Học sinh hào hứng với chuyên đề 'Hải Phòng âm vang miền cửa biển'

GD&TĐ - Hơn 700 học sinh Trường THCS Chấn Hưng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cùng tham gia chuyên đề đội cấp thành phố.

Màn múa hát trong chuyên đề.
Màn múa hát trong chuyên đề.

Qua các hoạt cảnh, học sinh cùng nhau tái hiện lại những trang sử vàng hào hùng của dân tộc, truyền thống của quê hương đất nước với: Dòng sông Bạch Đằng Giang lịch sử; lễ hội Ngũ Linh Từ; Lễ hội Chọi trâu; Hát Đúm Thuỷ Nguyên...

Thầy Mai Văn Tuất, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, chuyên đề Đội rất bổ ích, vui tươi. Đây là sân chơi lành mạnh để giáo dục học sinh truyền thống dân tộc, vun đắp tình yêu quê hương đất nước, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh hướng các em đến sự phát triển toàn diện về nhân cách.

Chuyên đề là dịp để học sinh được thể hiện tài năng của mình.

Chuyên đề là dịp để học sinh được thể hiện tài năng của mình.

Với màn hát múa “Bạch Đằng Giang sử ký” học sinh lớp 9A đã tái hiện hình ảnh Bạch Đằng Giang- dòng sông đã đi vào huyền thoại của cuộc thuỷ chiến với ba vị anh hùng nổi tiếng của dân tộc: Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán năm 938; Hoàng đế Lê Đại Hành phá tan quân xâm lược Tống năm 981; Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân xâm lược mông Nguyên lần thứ ba năm 1288. Hoạt cảnh đã thu hút sự quan tâm, tham gia hào hứng của học sinh.

Hình ảnh thành phố Hoa phượng Đỏ qua bài hát truyền cảm hứng.

Hình ảnh thành phố Hoa phượng Đỏ qua bài hát truyền cảm hứng.

Miền quê Tiên Lãng với niềm tự hào dân tộc của bao thế hệ. Và Lễ hội Ngũ Linh Từ đã được sáng tạo, lưu truyền gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của mảnh đất anh hùng cũng như đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân địa phương. Sinh ra tại mảnh đất "Tiên", học sinh mang trong mình dòng máu hồng tươi cùng tình yêu quê hương thiết tha. Chính vì thế, phần biểu diễn của các em mộc mạc, chân chất nhưng đậm đà "gia vị" của tình yêu, niềm tự hào về "nơi chôn rau cắt rốn".

Học sinh Trường THCS Chấn Hưng chăm ngoan luyện rèn.

Học sinh Trường THCS Chấn Hưng chăm ngoan luyện rèn.

Em Phạm Quỳnh Như, học sinh lớp 8A chia sẻ: Lễ hội không chỉ là dịp tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân mà còn góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đề cao khát vọng ước mong của nhân dân được sống trong không gian đất trời hoà hợp, mưa thuận gió hoà, là biểu tượng tinh thần đoàn kết của người dân Tiên Lãng anh hùng đã được hun đúc qua nhiều thế hệ.

Bản sắc văn hoá của người dân Hải Phòng được thể hiện sinh động qua Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Học sinh lớp 9C và 9D cùng nhau tái hiện lại những kháp đấu gay cấn của những "ông trâu" thôn Trung Nghĩa và thôn Vân Đoài; thôn Bạch Sa và thôn Xuân Làng. Tiếng cổ vũ, reo hò cùng ánh mắt vui tươi xen phần tò mò, hóm hỉnh khiến chuyên đề thêm sinh động. Màn múa cờ rước trâu trong tiếng cười giòn tan và tràng pháo tay giòn giã.

Học sinh cùng màn múa hát sôi động.

Học sinh cùng màn múa hát sôi động.

Em Bùi Thị Bảo Trâm, học sinh lớp 6A cho hay, từ rất lâu, mỗi người dân Hải Phòng đều biết về lễ hội truyền thống hát Đúm ngày xuân của các xã Phả Lễ, Lập Lễ, Phục Lễ (Thủy Nguyên).

Màn hát múa "Ôi hội xuân hát Đúm" đã đưa em về với văn hoá dân gian.Theo truyền thống, những cô gái của tộc Phục với chiếc khăn mỏ quạ bịt mặt theo hội. Đó là món ăn tinh thần bổ ích với chúng em.

Chuyên đề nhận được sự đánh giá cao, chia sẻ động viên của cán bộ Sở GD&ĐT Hải Phòng, phòng GD&ĐT huyện cùng lãnh đạo địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ