Học sinh Hưng Yên trở lại trường ngày 14/2, chưa tổ chức bán trú

GD&TĐ - Từ ngày 14/2, trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trở lại trường học theo hai hình thức là trực tiếp và kết hợp. Kế hoạch trên đã được nhiều phụ huynh đón nhận.

Một trường học tại tỉnh Hưng Yên phun khử khuẩn phòng chống Covid-19.
Một trường học tại tỉnh Hưng Yên phun khử khuẩn phòng chống Covid-19.

Kế hoạch đón học sinh trở lại trường

Dựa trên tờ trình của Sở GD&ĐT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ngày 28/1, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản số 252/UBND-KGVX về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Từ ngày 14/2, học sinh lớp 1, học sinh lớp 7-12 đến trường học trực tiếp theo quy mô như sau: Các khối lớp 9, 12 học trực tiếp đủ 6 buổi các ngày trong tuần. Các khối lớp còn lại học trực tiếp thời gian 03 buổi/tuần, số buổi còn lại học trực tuyến.

Từ ngày 21/2, trẻ em mầm non 5 tuổi đến trường, tổ chức cho trẻ bán trú. Học sinh lớp 2-6 đến trường học trực tiếp, thời gian 3 buổi/tuần, số buổi còn lại học trực tuyến.

Từ ngày 28/2, căn cứ tình hình dịch trên địa bàn, điều chỉnh số buổi học trực tiếp/tuần; tiếp tục tổ chức cho trẻ mầm non các độ tuổi còn lại đến trường phù hợp với điều kiện thực tế.

Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ ngày 14/2, học sinh vừa học trung cấp vừa học chương trình THPT (đang học năm thứ nhất, năm thứ 2) học trực tiếp 3 buổi/tuần, số buổi còn lại học trực tuyến. Các đối tượng học sinh, sinh viên, học viên còn lại học trực tiếp đủ 06 buổi/tuần.

Từ ngày 21/2, căn cứ tình hình dịch trên địa bàn, điều chỉnh số buổi học trực tiếp/tuần.

Chỉ tổ chức dạy học trực tiếp khi đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch, đảm bảo quy định về hoạt động giáo dục trực tiếp theo các cấp độ dịch.

Tỉnh Hưng Yên yêu cầu không tổ chức ăn bán trú và căng tin ăn uống trong trường phổ thông; học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Các trường mầm non tổ chức cho trẻ em bán trú đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, UBND cấp huyện căn cứ tình hình dịch bệnh, có phương án bàn giao cơ sở vật chất đã trưng dụng của các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bàn để tổ chức dạy học trực tiếp; sửa chữa hư hại nếu có.

Khi tình hình dịch bệnh tại địa phương có diễn biến phức tạp, tăng cấp độ dịch, UBND cấp huyện thống nhất với Sở GD&ĐT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để quyết định việc dừng học tập trực tiếp; quyết định việc dừng học tập trực tiếp; quyết định đi học trực tiếp trở lại phù hợp cấp độ dịch, đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, học viên.

Học sinh Hưng Yên trở lại trường từ 14/2. Ảnh minh họa.
Học sinh Hưng Yên trở lại trường từ 14/2. Ảnh minh họa.

Phụ huynh sẵn sàng cho con đến trường

Nhận được thông báo về việc đón học sinh trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Linh Chi, huyện Khoái Châu, bày tỏ ủng hộ kế hoạch, lộ trình của UBND tỉnh. Chị Chi đánh giá việc cho học sinh, trừ học sinh lớp 9, 12, học kết hợp trực tiếp và trực tuyến là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh số ca nhiễm tại Hưng Yên có dấu hiệu giảm nhưng chưa thể chủ quan, lơ là.

“Gia đình tôi rất vui khi con gái lớp 6 sẽ được đến trường sau thời gian thời gian dài học tại nhà. Học trực tuyến khiến cháu tăng độ cận, giảm giao tiếp với bạn bè nên vợ chồng tôi luôn lo lắng cho sức khoẻ của con. Sau Tết, chúng tôi hoàn toàn yên tâm để con trở lại trường cùng bạn bè, thầy cô”, chị Chi bày tỏ.

Cùng quan điểm với chị Chi, anh Quốc Việt phấn khởi cho rằng kế hoạch của tỉnh Hưng Yên là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng về việc mở cửa trường học. Có con đang theo học lớp 8 tại một trường THCS trên địa bàn huyện Văn Giang, anh Việt bộc bạch việc học trực tuyến, tuy có hiệu quả, nhưng đem lại những tác động về mặt sức khoẻ tâm thần đối với trẻ.

“Con tôi đã ở nhà suốt mấy tháng qua. Cháu bảo muốn đến trường gặp bạn bè nhưng do dịch, chúng tôi động viên con cố gắng vượt qua. Thấy con vui vẻ vì sắp được gặp lại bạn bè, thầy cô, chúng tôi cũng thấy yên tâm thay”, anh Việt chia sẻ.

Để hỗ trợ sức khoẻ tâm thần khi trẻ học trực tiếp bà Simone Vis, Trưởng Chương trình Giáo dục UNICEF tại Việt Nam, khuyến cáo các nhà trường dành nhiều thời gian cho học sinh thực hiện các tương tác xã hội và tiếp tục tập trung vào việc học tập cảm xúc xã hội. UNICEF kiến nghị nhà trường sắp xếp lại lịch học và có thể cân nhắc bỏ đi một số bài kiểm tra và hoãn lại một số chương trình khi mở lại trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...