Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch

Thực hiện phương châm của Bộ GD&ĐT, “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc đã triển khai việc dạy và học trực tuyến qua phần mềm ứng dụng Zoom và có được những hiệu quả rất tích cực.

Ngay từ những ngày đầu nghỉ dịch, Ban giám hiệu, các phòng ban chức năng cùng tất cả các thầy cô giáo trong nhà trường đã nghiên cứu và đưa ra một khung chương trình thống nhất chung cho từng khối lớp, triển khai dạy học online đồng loạt cho học sinh toàn trường.

Nhờ có sự ủng hộ từ phía các bậc phụ huynh, sự đồng lòng, quyết tâm và tận tình của các thầy cô giáo, sự hợp tác từ phía các em học sinh, nên chương trình dạy và học online của nhà trường được thực hiện liên tục, có hiệu quả và xuyên suốt thời gian vừa qua.

Việc học online đối với học sinh khu vực thành phố, thị xã đã không còn xa lạ từ lâu, nhưng với tình hình đặc thù của trường dân tộc nội trú, phần lớn học sinh đến từ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì việc học online lại không hề đơn giản. Nơi các em sinh sống không có mạng wifi, sóng điện thoại chập chờn, thậm chí có nơi còn chưa được phủ sóng điện lưới quốc gia.

Dù khó khăn như vậy, nhưng các em học sinh trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc luôn cố gắng vươn lên, khắc phục hoàn cảnh để có thể đảm bảo việc học của mình. Có em phải đi ở nhờ nhà họ hàng, nhà bạn bè, nơi cách nhà hàng chục cây số. Có em dựng lán trên đồi để bắt sóng, có em mỗi ngày đạp xe ra ủy ban xã để học nhờ….

Dưới đây là các học sinh tiêu biểu đã vượt khó, khắc phục hoàn cảnh để vươn lên trong học tập:

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 1
Hồ A Vàng- học sinh lớp 12A15 người dân tộc Mông, hộ khẩu tại xã Ma Thì Hồ, Mường Chà, Điện Biên. Do gia đình ở khu vực sóng điện thoại chập chờn, không ổn định nên em đã tự làm lán cách nhà hơn 1km để có mạng 4G học online.
Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 2
Triệu Thị Bích, dân tộc Dao, học sinh lớp 12A7 có hộ khẩu tại xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Nhà Bích ở cuối xã chưa có mạng wifi, 3G, 4G. Để có điều kiện cho việc học online, Bích phải ra và ở nhờ nhà bạn Thảo (cùng lớp) cách nhà 20km để học.
Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 3

Pờ Hùng Sơn, dân tộc La Hủ, học sinh lớp 12A8 có hộ khẩu tại xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Nhà Sơn ở khu vực sóng điện thoại yếu nên không thể dùng 3G để học online. Bố em đã giúp em dựng 1 cái lán trên đồi để học. Do từ nhà đến lán khá xa (mất gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ) nên Sơn mang theo sách vở, củi, gạo, muối vừng lên lán ở một mình để học, đến nay đã được gần 1 tháng.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 4

Vàng Ha Mé, dân tộc La Hủ, học sinh lớp 12A8, có hộ khẩu tại xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Gia đình thuần nông, là con cả trong gia đình nên sau khi học online xong, em Mé đều phải phụ giúp bố mẹ công việc trên nương, cũng như việc nhà. Để có thể học online, mỗi buổi sáng Mé phải đạp xe ra khu vực có sóng điện thoại cách nhà gần 4km để ngồi học.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 5

Sùng A Sì, dân tộc Mông, học sinh lớp 12A8 có hộ khẩu tại xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Gia đình thuần nông, hộ nghèo, bố nghiện rượu, là con cả trong gia đình, nên Sì ở trên nương để giúp bố mẹ, khoảng 2 - 3 tuần Sì mới về qua nhà 1 lần. Ngoài làm nương, làm rẫy, Sì còn phải đi đào măng, đào củ đem đổi lấy gạo ăn. Để có thể học online, Sì phải đi bộ sang ngọn đồi cách nương nhà em khá xa để bắt sóng.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 6

Ly Giò Nu, dân tộc La Hủ, học sinh lớp 12A8 có hộ khẩu tại xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Gia đình thuần nông, hộ nghèo, mồ cô bố, là con cả trong gia đình có 3 chị em. Bà của Nu bị ốm nặng, phải nằm liệt giường, hàng ngày Nu phải chăm sóc bà, làm nương cùng mẹ. Thời gian nghỉ Tết, Nu đi làm thuê ở dưới huyện để kiếm tiền phụ giúp mẹ, sau khi dịch bùng phát, em về nhà phụ mẹ làm nương. Trong hình ảnh là ngôi nhà Nu đang ở. Dù khó khăn, vất vả, nhưng Nu chưa bỏ một buổi học online nào, Nu luôn là học sinh làm bài tập đầy đủ và nộp bài sớm nhất lớp.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 7

Xồng Bá Chia, dân tộc Mông, học sinh lớp 12A6 có hộ khẩu tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Gia đình thuần nông có 7 thành viên gồm bà, bố mẹ và 4 anh chị em. Vì ở nhà không có sóng điện thoại, nên Chia phải học tại kho ngô ở trên nương. Không gian trong kho rất chật chội, một mình Chia ở đây vừa học vừa giúp bố mẹ làm nương.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 8

Sùng A Minh, dân tộc Mông, học sinh lớp 12A6 có hộ khẩu tại bản Huổi Lúm, xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Hằng ngày Minh phải ra chòi trông lúa ở trên nương để học. Gia đình thuần nông, hoàn cảnh khó khăn, những dịp nghỉ Minh thường xuyên không về nhà mà xin đi làm thuê kiếm tiền giúp gia đình và để có tiền học đi học.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 9

Vàng A Pò, dân tộc Mông, học sinh lớp 12A6 có hộ khẩu tại xã Cao Chải, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Gia đình đông anh em, Pò thường phải lên nương cách xa nhà để bắt sóng 3G học bài. Em vừa giúp bố mẹ gieo lúa, làm nương vừa học.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 10

Hà Văn Quân, dân tộc Mường, học sinh lớp 11A6 có hộ khẩu tại xã Trung Thành, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Gia đình ở vùng khó khăn nhất ở huyện, chưa có điện lưới quốc gia. Hàng ngày em tự làm việc nhà, chăm sóc vật nuôi giúp bố mẹ. Để có sóng 4G học online theo TKB của nhà trường, em kê ghế ra sân hoặc ra bậc thang nhà sàn.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 11

Lò Thị Sòn, dân tộc Lự, học sinh lớp 11A6 có hộ khẩu tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Mồ côi bố. Mẹ đi bước nữa, bố dượng bị bệnh hiểm nghèo, mất sức lao động. Hàng ngày em tự làm việc nhà, lên nương làm giúp bố mẹ… Để có sóng 4G học online theo TKB của nhà trường, em phải kê ghế ngồi ra ngoài hiên. Từ 20h30 hàng ngày, em mới có thời gian để làm bài và chuẩn bị bài hôm sau.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 12

Giàng A Nàng, dân tộc Mông, học sinh lớp 11A6 có hộ khẩu tại xã Bản Mù, huyên Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Mồ côi mẹ, bố bị bệnh hiểm nghèo. Vì ở nhà không có sóng wifi nên em đã phải ra huyện (cách nhà gần 20km) thuê phòng trọ của bác sỹ trong bệnh viện (hết 300.000đ/tháng) vừa tiện việc chăm sóc bố ở viện.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 13

Hoàng Thị Mỵ, dân tộc Mông, học sinh lớp 11A4 có hộ khẩu tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Hằng ngày, em phải lên nương từ sớm để phụ giúp bố mẹ, thời gian Mỵ dành để nghiên cứu bài vở là khi về đêm, sau một ngày dài làm việc vất vả.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 14

Vàng Thị Xa, dân tộc Mông, học sinh lớp 11A4 có hộ khẩu tại xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Hàng ngày, ngoài việc phụ giúp gia đình, Xa tranh thủ học bài mỗi khi lên nương rẫy. Xa đã đăng kí gói mạng ngày để thuận lợi cho việc học online và tiếp thu được kiến thức của mỗi buổi học vì nơi bạn ở không có kết nối internet.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 15

Giàng A Trang, dân tộc Mông, học sinh lớp 10A2, hộ khẩu tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Gia đình có 6 anh em, không có mạng internet. Từ khi nhà trường tổ chức học zoom, Trang xuống huyện học và ở trọ cùng anh trai dưới huyện để học.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 16

Dương Thị Phương, học sinh lớp 10A12 có hộ khẩu tại xã Lâm Ca, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Mồ côi cha, gia đình thuộc hộ nghèo, Phương là con một trong gia đình. Trong các giờ học, muốn có sóng em thường phải lên đồi ngồi học để nghe thầy cô giảng bài.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 17

Vi Văn Quyến, học sinh lớp 10A13 có hộ khẩu tại xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Bố mất sớm, gia đình thuộc hộ nghèo. Nhà sóng rất yếu, nên em phải sang nhà hàng xóm học nhờ. Đôi lúc phải ra cánh đồng mới có sóng để học.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 18

Quang Thế Hà, dân tộc Thái, học sinh lớp 10A10, có hộ khẩu tại xã Diễn Lãm, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Để có thể học trực tuyến, em dựng tạm cái lán trên đồi khá xa nhà vì ở đó mạng mới ổn định. Cứ đến giờ học em lại lên đây để nghe các thầy cô giảng bài.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 19

Vàng A Tường, dân tộc Mông, có hộ khẩu tại  xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Vì gia đình khó khăn nên em chỉ mượn sim mạng của mẹ vào để học, tốc độ truyền thấp nên thi thoảng cũng không vào được tốt như các bạn khác.

Học sinh dân tộc dựng lán trên đồi học online trong mùa dịch ảnh 20

Sùng A Vang, dân tộc Mông, học sinh lớp 11A10 có hộ khẩu tại xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Nhà ở vùng không có sóng wifi, mạng 3G chập chờn. Để đảm bảo cho việc học online, em đã mang theo gạo và thực phẩm ra huyện cách 14km để trọ học. Đường xa và khó đi nên em ở trọ 3 hoặc 4 ngày mới về nhà. Có những hôm nhà nhiều việc, em phải đi làm giúp đỡ bố mẹ nên em phải nghỉ học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.