Học sinh Tây Hồ sẽ không còn phải học trong đình làng

GD&TĐ - Được gọi là quận trung tâm văn hóa của Thủ Đô, nhưng công tác phổ cập giáo dục của Tây Hồ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở hai phường ngoài đê sông Hồng là Tứ Liên và An Dương.

Học sinh Trường THCS Tứ Liên học trong khuôn viên của đình làng
Học sinh Trường THCS Tứ Liên học trong khuôn viên của đình làng

Báo cáo về kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ năm 2017, ông Lê Hồng Vũ- Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết: Mặc dù Tây Hồ là quận trung tâm văn hóa du lịch của thủ đô nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc... gọi học sinh đến trường.

Thứ nhất, dân cư ở Tây Hồ có sự biến động nhanh. Tỉ lệ dân ngụ cư hàng năm ở các phường trong quận tăng lên rất nhanh trong những năm vừa qua, có những phường dân số tăng đến 20%.

Đặc biệt là số dân ngụ cư theo thời gian, dân thuyền chài, dân đánh cá, dân đi bè khi nước lên đến sống để con cái học, đến khi nước rút họ lại trở về quê. Số dân này rất đông, nhất là ở phường Tứ Liên, lên đến hàng nghìn người.

Để làm tốt công tác phổ cập trong những năm qua, Phòng GD&ĐT đã tích cực tham mưu với UBND quận Tây Hồ để tăng cường cơ sở vật chất trường học, tạo điều kiện học tập tốt cho con em nhân dân trong quận.

Tây Hồ có 2 phường nằm ở ngoài đê là Tứ Liên và An Dương, đây là những phường có điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp. Trong đó ở Tứ Liên, trong suốt 50 năm, học sinh 2 trường tiểu học và THCS Tứ Liên phải học tạm trong đình làng. Báo chí đã phản ánh rất nhiều về việc này.

Điều này ngược lại với số lượng trường đạt chuẩn quốc gia của Tây Hồ là một trong những quận huyện có tỉ lệ cao nhất, có 84,4% số trường đạt chuẩn quốc gia, đứng thứ 4 toàn thành phố.

Với sự quyết tâm của lãnh đạo quận, các công trình trường học đang gấp rút được triển khai. Trong năm 2018, quận đã triển khai dự án xây dựng trường Tiểu học, THCS Tứ Liên theo quy hoạch tại khu đất 7000m2 Đầm cụm 1 phường Tứ Liên.

Năm 2017, dự án trường Tiểu học An Dương (giai đoạn 2) đã hoàn thành tại phường Yên Phụ. Các dự án xây dựng trường Mầm non An Dương 2; xây dựng trường Mầm non Nhật Tân 2 cũng đang được triển khai.

Như vậy, học sinh trường tiểu học và THCS Tứ Liên sẽ không phải học trong khuôn viên của đình làng Nội Châu nữa. Thầy trò sẽ có trường học mới đẹp và hiện đại hơn rất nhiều- Ông Vũ chia sẻ.

Điều thứ 2 ảnh hưởng đến công tác phổ cập giáo dục của quận là chất lượng dạy học đồng đều giữa các địa phương. Trên địa bàn Tây Hồ, đa số khu vực có trình độ dân trí rất cao nhưng có những khu vực dân trí lại thấp.

Ví dụ các khu vực như Thụy Khuê, Bưởi có dân trí cao, còn các khu vực ngoài đê như Tứ Liên, An Dương thì dân trí thấp. Do vậy, phải có chất lượng giáo dục đồng đều thì học sinh ở An Dương, Tứ Liên mới không chuyển về Bưởi, về Thụy Khuê học, và như vậy thì công tác phổ cập mới có thể làm tốt được.

Từ thực tiễn đó, Phòng GD-ĐT quận đã tìm cách nâng cao chất lượng giáo dục ở các phường "vùng trũng", khuyến khích các thầy cô giỏi về công tác tại các trường học này, kêu gọi các phụ huynh cho con đi học đúng tuyến...

Ông Vũ dẫn chứng: Năm 2011, các trường ở An Dương, Tứ Liên thường chỉ tuyển được khoảng 40-50% chỉ tiêu quận giao. Nhiều cha mẹ sẵn sàng cho con học trái tuyến vì không muốn học tại những trường này.

Nhưng đến năm học 2017 thì đã khác, tất cả các trường này đều tuyển sinh được 100% chỉ tiêu. Cha mẹ học sinh đều yên tâm vì khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các trường "trong đê" và "ngoài đê" đã được rút ngắn đáng kể.

Để công tác phổ cập được tiến hành thành công là do phát huy được vai trò của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là vai trò của hội khuyến học.

Hội khuyến học quận Tây Hồ được đánh giá là hội khuyến học mạnh của thành phố. Vai trò của hội khuyến học rất lớn, vừa giúp phòng GD-ĐT có được các số liệu cần thiết, đồng thời cũng là nơi để động viên khuyến khích các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp học sinh được đến lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ