Học sinh phải trải nghiệm mới biết mình phù hợp với nghề gì

GD&TĐ - BGH các trường THPT đều thừa nhận rằng, có một thực tế là rất nhiều HS, dù không đủ năng lực để vào học trường ĐH nhưng vẫn nhất quyết không đầu quân vào các trường nghề.

Học sinh phải trải nghiệm mới biết mình phù hợp với nghề gì

Cho dù HS được tiếp cận với nhiều kênh thông tin nhưng vẫn có tình trạng chọn nghề theo chủ quan, không căn cứ vào năng lực bản thân và nhu cầu của xã hội. Chính vì vậy, công tác tư vấn hướng nghiệp phải làm sao giúp HS xác định được năng lực thực sự của mình, có được hình dung nhất định về yêu cầu, đặc thù nghề nghiệp.

Hướng nghiệp sớm

Ngày hội tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm nay của Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng), ngoài sự tham dự của HS khối 12 còn có cả HS khối 10. Thầy Trần Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tham gia hướng nghiệp sớm, sẽ giúp HS lớp 10 biết được một số nghề cơ bản trong xã hội, từ đây các em sẽ có một số hình dung nhất định về nghề nghiệp, biết được xác định được ưu điểm và sở thích của mình để có những định hướng phù hợp”.

Ngoài việc chủ động mời một số trường CĐ, ĐH về trực tiếp tư vấn sâu cho HS, trường THPT Nguyễn Hiền cũng đưa HS đến trải nghiệm ở một số trường CĐ, ĐH trên địa bàn Đà Nẵng. “Một số em sau khi trải nghiệm mới “vỡ” ra rằng nếu chỉ “thích” hay am hiểu về máy tính thôi thì chưa đủ để theo học CNTT mà còn phải cần thêm tính kỷ luật, tư duy logic… hay để trở thành một hướng dẫn viên du lịch thì ngoài khả năng diễn đạt còn phải có cả kiến thức lịch sử, địa lý…” - thầy Tuấn cho biết.

Nhận xét về xu hướng chọn nghề của HS phổ thông, phần lớn các giáo viên chủ nhiệm lớp 12 đều gặp nhau ở điểm chung: HS thường chọn ngành nghề theo cảm tính hoặc chạy theo một số ngành nghề thời thượng hay đang có nhu cầu “nóng”.

Có thể chia xu hướng chọn nghề của HS theo một số nhóm: Thành kiến với một số ngành nghề trong xã hội như đánh giá thấp các nghề lao động phổ thông, dịch vụ, cung ứng…

Một tình trạng nữa mà HS thường mắc phải do quan niệm không đúng, thiếu hiểu biết về nghề nên chọn nghề theo chủ quan, không căn cứ vào năng lực bản thân, vào nhu cầu của xã hội, cũng có không ít HS lựa chọn nghề nghiệp theo sự định hướng của bố mẹ hoặc sự lôi cuốn của bạn bè hay dư luận xã hội. Bởi vậy, nhiều giáo viên chủ nhiệm, ngay từ đầu năm học, đã phát phiếu điều tra định hướng nghề nghiệp để có căn cứ theo dõi và tư vấn.

Theo nhận xét của thầy Nguyễn Duy Thảo - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Khê (Đà Nẵng) thì công tác tư vấn phải được khởi động ngay từ đầu năm học chứ không đợi đến thời điểm các em làm hồ sơ tuyển sinh mới bắt đầu triển khaihư HS của Trường THPT Thanh Khê, ngay từ lớp 10, lớp 11, đã được nhà trường giới thiệu kỹ một số nghề nghiệp theo tiêu chí “thời gian học ngắn, học phí vừa phải và sớm có việc làm”.

Trải nghiệm để hướng nghiệp

Cô Trần Thị Kim Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng (Đà Nẵng) cho biết: “Có sâu sát HS mới thấy càng nhiều thông tin thì các em càng phân vân trong lựa chọn. Chính vì vậy, trong tư vấn hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh, phải làm sao giúp HS xác định được năng lực thực sự của mình, biết được mình “rơi” vào chỗ nào thì được, và phải có sự hình dung nhất định về con đường phía trước của mình”.

Chính vì vậy, thông qua các hoạt động trải nghiệm - sáng tạo của một số môn học như Địa lý, Lịch sử…, Trường THPT Tôn Thất Tùng cũng kết hợp luôn cả công tác hướng nghiệp sớm. Như qua giờ học trải nghiệm tại trang trại trồng rau hữu cơ, HS mới biết được công việc trên đồng ruộng của người nông dân không hề giống như các em hình dung, biết thế nào là nông nghiệp sạch cũng như nhu cầu về các sản phẩm rau sạch là rất lớn. Giờ học ngoại khóa khám phá Sơn Trà, tìm hiểu về đa dạng sinh học, trải nghiệm học làm gốm… cũng được nhà trường lồng ghép một cách khéo léo để giới thiệu về một số nghề nghiệp cho HS.

“Hướng nghiệp muốn hiệu quả thực sự phải bắt nguồn từ cuộc sống, và HS phải có sự trải nghiệm nhất định thì mới biết mình phù hợp nhất với nghề gì. Trong khả năng có thể của nhà trường, chúng tôi muốn giúp cho HS biết được một số ngành nghề là thế mạnh của địa phương, hoặc những ngành nghề mà địa phương có nhu cầu cao để các em có thể có những lựa chọn phù hợp với sở thích, năng lực của mình” - cô Kim Vân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...