Trong những ngày vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra đến các đơn vị trường học, từng cơ sở giáo dục, từng xã phường trên địa bàn thành phố Hà Nội với tinh thần làm việc nghiêm túc.
Đoàn đã có kết luận: thành phố Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 tại thời điểm tháng 12/2017.
Đây là thành tích cao hơn năm trước. Duy trì phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập tiểu học từ mức độ 2 lên mức độ 3, phổ cập THCS từ mức độ 1 lên mức độ 2, phổ cập xóa mù chữ từ mức độ 1 lên mức độ 2.
Hầu hết các xã phường đều đạt chuẩn phổ cập ở mức độ cao. Chỉ còn hơn 100 xã chưa phổ cập THCS mức độ mức độ 2. Kết quả này thể hiện sự cố gắng nỗ lực của toàn ngành, của lãnh đạo thành phố, của các quận huyện.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc |
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chúc mừng thành phố Hà Nội và ngành GD-ĐT Hà Nội về thành tích này. Thứ trưởng cho rằng, là trung tâm văn hóa chính trị, giáo dục của cả nước, Hà Nội không chỉ dừng lại ở việc phổ cập giáo dục mà phải hướng đến nền giáo dục chất lượng cao.
Mục đích của phổ cập giáo dục là để tạo cơ hội cho người dân có cơ hội để học tập. Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng có đặt ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ thực hiện nền GD bắt buộc 9 năm. Như vậy, Hà Nội phải đi trước cả nước để phổ cập giáo dục cho các cấp học từ mầm non đến THCS.
Thứ trưởng cũng lưu ý ngành GD-ĐT Hà Nội quan tâm duy trì kết quả đã đạt được và phát huy để làm tốt hơn nữa, đó là việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng chính quyền với công tác phổ cập, coi đây là trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Cần quan tâm đến chất lượng của công tác phổ cập, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo quản lí giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên, sắp tới là việc chuẩn bị cho chương trình, sách giáo khoa mới.
Tiếp tục truyền thông về công tác phổ cập, để xã hội hiểu rõ hơn về những việc mà ngành giáo dục đang làm, huy động các nguồn lực cùng tham gia để thực hiện tốt hơn. Công tác thanh tra kiểm tra cần được quan tâm nhiều hơn nữa vì đây là công tác cần đánh giá hàng năm.
Đoàn kiểm tra sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT để xem xét ban hành quyết định công nhận thành phố Hà Nội đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ các mức độ nêu trên tại thời điểm tháng 12 năm 2017.