Học sinh leo đồi, ngồi mỏm đá bắt sóng 3G học trực tuyến

Học sinh leo đồi, ngồi mỏm đá bắt sóng 3G học trực tuyến

Từ hai tuần nay, cứ đều đặn 7h30 và 13h30 mỗi ngày, Tráng A Thỷ, dân tộc Mông - học sinh trường Dự bị Đại học Dân tộc trung ương lại mở điện thoại vào phần mềm học trực tuyến với thầy cô. Cứ nơi nào “bắt” được mạng internet, sóng 3G, 4G, chỗ đó đều thành lớp học.

Nhà Thỷ ở bản Háng Á, một vùng xa xôi của huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Để bắt được sóng 3G, Thỷ phải ngồi trên cây, nơi mỏm đá ở sườn đồi hoặc bãi ngô trên núi để học tập. Có hôm, Thỷ phải đi bộ hơn 3km đường rừng để “hứng” mạng từ bản bên kia sườn núi.

Ở bản Bản Nát, huyện Tuần Giáo, em Lường Thị Thắm, dân tộc Thái, hằng ngày vừa chăn bò, cắt cỏ, vừa tranh thủ học bài. Có hôm vừa cắt cỏ cho bò, vừa nghe thầy cô giảng, Thắm bị lưỡi liềm cứa nhẹ vào tay. Đau nhưng vẫn vui vì em vẫn được học với thầy cô, để thực hiện tiếp ước mơ vào đại học.

Thắm cho biết, ở nhà em, sóng điện thoại khá yếu, nhiều lúc không có vạch sóng nào. Việc học online vì thế gặp nhiều khó khăn. Nhưng niềm khao khát được tiếp tục học tập, em và các bạn trong lớp đã tìm kiếm khắp nơi có sóng 3G tốt, tranh thủ vừa làm việc phụ giúp gia đình, vừa tham gia học tập trực tuyến.

Lường Thị Thắm học bài

Không có điều kiện học online như các bạn, việc học tập của Sùng Seo Hòa, dân tộc Mông lại dựa vào những tài liệu hướng dẫn học được gửi qua bưu điện. Ở bản Huổi Moi (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), nơi Hòa sinh sống không có mạng internet, không có điện thoại thông minh, thậm chí không có cả điện lưới quốc gia. Đang mùa khô, suối nước cạn, việc nạp điện thoại và đèn pin cũng trở thành điều khó khăn.

Để hỗ trợ học trò, các thầy cô giáo trường Dự bị Đại học dân tộc trung ương gửi tài liệu hướng dẫn tự học qua qua bưu điện cho Seo Hoà rồi gọi điện thoại giảng bài trực tiếp. Cũng theo cách đó, khi làm bài tập, bài kiểm tra xong Hoà gửi bưu điện xuống cho thầy cô.

“Có lúc vì công việc và hoàn cảnh gia đình, em muốn nghỉ học. Những lúc ấy, thầy cô giáo lại gọi điện động viên, hướng dẫn giảng giải cụ thể cho em. Tâm huyết của thầy cô đã truyền cho em thêm nghị lực học tập. Em mong dịch bệnh qua mau để em được xuống trường đi học, em rất nhớ thầy cô và các bạn”, Sùng Seo Hòa chia sẻ.

Giàng A Anh

Còn Giàng A Anh, dân tộc Mông, ở bản Háng Tày (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) phải dùng đèn dầu học bài vào mỗi buổi tối do quê em không có điện lưới. Sóng điện thoại kém nên cô trò phải hẹn nhau đúng 8h sáng sau khi Giàng A Anh đến được chỗ có sóng liên lạc, để gọi điện trao đổi bài.

Tại Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, có khoảng 30% học sinh sinh sống ở địa bàn thuận lợi trong tiếp cận sóng 3G, intenet. Còn lại 70% các em ở vùng bắt được sóng 3G nhưng chỉ vào được Gmail, Zalo, Facebook nhưng không thể tiếp cận ứng dụng học trực tuyến có tương tác. Có khoảng 2-3% học sinh không có điện thoại thông minh, ở vùng không có internet và điện lưới quốc gia.

Thầy Nguyễn Tuấn Anh – Phó hiệu trưởng Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương cho biết: Qua 2 tuần triển khai dạy học từ xa, giáo viên, học sinh nhà trường đã tổ chức thành công 594 tiết dạy, 297 video hỗ trợ học sinh học được ghi lại, 100% học sinh trả bài đầy đủ và được công nhận kết quả học tập.

Hiện nay, nhà trường đã thực hiện chính sách hỗ trợ 300.000 đồng cho mỗi học sinh có hoàn cảnh khó khăn để nạp thẻ điện thoại kết nối mạng 3G, 4G. Những em không có điện thoại kết nối mạng được hỗ trợ điện thoại để có thiết bị học tập từ xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.