Hưng Yên: Lên kế hoạch đón học sinh trở lại trường

GD&TĐ - Được đánh giá cấp độ 2 với dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, kịch bản đón học sinh trở lại trường đảm bảo an toàn, vệ sinh phòng bệnh.

Giáo viên dạy học trực tuyến trong thời gian trường học đóng cửa vì dịch Covid-19.
Giáo viên dạy học trực tuyến trong thời gian trường học đóng cửa vì dịch Covid-19.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hưng Yên ngày 27/1, Sở GD&ĐT đã có tờ trình về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục gửi UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt. Đề xuất dựa trên tình hình dịch bệnh tại từng địa phương, hướng đến từng đối tượng học sinh, từng cấp học cụ thể.

Dù chưa có thông báo chính thức về việc trường học mở cửa trở lại, Phòng GD&ĐT, các nhà trường đã chuẩn bị kịch bản đón học sinh đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Ông Trương Văn Ty, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, cho biết, Phòng Giáo dục chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm việc tổ chức dạy học trực tuyến; đồng thời, lên phương án, kế hoạch đón học sinh trở lại trường đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Hiện nay, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn huyện đã tiêm 2 mũi vắc-xin. Thời gian qua, học sinh lớp 1 tại nơi chưa ghi nhận ca nhiễm vẫn học trực tuyến kết hợp trực tiếp.

“Chúng tôi trao quyền chủ động cho các trường tiểu học tổ chức dạy học phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương. Trong trường hợp ghi nhận F0, F1, các trường tiểu học phải báo cáo về cho Phòng Giáo dục và chuyển sang dạy trực tuyến”, ông Ty cho biết.

Thầy giáo Nguyễn Văn Bảy, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Châu, huyện Khoái Châu, cho biết: Từ đầu năm học, nhà trường đã lên kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cho học sinh đi học trở lại, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, vệ sinh, phòng bệnh kịp thời, đúng quy định.

Cụ thể, nhà trường không tổ chức hoạt động tập thể, tập trung đông người, tham quan thực tế, dã ngoại học thêm và tổ chức chào cờ tại lớp học. Trường học được khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa như xà phòng, dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc có chứa ít nhất 60% cồn.

"Việc học trực tuyến diễn ra tương đối suôn sẻ nhưng nhà trường vẫn mong mỏi được tổ chức dạy học trực tiếp. Nếu tình hình ổn định, học sinh ở vùng xanh, học sinh đã tiêm 2 mũi vắc-xin có thể trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán", thầy Bảy bày tỏ.

Từ góc độ chuyên gia, bà Simone Vis, Trưởng Chương trình Giáo dục UNICEF tại Việt Nam, đánh giá đại dịch và việc đóng cửa trường học không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn về tinh thần và tâm lý của trẻ em, gia tăng bạo lực gia đình và lao động trẻ em, mà còn ảnh hưởng đáng kể đến việc học tập của học sinh.

Khi học sinh trở lại học trực tiếp, các nhà trường cần đảm bảo thông gió đầy đủ và phù hợp; có thiết bị rửa tay và dung dịch sát khuẩn tay; làm sạch bề mặt và các đồ vật dùng chung; giữ học sinh và giáo viên theo nhóm lớp, cùng học tập, nghỉ ngơi, sử dụng nhà vệ sinh, ăn trưa, tan học; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin với phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Trong thông báo kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 18/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp sớm nhất có thể sau Tết Nguyên đán, nhất là đối với các địa phương có tỷ lệ cao trong việc tiêm đủ liều vắc-xin cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi. Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức an toàn, phòng chống dịch Covid-19 để cho trẻ em, học sinh từ 5 đến 11 tuổi đi học trực tiếp trở lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.