Hải Phòng dạy học môn tự chọn đảm bảo nguyên tắc tự nguyện

GD&TĐ- Trong chương trình GDPT 2018, Ngoại ngữ 1 là môn tự chọn ở lớp 1, lớp 2 và đang được triển khai rộng rãi tại các trường tiểu học tại Hải Phòng.

Dạy học môn tự chọn cần đảm bảo tính tự nguyện (ảnh minh hoạ).
Dạy học môn tự chọn cần đảm bảo tính tự nguyện (ảnh minh hoạ).

Quy định tổ chức dạy môn tự chọn

Theo chương trình GDPT 2018, học sinh lớp 1, lớp 2 ngoài môn học bắt buộc thì có thêm 2 môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1. Tại Hải Phòng, đa phần các trường tiểu học đang chọn môn Tiếng Anh là Ngoại ngữ 1 để dạy tự chọn cho học sinh.

Việc tổ chức dạy học môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2 theo chương trình GDPT 2018, đảm bảo theo quy định của Bộ GD&ĐT về nội dung, hình thức, phương pháp, thời lượng dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, Bộ GD&ĐT nêu rõ, với những trường dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; thực hiện kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi/ tuần với 32 tiết/ tuần. Trong đó, 25 tiết bắt buộc và 7 tiết tăng cường.

Với những trường không đủ điều kiện tổ chức 2 buổi/ngày trên cơ sở dạy đúng, đủ nội dung và thời lượng các môn bắt buộc theo chương trình, chủ động xác định nội dung, hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng phù hợp cho môn tự chọn, hoạt động củng cố và hoạt động giáo dục khác.

Kế hoạch giáo dục phân bổ hợp lí, tạo điều kiện cho học sinh được học tập môn tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục khác nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Nhà trường bố trí đủ định mức tiết dạy cho giáo viên theo quy định.

Nhà trường bố trí đủ định mức tiết dạy cho giáo viên theo quy định.

Trong Hội nghị giao ban thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024, lãnh đạo phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã hướng dẫn các nhà trường thực hiện công tác chuyên môn theo tinh thần chỉ đạo của các cấp về dạy học môn tự chọn.

Cụ thể: “Khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường trong khung giờ của tiết chính khoá cần thực hiện rà soát để đảm bảo thực hiện định mức giờ dạy của giáo viên hiện có để tổ chức dạy học các môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, các hoạt động giáo dục tăng cường, củng cố để giúp học sinh nắm vững kiến thức, tổ chức các môn học tự chọn, các hoạt động giáo dục trải nghiệm môn học trong định mức giáo viên hiện có.

Về cách thức tổ chức các hoạt động tăng cường trong nhà trường: “Khi đã tính đủ định mức tiết dạy của giáo viên hiện có, nhà trường khảo sát, tổng hợp nhu cầu học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhu cầu người học”.

Với 7 tiết tăng cường, nhà trường chủ động trong cơ cấu giáo viên hiện có. Trường hợp còn giáo viên chưa dạy đủ 23 tiết/tuần theo định mức thì bố trí dạy tăng cường, có thể là tăng cường tiết ôn luyện Toán, Tiếng Việt, Âm nhạc… để học sinh củng cố kiến thức. Và ưu tiên dạy học môn tiếng Anh lớp 1, lớp 2 nếu sắp xếp được giáo viên. Trường hợp này nhà trường sắp thời khoá biểu linh hoạt đảm bảo đủ cơ cấu bộ môn, số tiết theo quy định trong 9 buổi/tuần và không thu tiền học từ phụ huynh học sinh.

Với những trường thực hiện 2 buổi/ngày, khi thực hiện đủ số tiết theo quy định, mới được thu 30.000 đồng tiền hỗ trợ CSVC, điện, nước bán trú mà Nghị quyết 02 của HĐND thành phố đã quy định.

Trường hợp nhà trường đã phân đủ định mức giáo viên, trường rà soát, tổng hợp nhu cầu học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức liên kết dạy học môn tự chọn có thu tiền. Mức thu theo quy định của Nghị quyết 02 với dạy học Ngoại ngữ. Tiết học này sẽ được xếp vào buổi thứ 10.

Cần linh hoạt tháo gỡ

Tuy nhiên, một thực tế tại Hải Phòng, tình trạng thiếu giáo viên Tin học, Tiếng Anh khiến cho nhiều trường không đủ giáo viên thực hiện môn học bắt buộc này với lớp 3, lớp 4. Vì thế, để dạy học môn tự chọn là Tiếng Anh với lớp 1, lớp 2, các trường hầu như thực hiện theo hình thức liên kết với giáo viên bên ngoài.

Hiệu trưởng của một trường tiểu học trên địa bàn quận Lê Chân lý giải, đa phần các trường đều thực hiện 2 buổi/ngày. Đối với tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp hiện nay vẫn chưa đủ định mức giáo viên để dạy. Ví dụ, trường có 20 lớp tương đương 30 giáo viên, trong đó, mỗi giáo viên chủ nhiệm dạy 20 tiết/ tuần, tương đương 400 tiết/tuần; 10 giáo viên bộ môn tương đương 230 tiết, tổng 30 giáo viên dạy 630 tiết. 32 tiết/tuần theo quy định với số lớp như trên sẽ là 640 tiết/tuần. Vậy 10 tiết chưa được bố trí giáo viên. Nhưng thực tế, nhiều trường mới được phân 1,2-1,3 giáo viên/ lớp, vì thế tình trạng thiếu giáo viên tiểu học vẫn là bài toán chưa giải quyết dứt điểm. Không đủ giáo viên, việc liên kết trung tâm bên ngoài để đảm bảo dạy môn tự chọn là việc làm cần thiết. Nhà trường mong được linh hoạt bố trí.

Nhà trường hiện đang thực hiện 32 tiết/tuần với lớp 1 và lớp 2.

Nhà trường hiện đang thực hiện 32 tiết/tuần với lớp 1 và lớp 2.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, nếu dạy môn tự chọn liên kết với trung tâm và thu tiền của phụ huynh, theo quan điểm của ngành Giáo dục phải xếp riêng 1 buổi học thứ 10. Điều này các nhà trường kêu khó vì nếu dồn học sinh vào 1 buổi học sẽ không thể sắp được thời khoá biểu do thiếu có giáo viên giảng dạy và CSVC khó đáp ứng.

Một trường tiểu học trên địa bàn quận Ngô Quyền cho hay, nhà trường hiện đang thực hiện 32 tiết/tuần với lớp 1 và lớp 2, trong đó 25 tiết bắt buộc, 7 tiết tăng cường gồm: 1 tiết âm nhạc, 1 tiết Mỹ thuật, 3 tiết ôn luyện Toán, Tiếng Việt và 2 tiết Tiếng Anh tự chọn. Trừ các môn chuyên, như vậy giáo viên chủ nhiệm sẽ phải thực hiện đến 28 tiết/tuần, vượt quá 8 tiết (quy định giáo viên chủ nhiệm dạy 20 tiết- PV). Vì thế, giáo viên văn hoá nhà trường còn thiếu so với định mức và để dạy môn tự chọn chỉ còn cách liên kết. Nếu xếp tự chọn riêng ra 1 buổi thì không khả quan, số tiết dạy của giáo viên nhà trường lại tăng lên 2 tiết do rút 2 tiết Tiếng Anh tự chọn. Hơn nữa, nhân lực của các trung tâm ngoại ngữ không đáp ứng được, CSVC không đủ.

Một hiệu trưởng của trường tiểu học huyện An Lão cho rằng, trong 7 tiết tăng cường, có môn tiếng Anh, do vậy nhà trường sắp thời khoá biểu vào cơ cấu 9 buổi, đảm bảo 32 tiết/tuần theo quy định. Nếu chia nhỏ vấn đề có thể chưa đúng, nhưng môn tự chọn đảm bảo 100% phụ huynh đồng thuận, nếu không xen kẽ thời khóa biểu không có người dạy.

Trao đổi về việc này, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng cho hay, thật khó có thể sắp xếp thời khoá biểu môn tự chọn nếu đưa ra một buổi khác. Các nhà trường mong muốn được linh hoạt, chủ động, đảm bảo cơ cấu môn và số tiết quy định, trên tinh thần 100% phụ huynh tự nguyện. Nhưng khi nhận được ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở, phòng yêu cầu các nhà trường đẩy môn tự chọn tiếng Anh lớp 1, 2 ra buổi thứ 9 thay cho 2 tiết tiếng Anh liên kết với giáo viên người nước ngoài.

Thực tế ghi nhận tại một số trường tiểu học, song song với dạy liên kết giáo viên nước ngoài và kĩ năng sống, các nhà trường đang dạy học môn tự chọn Tiếng Anh, Tin học theo hình thức liên kết.

Đáng nói, còn tình trạng một số trường kí liên kết với nhiều trung tâm thực hiện dạy học các môn tự chọn, liên kết khiến tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh về kinh phí đóng góp, dẫn đến tình trạng thu chồng thu.

Nhiều phụ huynh cho rằng, vì quyền lợi học trò, nhà trường cần tính toán đến chất lượng môn học thay vì số lượng.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng cần linh hoạt "nới lỏng" cho các nhà trường cách sắp xếp các buổi học môn tự chọn đảm bảo đủ số tiết trong điều kiện còn băng bó về đội ngũ và CSVC. Các trường nên tính toán mức thu tiền hỗ trợ 2 buổi/ngày và tiền học môn tự chọn đúng, đủ theo quy định.

Tại Hội nghị giao ban thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024, ông Phạm Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho hay, theo quy định, ngoài 25 tiết bắt buộc, có 7 tiết tăng cường. Nếu nhà trường có giáo viên Tin học và Tiếng Anh thì ưu tiên dạy lớp 3,4 trước, khi còn số tiết theo định mức thì ưu tiên lớp 5 để trò làm quen kiến thức tiếp cận chương trình GDPT 2018. Sau đó, nếu còn giáo viên, nhà trường tính đến lớp 1, lớp 2 để dạy tiếng Anh là môn tự chọn.

Trường hợp các trường không đủ giáo viên, quận huyện chưa đủ điều kiện phân bổ thì phòng Giáo dục kiến nghị để bổ sung kinh phí dạy thêm giờ hoặc hợp đồng giáo viên; tham mưu quận huyện điều tiết giáo viên liên trường.

Trong trường hợp chưa đủ giáo viên dạy Tin học, Tiếng Anh nhưng giáo viên dạy Toán, Tiếng Việt chưa thực hiện đủ 23 tiết/tuần thì sắp xếp đủ số tiết vào giờ tăng cường để bồi dưỡng thêm kiến thức cho học sinh. Nguyên tắc ưu tiên để học sinh tiểu học được học Ngoại ngữ 1. Sở Giáo dục khuyến khích nhà trường linh hoạt dám nghĩ, biết làm. Dạy học tự chọn phải đảm bảo đồng thuận của phụ huynh và nếu liên kết trung tâm phải dạy bám theo chương trình SGK của Bộ GD&ĐT đã duyệt, với thời lượng 2 tiết/tuần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.