Học sinh mồ côi vì Covid-19: Cần sự hỗ trợ toàn diện

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 khiến hơn 1.500 trẻ em tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành rơi vào cảnh mất cha, mất mẹ.

Thăm hỏi, tặng quà cho trẻ mất cha, mẹ do dịch Covid-19. Ảnh: Thành ủy TP HCM
Thăm hỏi, tặng quà cho trẻ mất cha, mẹ do dịch Covid-19. Ảnh: Thành ủy TP HCM

Nỗi đau quá lớn do không chỉ mất đi chỗ dựa, các em còn đối mặt với cú sốc, hoảng loạn về tinh thần. Theo Thạc sĩ Tâm lý trẻ em và vị thành niên, chuyên gia độc lập, Phương Hoài Nga, thầy cô, nhà trường trở thành điểm tựa giúp các em vượt qua biến cố, nguôi bớt nỗi đau.

Tác động tiêu cực đến sức khoẻ tâm thần

- Trong đợt dịch Covid-19 lần này, hơn 1.500 trẻ em ở TPHCM và nhiều tỉnh thành khác rơi vào tình cảnh mất cha, mất mẹ. Những mất mát này sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tâm thần của trẻ, thưa bà?

- Có dịch hay không có dịch, hàng ngày vẫn có nhiều trẻ em rơi vào tình cảnh mất cha, mẹ. Khi mất mát diễn ra trong đại dịch, nguy cơ tiêu cực cho sức khoẻ tâm thần của trẻ có thể sẽ cao hơn. Bởi cùng lúc mất đi cha mẹ - vòng tròn bảo vệ gần nhất, các vòng tròn bảo vệ rộng hơn như trường học, gia đình mở rộng và xã hội nói chung cũng trong tình trạng bị ảnh hưởng cả về tinh thần và vật chất.

Khi mất đi các nguồn lực bảo vệ, trẻ em có nguy cơ đối mặt các vấn đề sức khoẻ tinh thần như lo lắng đến mức lo âu, tuyệt vọng tới mức trầm cảm. Đôi khi không chỉ là những rối loạn về cảm xúc, có thể là các rối loạn về hành vi như tức giận vô cớ, tự hại hay hành vi nguy cơ khác.

Nếu tình trạng kéo dài mà không được hỗ trợ phù hợp có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ tinh thần, kéo theo thể chất và các chức năng sống khác, có thể đến khi các con đã trưởng thành.

Cần phải nói thêm rằng không phải tất cả trẻ em đều có phản ứng giống nhau trước sự mất mát. Và không phải cứ mất mát trẻ sẽ có vấn đề về sức khoẻ tinh thần. Nhưng chắc chắn mọi trẻ em, đặc biệt sau sang chấn lớn như vậy, đều cần nhận được sự quan tâm xác đáng.

- Bà đánh giá thế nào về tác động của những vấn đề sức khoẻ tâm thần đối với việc học tập, sinh hoạt của học sinh?

- Đây là câu hỏi hay và thiết thực cho những ai sẽ tham gia nuôi dưỡng và giám hộ trẻ em. Những biểu hiện về sức khoẻ tinh thần có thể không dễ nhận biết nhưng những ảnh hưởng đối với sinh hoạt hàng ngày, quan hệ xã hội và học tập rất dễ nhận ra.

Hoạt động sinh hoạt có thể bị xáo trộn do mất cha mẹ, người vốn giữ nếp sống trong gia đình, nhưng cũng là biểu hiện của vấn đề sức khoẻ tinh thần. Trẻ ăn ngủ không ngon, có các biểu hiện đau, mỏi mệt về thể chất, mất hứng thú với hoạt động thường ngày, mất tập trung vào học tập, học hành sa sút… đều là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy trẻ cần được quan tâm đặc biệt về sức khoẻ tinh thần.

Thạc sĩ Phương Hoài Nga trong một hoạt động tư vấn tâm lý. Ảnh: NVCC
Thạc sĩ Phương Hoài Nga trong một hoạt động tư vấn tâm lý. Ảnh: NVCC

“Vá” vết thương tinh thần

- Trẻ phải trải qua cú sốc tâm lý thường có xu hướng khép kín, ngại giao tiếp. Theo bà, người chăm sóc và nhà trường có thể làm gì để tình trạng trên không kéo dài, gây tác động tiêu cực đến học sinh?

- Không ai có thể khoả lấp nỗi đau hay thay cho bố mẹ các em nhưng khi mất đi người thân thương nhất, trẻ sẽ cần đến tiếp theo là gia đình mở rộng, lối xóm, bạn bè của gia đình và trường học.

Sự hỗ trợ khẩn cấp và quan trọng lúc này là các em được đảm bảo tối thiểu điều kiện để vận hành cuộc sống của mình bao gồm ăn ngủ, sinh hoạt cá nhân, mối quan hệ xã hội và đi học. Đảm bảo vận hành cuộc sống chính là sự giúp đỡ thiết thực nhất mà họ có thể làm.

Ngoài ra, người thân và trường học có thể thường xuyên quan sát, hỏi han trực tiếp và thông qua bạn bè của các con để sâu sát được tình trạng sức khoẻ tâm lý, từ đó có thể tìm kiếm sự giúp đỡ kịp thời.

Hiện nay, các đường dây nóng bảo vệ trẻ em cũng là nguồn đáng tin cậy để mọi người có thể đề nghị sự giúp đỡ trong giai đoạn chưa được tiếp xúc xã hội như hiện nay.

Tuy thế, chúng ta cũng phải tính đến các giải pháp dài hạn để gia đình mở rộng và nhà trường tăng nguồn lực trong việc phát triển lâu dài của các con.

Thạc sĩ Phương Hoài Nga. Ảnh: NVCC
Thạc sĩ Phương Hoài Nga. Ảnh: NVCC

- Vậy nhà trường và xã hội phải ứng xử thế nào để giúp các em vượt qua nỗi đau, trở lại học tập?

- Nhận được sự giúp đỡ và thương cảm kịp thời sẽ giúp các em cảm thấy mình được thương yêu, trân trọng và đặc biệt là niềm tin rằng mình không đơn độc. Với nhiều em, cơn đau vì mất cha mẹ có thể đã qua đi vài tháng. Vì thế điều cần bàn tới là những hỗ trợ dài hạn để phục vụ cho sự phát triển lâu dài của các em như đã đề cập ở trên.

Tôi cho rằng cần thiết lập mạng lưới xã hội bao gồm công tác xã hội đến y tế, sức khoẻ tinh thần và giáo dục. Sự hỗ trợ mang tính mạng lưới này sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các em được sống tại địa phương quen thuộc, tiếp tục theo học tại môi trường thân quen, đặc biệt là được ở gần với những người thân của gia đình.

Mạng lưới đó đồng thời sẽ theo sát và đánh giá các nguy cơ khác nếu có như bạo lực, thiếu đồ ăn, và vấn đề về sức khoẻ thể chất và tinh thần khác, để có thể kết nối trẻ, nhà trường, trung tâm bảo trợ và gia đình mở rộng tới nguồn lực xã hội khác.

Chia sẻ điều này, tôi muốn nói đến sự hỗ trợ toàn diện cho dù ai đang đứng ra gánh vác điều này. Bởi hỗ trợ các em, chúng ta cần tính đến lời giải cho một bài toán hệ thống và lâu dài cho sự phát triển của trẻ.

- Bà có đề xuất gì để phát triển phòng Tư vấn tâm lý học đường khi trường học trở lại dạy trực tiếp cho trẻ em nói chung và trẻ em mồ côi do dịch Covid-19?

- Hoạt động tư vấn tâm lý học đường tại các trường học phần lớn do thầy cô giáo kiêm nhiệm. Tôi cho rằng thầy cô có thể cân nhắc hoạt động thiết thực, đơn giản và dễ thực hiện. Thầy cô hãy sàng lọc để phân loại vấn đề của các em đang ở mức nguy cơ hay ở mức có vấn đề về sức khoẻ tinh thần hoặc vấn đề khác để có sự hỗ trợ phù hợp.

Thường xuyên giữ liên hệ với gia đình đang nhận nuôi hoặc người giám hộ để cùng theo dõi tình trạng tinh thần và lĩnh vực sống của các em.

Kết hợp với thầy cô giáo chủ nhiệm để chắc rằng trong lớp học hoặc trường học, em luôn có người bạn đi kèm. Ngoài các hoạt động hỗ trợ, hoạt động tương trợ nhóm đối với các bạn cùng chia sẻ nỗi đau mất người thân, cha mẹ có thể cũng giúp ích rất nhiều.

Trong trường hợp các trường trên cùng địa bàn có trẻ nhỏ mất cha mẹ, quản lý cấp trường có thể kết hợp với nhau để thầy cô học hỏi từ nhau, hoặc nhận thêm hỗ trợ của chuyên gia. Hiện có nhiều chuyên gia y tế, tâm lý sẵn lòng mở ra vòng tròn hỗ trợ cho các gia đình và thầy cô.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ