Học sinh sáng chế nước rửa bát sinh học

GD&TĐ - Tác giả của sáng chế nước rửa bát sinh học là hai em Phạm Trường Sơn và Trịnh Thị Hà Anh - Trường TH&THCS Đồng Tâm (tỉnh Bình Phước).

Nhóm học sinh thử nghiệm các công thức khác nhau của nước rửa chén sinh học.
Nhóm học sinh thử nghiệm các công thức khác nhau của nước rửa chén sinh học.

Nhận thấy nước rửa bát hóa học khiến da tay bị khô, bong tróc, nhóm học sinh ở Bình Phước đã nghiên cứu, sáng tạo nước rửa bát sinh học từ quả bồ kết và vỏ bưởi, cam, chanh, quýt, quế.

Bảo vệ sức khỏe và môi trường

Tác giả của sáng chế nước rửa bát sinh học là hai em Phạm Trường Sơn và Trịnh Thị Hà Anh - Trường TH&THCS Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Phạm Trường Sơn cho biết, nước rửa chén hóa học là sản phẩm phổ biến trên thị trường, song người dùng dễ bị khô tay, bong tróc da khi sử dụng.

Loại nước tẩy rửa này khi thải ra môi trường gây ra những hệ lụy xấu. Trong khi nước rửa chén sinh học hoàn toàn thân thiện với tự nhiên, không hại da tay, dễ chế tạo và sử dụng.

Bồ kết là loại quả có nhiều tác dụng trong làm sạch, được dân gian sử dụng để nấu nước gội đầu rất sạch và thơm. Bồ kết còn có tác dụng khử khuẩn, dùng để đốt và ngửi mỗi khi trong nhà có người bị cảm cúm. Tinh dầu vỏ bưởi, vỏ chanh và vỏ quýt làm mượt tóc, khử khuẩn tốt và có mùi thơm rất dễ chịu.

“Với tác dụng của các loại nguyên liệu này, chúng em mong muốn sử dụng phối hợp giữa nước bồ kết và bột vỏ bưởi, vỏ chanh, vỏ quýt khô, vỏ quế để tạo nước rửa chén, bát sinh học. Sản phẩm không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, thân thiện với môi trường, dễ dàng sử dụng và tìm kiếm trên thị trường”, em Phạm Trường Sơn cho biết.

Bồ kết rất giàu saponin. Hoạt chất saponin còn có hoạt tính kháng nấm, kháng viêm và kháng khuẩn. Hoạt chất saponin từ trái bồ kết hoặc bồ hòn được ứng dụng phổ biến và có thể thay thế 100% chất tẩy rửa hóa học. Saponin là hợp chất tẩy rửa thân thiện với môi trường, ít độc hại, dễ dàng phân hủy sinh học.

Nhóm tiến hành tinh chế bằng công nghệ lên men và công nghệ kết tủa qua một số loại dung môi. Với phương pháp lên men, nhóm tiến hành tinh chế saponin bằng cách lên men từ nấm men khô Saccharomyces Cerevisiae (BV818). Đây là loại nấm men phổ biến, dễ tìm mua, dễ sử dụng với giá tương đối rẻ.

Nhóm đã làm thực nghiệm để tìm công thức pha chế nước rửa chén, bát sinh học tìm hiểu tính tẩy rửa của sản phẩm. Từ đó xây dựng công thức pha chế. Mỗi công thức được pha chế và khảo sát lặp lại nhiều lần để tìm ra công thức tối ưu. Nguyên liệu các loại vỏ bưởi, chanh, quýt, cam và quế phơi khô, nghiền nhỏ. Quả bồ kết khô đem nướng rồi cho vào nước đun sôi.

Muốn tăng hạn sử dụng cho sản phẩm

Hai học sinh tự thực hiện các lần thử nghiệm để đánh giá khả năng làm sạch của sản phẩm. Ở lần thử nghiệm đầu tiên, nhóm dùng 100g bồ kết khô đun sôi với 3 lít nước trong thời gian 15 phút và để nguội.

Lấy mỗi mẫu 1 lít nước bồ kết hòa lần lượt với 20, 25 và 30g bột vỏ bưởi, chanh, quýt, quế (bột vỏ quả). Sau đó rửa với lượng dầu mỡ như nhau. Kết quả ở hàm lượng pha trộn 20g bột vỏ quả, chén bát sạch và có thể làm mờ vết bám chè, cà phê nhưng tay vẫn còn nhờn dầu mỡ.

Ở hàm lượng pha chế 25g bột vỏ, chén bát sạch nhưng tay vẫn còn nhờn dầu mỡ. Ở hàm lượng pha chế với 30g bột vỏ, chén bát sạch hơn nhưng vẫn còn nhờn dầu mỡ trên tay. Như vậy có thể kết luận công thức này chưa tối ưu.

“Nhóm xác định thất bại nhiều lần là bình thường, nên sẽ kiên trì làm đến khi có công thức tối ưu. Do nguyên liệu có giá thành khá rẻ nên việc thử nghiệm không mấy khó khăn, có thể làm đi làm lại nhiều lần”, Phạm Trường Sơn nói.

Nhóm bắt tay thử nghiệm lần hai, lượng bồ kết được tăng lên 150g quả khô và lượng bột vỏ quả giữ nguyên. Kết quả, ở hàm lượng 20g bột vỏ quả thì chén bát đã sạch dầu mỡ, tay cũng sạch, vết bám chè, cà phê mờ rõ.

Ở hàm lượng 25g bột vỏ quả, mức độ sạch cao hơn. Ở hàm lượng 30g bột vỏ quả, chén bát sạch, tay sạch dầu mỡ. Đặc biệt ở công thức này, chén bát và tay có mùi thơm của tinh dầu bưởi, chanh, cam, vỏ quế, làm sạch hoàn toàn vết bám chè, cà phê.

Em Trịnh Thị Hà Anh cho biết, nước rửa chén bát sinh học có giá rẻ do nguyên liệu dễ kiếm, dễ pha chế và sử dụng. Sản phẩm có thể tẩy sạch vết bẩn dầu mỡ, cặn chè, cà phê, khử mùi tanh trong chén bát… Do có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên nên sản phẩm rất thân thiện với môi trường.

Tuy vậy điểm yếu của sản phẩm là thời hạn sử dụng ngắn. Vào mùa Đông, nhiệt độ không quá 23 độ C thì có thể bảo quản 10 ngày. Nếu trời nóng từ 33 độ C trở lên, thời hạn sử dụng sản phẩm là trong 6 ngày.

Nhóm tác giả hy vọng thời gian tới sẽ tìm ra công thức tối ưu để bảo quản sản phẩm tối đa được 6 tháng ở nhiệt độ thường để nâng cao tiềm năng thương mại hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.