Học sinh lớp 9 làm thuyền phun thuốc đa năng

GD&TĐ - Ngô Nguyễn Hoàng Anh và Võ Thị Xuân Mai, học sinh lớp 9A3, Trường THPT Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang đã sáng chế thuyền phun thuốc đa năng. Thuyền có thể tự động phun nước và phun các loại thuốc phòng, trị bệnh cho thủy sản vô cùng tiện dụng. 

Cô giáo Bùi Thị Ngọc Thúy cùng 2 em Võ Thị Xuân Mai, Ngô Nguyễn Hoàng Anh bên sản phẩm thuyền tự động.
Cô giáo Bùi Thị Ngọc Thúy cùng 2 em Võ Thị Xuân Mai, Ngô Nguyễn Hoàng Anh bên sản phẩm thuyền tự động.

Ý tưởng xuất phát từ thực tế

Năm 2018, trong một lần đến chơi nhà người thân làm nghề nuôi cá ở xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), các em tình cờ thấy được quá trình tạt thuốc phòng trị bệnh cho cá của những người làm thuê tại ao. Công việc này vừa vất vả, vừa ảnh hưởng tới sức khỏe khiến các em cảm thấy chạnh lòng nên nảy sinh ý tưởng chế tạo ra thiết bị phun thuốc tự động.

“Chúng em nhận thấy cách phun thuốc hiện nay hết sức nguy hiểm, không chỉ gây hại cho môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người phun thuốc. Nhiều loại hóa chất có thể làm cay mắt, phỏng da nếu tiếp xúc trực tiếp. Từ đó, em và bạn nghĩ rằng cần một thiết bị có khả năng phun tự động, không cần phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc nên ý tưởng chế tạo thuyền phun thuốc đa năng trong ao nuôi trồng thủy sản ra đời.

Ý tưởng này nhằm bảo vệ sức khỏe của người lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm công lao động, bảo vệ môi trường…”, em Xuân Mai chia sẻ.

Sau khi lên ý tưởng và phác họa sản phẩm, nhưng gặp phải khó khăn khi không biết sử dụng chất liệu và bố trí linh kiện, cũng như các mạch điện trong mô hình lại vô cùng phức tạp nên các em nhiều lúc có ý định buông xuôi. Nhưng nhờ sự động viên của bạn bè, cũng như sự trợ giúp từ cô giáo hướng dẫn nên các em có động lực để tiếp tục thực hiện ý tưởng.

Từ các kiến thức được học, cũng như mày mò thêm thông tin trên mạng, các em vận dụng kiến thức vật lý, công nghệ, hóa học và thực tế để hoàn thiện sản phẩm. Sau nhiều lần sửa chữa, thay đổi cấu tạo, thuyền nhỏ gọn hơn, có thể di chuyển từ ao này qua ao khác một cách dễ dàng.

Thiết bị được tích hợp sử dụng pin năng lượng mặt trời, bộ sạc trữ điện; 2 ắc quy; bộ phận phun thuốc gồm: ống nhựa hút nước, van điều chỉnh, lược nước, khay chứa thuốc, mô tơ trộn, vòi phun…

Học sinh lớp 9 làm thuyền phun thuốc đa năng ảnh 1
Sản phẩm thuyền tự động được ứng dụng thực tế tại ao nuôi thủy sản trên địa bàn.

Đơn giản tiện lợi

Nguyên lý hoạt động của chiếc thuyền cũng vô cùng đơn giản. Sau khi bật công tắc khởi động, bộ phát TX sẽ phát tín hiệu cho bộ thu RX. Bộ thu có nhiệm vụ giải mã tín hiệu (xử lý thông tin) và điều khiển thiết bị như: phun thuốc, rẽ trái, phải, phát tín hiệu cho ESC điều tốc tiến, lui, nhanh, chậm, dừng lại.

Khi mô tơ chạy, nước sẽ dẫn lên 2 ống dẫn; ống thứ nhất gắn một lưới lọc để nước qua bút đo độ pH, đo nhiệt độ, tiếp tục qua ống đồng để làm mát mô tơ và thải ra ngoài bằng ống cao su; ống thứ hai cung cấp nước và lấy thuốc trong khay thông qua công tắc điều chỉnh thuốc được hút vào mô tơ trộn sau đó đẩy hỗn hợp ra các vòi phun phun cho ao nuôi.

Thuyền phun thuốc chứa rất nhiều chức năng như: Theo dõi độ pH, nhiệt độ nước để người nuôi thủy sản nhanh chóng phát hiện và có hướng xử lý kịp thời khi có vấn đề; quan sát cá dưới ao nhờ camera; radio nghe tin tức giải trí; cung cấp điện để sạc điện thoại hoặc sạc dự phòng.

Thiết kế độc đáo, không cần thùng chứa thuốc đã pha loãng cũng có thể có được hỗn hợp nhờ hoạt động của mô tơ trộn hút nước và thuốc vào khay chứa thành hỗn hợp rồi đẩy ra các vòi phun. Sản phẩm có thể phun thuốc xa từ 3 - 5m nhờ chân vịt quay. Thuyền được điều khiển từ xa nhờ máy điều khiển cầm tay còn có thể làm đồ chơi cho trẻ em học tập, kích thích sáng tạo…

Theo em Xuân Mai, mỗi lần phun tối đa được từ 3 - 4 lít thuốc đậm đặc, sau khi được xử lý qua bình trộn, đủ để xử lý trong một ao thủy sản khoảng 10.000m2. Bên cạnh đó, với lượng thuốc 4kg nếu sử dụng theo cách cũ phải cần 2 nhân công pha thuốc với 200 lít nước phải 10 phút, phun tạt thuốc trong vòng 30 phút. Còn với thuyền phun thuốc đa năng chỉ cần 2 phút pha thuốc và 15 phút để phun thuốc ra ao, giảm được tối đa 50% chi phí.

Chị Võ Thị Ngọc Nghĩa (35 tuổi, ngụ ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), cho biết: “Tôi có 2 ao nuôi cá sặc rằn, thời gian qua có sử dụng thiết bị phun thuốc điều khiển tự động của các em, tôi thấy vô cùng tiện dụng. Thiết bị có 3 vòi phun, có thể phun đều khắp mặt ao, vừa giảm được công lao động vừa bảo vệ được sức khỏe nên tôi thấy việc ứng dụng vào thực tế vô cùng tiện lợi”.

Cô giáo hướng dẫn Bùi Thị Ngọc Thúy (dạy môn Vật lý - Hóa học, Trường THPT Cây Dương), cho biết: “Tôi đánh giá cao tinh thần sáng tạo của các em, chỉ với lứa tuổi học lớp 9 nhưng các em có sự sáng tạo rất cao khi tự nghiên cứu và lắp ráp các thiết bị. Hơn nữa, giá thành của sản phẩm cũng khá hợp lý với khoảng 2,5 triệu đồng/thuyền, mức giá này phù hợp túi tiền của người nông dân”.

Nhờ tính ứng dụng cao nên thiết bị thuyền đa năng đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng tỉnh Hậu Giang năm 2018. Hiện sản phẩm được thử nghiệm tại một số ao nuôi cá ở địa phương và nhận được đánh giá cao từ người nuôi. Hướng tới, các em dự định cải tiến thành máy phun thuốc cho ruộng, rẫy để có thể ứng dụng nhiều hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nhẹ công, giảm chi phí cho người nông dân.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ