Học sinh sáng chế giường thông minh cho bệnh nhân Covid-19

GD&TĐ -Giường thông minh tích hợp các chức năng hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp như hệ thống bóp bóng tạo oxy tự động, nâng giường bệnh tự động, liên hệ bác sĩ điều trị…

Nhóm tác giả bên cạnh giường bệnh công nghệ cho bệnh nhân Covid-19.
Nhóm tác giả bên cạnh giường bệnh công nghệ cho bệnh nhân Covid-19.

Theo dõi sức khỏe liên tục

Giường công nghệ dành cho bệnh nhân Covid-19 là sản phẩm của hai sinh viên Nguyễn Quang Vinh và Phan Nguyễn Hạnh An, Trường THPT Trường Xuân (Đồng Tháp).

Em Nguyễn Quang Vinh chia sẻ, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra cẳng thẳng, áp lực đối với y bác sĩ rất nặng nề, hai em đã đã nghiên cứu, lên ý tưởng và chế tạo thành công giường bệnh tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ bệnh nhân Covid-19. Giường gồm bộ điều khiển, với các cảm biến nhằm kiểm tra sức khỏe người nhiễm Covid-19 như thân nhiệt, nhịp tim, nồng độ oxy trong máu.

Người bệnh chỉ cần đặt ngón tay, để trán gần vị trí quy định trên bộ điều khiển, các thông số sẽ hiển thị trong khoảng ba giây. Sau đó, phần mềm gồm thuật toán phân tích dữ liệu, đưa ra cảnh báo chính xác, đồng thời gửi thông tin đến bác sĩ nếu thấy bất thường, thông qua ứng dụng IoT, ngược lại, nếu sức khoẻ ổn định, hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn thông báo đến người nhà.

Ngoài ra, giường bệnh cũng tích hợp các chức năng hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp như hệ thống bóp bóng tạo oxy tự động, nâng giường bệnh tự động, liên hệ bác sĩ điều trị. Để tăng kênh giao tiếp với bác sĩ, một camera đàm thoại cũng được tích hợp trên giường bệnh.

Bên cạnh đó, hệ thống khử khuẩn tự động bằng tia UV-C đi kèm cảm biến có thể nhận biết lúc nào bệnh nhân không sử dụng giường để tiến hành vệ sinh diệt khuẩn.

Những ứng dụng này vừa giúp giảm áp lực công việc cho đội ngũ y bác sĩ trong điều kiện quá tải; vừa giúp người bệnh, thân nhân yên tâm hơn.

Tuy các thiết bị công nghệ hầu như có sẵn trên thị trường, việc còn lại là tích hợp chúng với nhau và viết mã code cho bộ xử lý, nhưng quá trình thiết kế, sản xuất thành công chiếc giường này cũng không hề dễ dàng.

Vinh và An phải mất rất nhiều thời gian tìm tòi thông qua sách chuyên ngành, diễn đàn trực tuyến, các video hướng dẫn trên Internet và đã trải qua hàng chục lần thực nghiệm, thất bại.

Cải tiến sản phẩm thành giường bệnh cho người già

Theo nhóm nghiên cứu, các thiết bị công nghệ hầu như có sẵn trên thị trường, việc còn lại là tích hợp chúng với nhau và viết mã code (lệnh) cho bộ xử lý. Những kiến thức này, Vinh và An tìm tòi thông qua sách chuyên ngành, diễn đàn trực tuyến, các video hướng dẫn trên Internet và đã trải qua hàng chục lần thực nghiệm, thất bại.

“Các linh kiện được chúng em tìm mua chủ yếu qua mạng. Ví dụ như linh kiện R3 là điều khiển trung tâm được tích hợp thêm cảm biến đo thân nhiệt, đo nhịp tim và nồng độ oxy trong máu. Ngoài ra, có linh kiện dùng để thông báo và gọi điện thông qua ứng dụng trên điện thoại và thiết bị thu nhận tín hiệu wifi trên app. Sau đó nhóm tích hợp linh kiện, viết mã code cho bộ xử lý. Phần mềm gồm thuật toán phân tích dữ liệu để đưa ra cảnh báo chính xác”, Quang Vinh cho biết.

Khi chiếc giường hoàn thành, cả nhóm mang đến trạm y tế xã để vận hành và nhận thêm góp ý. Hạnh An kể, ban đầu nhiều người khá ngạc nhiên với ý tưởng của các em, song khi chứng kiến chiếc giường vận hành các cô chú ở trạm y tế đều thích và đặt hàng thêm nhiều chức năng khác.

Ngôn ngữ lập trình được nhóm sử dụng là C và C++. Khó khăn với nhóm là việc thực hiện lập trình khá khó, chưa được học trong nhà trường nên các em phải tự tìm tòi trên mạng, đọc thêm nhiều tài liệu và tham khảo ý kiến giáo viên.

Thầy Nguyễn Đức Vĩnh, giáo viên hướng dẫn nhóm cho biết thầy và nhà trường đánh giá cao ý tưởng của hai em, đặc biệt ở khía cạnh nhân văn. Hơn nữa việc đưa ra ý tưởng và đeo đuổi đến cùng cũng rèn cho các em tính kiên trì, ham học hỏi.

Hiện, Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nên cả nhóm đang hướng đến đối tượng sử dụng là các bệnh viện có lượng bệnh nhân đông hoặc nhu cầu của những gia đình có người lớn tuổi mà người thân không có điều kiện chăm sóc mỗi ngày.

Giữa tháng 4/2022, nhóm cùng giáo viên hướng dẫn bàn bạc cải tiến sản phẩm như thay các cảm biến thường bằng thiết bị chất lượng tốt hơn, tích hợp bộ phát wifi để chủ động ở những nơi chưa có... Dự kiến sắp tới, ba thầy trò sẽ dự thi ý tưởng khởi nghiệp và sản xuất thử để kinh doanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ