nhỏ ở đường Lưu Quý Kì, TP Đà Nẵng, nơi các thành viên đội LQĐ Newbie (Lê Quý Đôn Newbie) đang tất bật gò, hàn, lắp ráp những chi tiết cuối cùng.
“Nhóm em đã hoàn thành 95% sản phầm của 3 chú robot. Dự kiến sang ngày mai nữa sản phẩm sẽ hoàn tất và sẽ cho chạy thử trên sân thi đấu. Những ngày cuối này, nhóm em sẽ dành để trang trí và thử nghiệm sản phẩm để đảm bảo robot vận hành tốt và đúng như ý muốn của tất cả các thành viên trong đội.” – Học sinhThủy Tiên -Thành viên đội LQĐ Newbie - chia sẻ.
Theo Thủy Tiên, trong suốt quá trình chế tạo robot, đội LQĐ Newbie vấp phải khó khăn lớn về kinh phí. “Mọi chi phí đều do chúng em góp với nhau. Bố mẹ có hỗ trợ để khuyến khích chúng em tham gia vì cuộc thi rất bổ ích, nhưng một số linh kiện làm robot có giá thành khá cao, cũng đã làm khó cho chúng em trong quá trình chi tiêu, vì thế, toàn đội phải tính toán rất kĩ lưỡng khi đưa ra quyết định mua linh kiện.”
Tại đây, chúng tôi cũng tình cờ gặp được bạn Quang Huy – đội trưởng đội PCT – XH – Từng đoạt giải Nhất chung cuộc ROBODNIC 2013, hiện đang hỗ trợ kĩ thuật cho các đội chơi năm nay. Chia sẻ về những cảm nhận khi được đóng vai trò là “đàn anh” đi trước, Huy tâm sự: “Tiến độ của các đội làm việc rất tốt, cơ cấu robot và giải pháp thi đấu đều được các đội sáng tạo mới mẻ hơn, trau chuốt nhiều hơn so với năm trước.”
Khó khăn về kinh phí là bài toán khó chung của hầu hết các đội chơi. Vì các em đang còn ở lứa tuổi THPT, chưa có khả năng làm ra tài chính để đóng góp làm robot. Với niềm đam mê khoa học công nghệ không ngừng học hỏi đó, hy vọng trong những năm tới, các đội chơi sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn của ban tổ chức và từ phía các trường tham gia.