Sáng 13/10, Sở GD&ĐT Hải Phòng tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình GDPT môn Ngoại ngữ 1, 2 tiếng Hàn Quốc.
Dự Hội nghị có lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT, lãnh đạo một số nhà trường trên địa bàn thành phố; đại diện Phòng Giáo dục Hàn Quốc ở nước ngoài tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Thuấn, Trưởng phòng GDTX&ĐH, Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng, hiện thành phố đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt là vốn đầu tư doanh nghiệp Hàn Quốc. Dạy học tiếng Hàn Quốc là ngoại ngữ 1, 2 là xu thế tất yếu.
Việc triển khai dạy học bộ môn này có nhiều thuận lợi khi có hệ thống văn bản pháp lý hướng dẫn từ Trung ương, tới địa phương. Ngành Giáo dục Hải Phòng có sự hỗ trợ đắc lực của văn phòng đại diện Phòng Giáo dục Hàn Quốc ở nước ngoài tại Việt Nam để các nhà trường thực hiện dạy học tiếng Hàn Quốc là ngoại ngữ 1, 2 từ năm học 2023-2024.
Thực tế tại Hải Phòng, việc triển khai dạy học tiếng Hàn Quốc gặp khó khăn khi nhiều phụ huynh và học sinh chưa nhận thức được tầm quan trọng và tính thiết thực của tiếng Hàn Quốc trong thời kỳ hiện nay, vì vậy còn do dự trong việc lựa chọn môn ngoại ngữ cho con em mình. Nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa quyết tâm trong việc định hướng, lựa chọn, mở rộng và đưa chương trình môn ngoại ngữ mới vào thực hiện trong nhà trường.
Bên cạnh đó, giáo viên dạy môn Ngoại ngữ 1, 2 tiếng Hàn Quốc trong các cơ sở giáo dục phổ thông còn thiếu. Hiện nay, thống kê tại các trung tâm ngoại ngữ trong toàn thành phố mới có 15 giáo viên tiếng Hàn.
Năm học 2022-2023, việc triển khai thực hiện môn Ngoại ngữ 1, 2 tiếng Hàn Quốc tại các trường phổ thông diễn ra với quy mô và số lượng nhỏ; chưa đồng đều giữa các cấp học và giữa phạm vi địa bàn các quận, huyện.
Cụ thể, Ngoại ngữ, thực hiện tại một số trường phổ thông như: trường THPT Chuyên Trần Phú có 3 lớp – 105 học sinh; trường THPT Marie Curie có 1 lớp với 45 học sinh; trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố đăng ký 2 lớp tiếng Hàn năm học 2023-2024 với tổng số 102 học sinh.
Ngoại ngữ 2 theo Chương trình GDPT 2018: Trường THCS Quán Toan quận Hồng Bàng có 3 lớp với 148 học sinh; THPT chuyên Trần Phú có 4 lớp với 140 học sinh.
Tiếng Hàn cũng được tổ chức dưới hình thức CLB dựa trên đăng ký tự nguyện của phụ huynh và học sinh như: Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố quận Lê Chân, THCS Lê Hồng Phong quận Ngô Quyền, THPT An Dương, THPT Kiến Thụy,..
Đại biểu Trường Tiểu học An Dương, huyện An Dương chia sẻ thuận lợi về dạy tiếng Hàn. |
Năm học 2023-2024, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có thêm 3 quận, huyện gồm Lê Chân, An Dương, Kiến An triển khai việc dạy và học Chương trình GDPT môn Ngoại ngữ 1, 2 tiếng Hàn Quốc.
Cụ thể, Ngoại ngữ 1 đã triển khai tại quận Lê Chân, huyện An Dương với tổng số 10 lớp 500 học sinh; Ngoại ngữ 2, tại quận Kiến An với 6 lớp 6 gồm 333 học sinh.
Giáo viên và tài liệu giảng dạy tại các trường trên đều do Văn phòng đại diện Phòng Giáo dục Hàn Quốc ở nước ngoài tại Việt Nam – Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam hỗ trợ miễn phí.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng bàn bạc về tính liên thông dạy học bộ môn từ lớp 1 đến lớp 12; nội dung giáo dục tiếng Hàn mang tính nhất quán, đảm bảo chất lượng; vị trí, vai trò của giáo viên bộ môn trong nhà trường; giải pháp tăng số lượng trường dạy học tiếng Hàn Quốc; từng bước đào tạo, tuyển dụng giáo viên tiếng Hàn Quốc trong nhà trường.
Ông Thuấn cho rằng, để thực hiện được nhiệm vụ trên ngành Giáo dục cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Đẩy mạnh truyền thông về vai trò của dạy học ngoại ngữ nói chung trong đó có dạy học tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…; cách tổ chức hoạt động dạy học tại nhà trường; đề xuất với thành phố về việc tuyển giáo viên tiếng Hàn.
Hiện nay, Hàn Quốc là quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại thành phố Hải Phòng. Vì vậy, việc mở rộng triển khai thực hiện môn Ngoại ngữ 1, 2 tiếng Hàn Quốc (ngoài tiếng Anh) tại các cơ sở giáo dục phổ thông là vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Hoạt động này vừa đáp ứng việc thực hiện Chương trình GDPT của Bộ GD&ĐT, vừa mở rộng giao lưu văn hóa các nước, vừa giúp hình thành, phát triển năng lực ngoại ngữ để sử dụng một cách tự tin, hiệu quả, phục vụ cho học tập và giao tiếp, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của thành phố và đất nước.