Học sinh có thể dùng điện thoại phục vụ học trên lớp là phù hợp thời đại số

GD&TĐ - Việc cho phép học sinh THCS, THPT sử dụng điện thoại phục vụ cho việc học tập ở trên lớp là “tư duy mở” hết sức sáng tạo, mang tính thời đại trong việc tối ưu hóa ứng dụng CNTT trong phục vụ việc dạy và học của thầy trò trong thời đại nhịp sống số. 

Hoạt động "5 phút đọc báo cùng bạn" được thầy Phạm Lê Thanh triển khai. Ảnh chụp màn hình
Hoạt động "5 phút đọc báo cùng bạn" được thầy Phạm Lê Thanh triển khai. Ảnh chụp màn hình

Tôi rất đồng tình với điểm mới theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS,  THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học mà Bộ GD-ĐT đã ban hành là “học sinh THCS, THPT có thể được phép dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép".

Với sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học kỹ thuật trong thời đại 4.0 thì hàng loạt các ứng dụng mới, công trình khoa học, kỹ thuật mới trong và ngoài nước liên tục được công bố, đăng tải trên các trang báo khoa học hoặc tạp chí khoa học.

Với đặc thù của bộ môn thuộc Khoa học tự nhiên như môn Hóa học, Sinh học, Vật lí …. những cập nhật về tính ứng dụng trong thực tế đời sống là điều hết sức cần thiết cho học sinh. Điều này lại chưa được cập nhật trong Sách giáo khoa hiện hành, đòi hỏi giáo viên phải “tự làm mới bài giảng”, “tự làm mới mình” qua các kênh thông tin, tài liệu tham khảo trên các trang mạng Internet đáng tin cậy.

Việc cập nhật kiến thức mới và hiện đại liên tục sẽ giúp thầy và trò tránh được căn bệnh “khoa học thì luôn thở từng nhịp sống mới mà thầy – trò chúng ta thì cứ ngủ quên trong những điều xưa, cũ”.

Để truy cập vào các trang báo, tạp chí, các trang tài liệu tham khảo này một cách hiệu quả, nhanh chóng thì giáo viên và học sinh rất cần công cụ hỗ từ các thiết bị điện tử - vi tính như điện thoại thông minh hoặc laptop, ipad…

Cụ thể ở môn Hóa học, trước nay tôi thường thiết kế hoạt động cho học sinh chuyên mục "5 phút đọc báo cùng bạn”.

Theo đó, các em sẽ sử dụng điện thoại di động của mình theo cặp 2 bạn cùng sử dụng 1 chiếc điện thoại truy cập wifi do tôi phát sóng, để các em truy cập link các bài báo mới, hoặc các thông tin khoa học về các ứng dụng mới thuộc lĩnh vực Hóa học trong khoảng thời gian cố định cho phép để thảo luận về một số vấn đề có liên quan đến nội dung bài học và mở rộng.

Sau thời gian cho phép, các em nộp lại điện thoại lên bàn giáo viên, dán tên và ghi chú lại nhằm không cho các em sử dụng với mục đích khác như lên facebook, chơi game, ...

Ngoài ra việc sử dụng điện thoại thông minh còn giúp việc củng cố và luyện tập, làm bài kiểm tra trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn cho cả thầy và trò.

Thay vì trước đây với quy trình cũ, giáo viên phải: soạn đề, in đề trên giấy, vào lớp phát ra, thu lại rồi lại mang về nhà chấm bài, nhập điểm … thì giờ đây với chiếc điện thoại thông minh tích hợp thêm những phần mềm trắc nghiệm, giáo viên chỉ cần soạn trước câu hỏi và bài tập, lưu lại trên link và cài link sẵn.

Vào lớp học sinh chỉ cần dùng điện thoại truy cập nhanh vào link và làm bài tập, bài kiểm tra. Khi làm xong, phần mềm sẽ xuất ra điểm số ngay và thống kê sẵn trên bảng điểm.

Thực tế ở những tiết học mà tôi giảng dạy có sự ứng dụng của công nghệ thông tin luôn được các em học sinh thích thú và hào hứng hơn so với những tiết học chỉ đơn thuần thầy trò làm việc với “bảng đen , phấn trắng, sách và vở ghi”.

Những ngày đầu mới sử dụng điện thoại, các em chưa quen, nhưng tập dợt vài lần các em rất nhanh chóng bắt kịp thao tác và thực hiện rất tốt.

Bật mí về hiệu quả của việc cho học sinh sử dụng điện thoại khi khi học tập là tôi luôn làm công tác tư tưởng với các em ngay từ đầu.

Tôi và các em sẽ quy ước, đưa ra những quy định cụ thể trước với nhau về những nội quy cần tuân thủ với những hình thức “khen thưởng” khi làm tốt và “phạt” nếu vi phạm.

Việc sử dụng hiệu quả điện thoại di động trong hoạt động dạy học sẽ là tiền đề cho các em cọ sát thực tế, chuẩn bị thật tốt để thích ứng với những đổi mới sắp tới của ngành GD&ĐT.

Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” đã được Chính phủ phê duyệt. Song, để thực hiện thật tốt đề án này, đòi hỏi thầy và trò phải thật sự “sáng tạo” trong việc sử dụng công nghệ thông tin ở từng tiết học, từng bài giảng.

Việc cho phép học sinh được sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học phải được “giáo viên cho phép” và “vận dụng một cách linh hoạt, nhịp nhàng, khéo léo” thì hiệu quả mang lại rất khả quan, thầy và trò sẽ có những tiết học hứng thú, tích cực, bổ ích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ