Dùng điện thoại trong lớp vì mục đích học tập: Phù hợp yêu cầu đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Quy định học sinh THCS, THPT được phép sử dụng điện thoại trong giờ học phục vụ mục đích học tập theo nhiều giáo viên là hợp lý trong yêu cầu đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, vai trò giáo viên rất quan trọng.

HS Trường THPT Ngã Năm (Sóc Trăng) hào hứng trong giờ học tiếng Anh với sự hỗ trợ của smartphone. Ảnh: T. Trang.
HS Trường THPT Ngã Năm (Sóc Trăng) hào hứng trong giờ học tiếng Anh với sự hỗ trợ của smartphone. Ảnh: T. Trang.

Khai thác lợi thế

Việc sử dụng điện thoại, đặc biệt là điện thoại thông minh (smartphone) trong trường phổ thông hiện nay mỗi nơi mỗi khác. Có nơi cấm tiệt học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học; có nơi cho phép giáo viên, học sinh ứng dụng smartphone để hỗ trợ quá trình giảng dạy, học tập. Một số trường cũng linh động khai thác lợi thế từ thiết bị di động để dạy và giúp học sinh vừa thoát khỏi cách học lệ thuộc vào tài liệu trên giấy, ghi chép theo kiểu truyền thống, vừa làm chủ công nghệ.

Tại TPHCM đã có một số trường học cho phép sử dụng smartphone như một phương tiện dạy học tiện lợi cho học sinh. Như Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho phép học sinh dùng smartphone để thi và thực hiện bài kiểm tra trắc nghiệm. Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) không cấm học sinh mang điện thoại di động tới trường nhưng có kiểm soát thời gian sử dụng. Trường cho phép học sinh sử dụng trong các giờ giải lao nhưng tuyệt đối không được dùng trong giờ học…

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), tại trường có xây dựng các trang mạng xã hội như của hiệu trưởng, của giáo viên, của Đoàn Thanh niên. Xem đây như là một kênh tư vấn học đường cho các em, trả lời những thông tin, câu hỏi, tiếp nhận chia sẻ của các em.

Kênh tư vấn này nhận được rất nhiều lượt phản hồi từ học sinh, phụ huynh; qua đó, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong trường cũng như góp phần giảm các nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường.

“Hầu như học sinh nào cũng có smartphone, nếu không định hướng, chọn lọc, những thông tin sai lệch sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường như các em dễ  bị cái xấu lôi kéo, thậm chí những xung đột trên mạng xã hội nhưng không nhận thức đúng, dẫn đến những hành xử bên ngoài xã hội sẽ rất đáng tiếc…”, thầy Phú chia sẻ.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, việc học sinh dùng smartphone luôn có hai mặt, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Trong thời đại 4.0, nhà trường, giáo viên và học sinh có thể ứng dụng mặt có lợi của các phương tiện di động để dạy, học, bắt kịp sự phát triển công nghệ, kiến thức của nhân loại.

Tuy nhiên, việc ứng dụng smartphone vào dạy học đòi hỏi phải có sự đồng lòng, ý thức tốt của nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Thiết bị điện tử di động nói chung và smartphone nói riêng cũng có những mặt tiêu cực, đó là công cụ khai thác tri thức chứ không phải tạo ra thông tin mới. Điều đó có thể hạn chế năng lực sáng tạo của học sinh.

Ngoài ra, thiết bị điện tử ảnh hưởng xấu tới thị lực của học sinh… Điều quan trọng là sử dụng đúng mục đích vào quá trình dạy, học và ý thức của người sử dụng để phát huy hiệu quả tích cực của smartphone một cách tối ưu.

HS Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5, TPHCM) kiểm tra trực tuyến giữa kỳ bằng smartphone. Ảnh: T. Nguyên.
HS Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5, TPHCM) kiểm tra trực tuyến giữa kỳ bằng smartphone. Ảnh: T. Nguyên.

Phương tiện học tập nhanh, hiệu quả

Trường THPT Ngã Năm (Thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) thời gian qua xây dựng phương pháp mới, đem đến cách nhìn nhận khác khi cho học sinh được sử dụng điện thoại trong tiết học để phục vụ mục đích học tập.

Việc sử dụng smartphone trong tiết học đã hướng đến mục tiêu giáo dục trong thời công nghệ 4.0. Với cách làm đột phá, Trường THPT Ngã Năm đã đa dạng hình thức học tập, nhờ đó mà mỗi giờ học ngoại ngữ luôn thu hút thầy trò tham gia giảng dạy, học tập với không khí thoải mái, năng động.

Nhằm hỗ trợ kịp thời cho học sinh về từ vựng, ngữ nghĩa, phát âm… Trường THPT Ngã Năm cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để tiến hành các thao tác tra từ vựng trực tuyến, luyện phát âm ngay tại lớp học. Cho học sinh sử dụng smartphone trong giờ học ngoại ngữ cũng là giải pháp mới tại tỉnh Sóc Trăng.

“Với cách học mới, học sinh đã có thể chủ động tra từ vựng cực kỳ nhanh chóng, học cách phát âm chuẩn hơn. Trong bài học có nhiều cụm từ, cách sử dụng từ loại như thế nào, hoặc ôn lại một số nội dung liên quan rất dễ. Nhìn chung các em thích học ngoại ngữ hơn, quan tâm nhiều đến kỹ năng bổ sung kiến thức từ tài liệu tham khảo, các kênh luyện thi hiệu quả được thầy cô giới thiệu”, cô Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngã Năm chia sẻ.

Để smartphone thành phương tiện học tập, nhà trường bước đầu nâng cao ý thức của giáo viên, học sinh, đặc biệt là vai trò định hướng của giáo viên. Đối với đặc thù bộ môn ngoại ngữ cần trau dồi kiến thức thường xuyên, cập nhật từ vựng mới theo bài học, phát âm theo chuẩn… và smartphone có cài đặt sẵn phần mềm tra từ điển, hay được phép truy cập internet là một trong những giải pháp đáp ứng yêu cầu cơ bản, sẽ giải quyết được phần lớn tốc độ xử lý bài học do đó tiết học sẽ thuận lợi hơn.

Nhà trường cho học sinh được sử dụng điện thoại để học tập trong buổi học chính, trường còn hỗ trợ cả wifi để học sinh tiện sử dụng mà không cần bật mạng di động. Tùy theo chương trình, tùy theo nội dung bài học mà giáo viên điều tiết thời lượng sử dụng sao cho vừa hiệu quả, lại kích thích được tinh thần học tập của các em.

Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5, TPHCM) cũng được kiểm tra giữa học kỳ trực tuyến. Theo đó, các em sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối wifi để làm bài thi online các môn Toán, Anh văn, Lý, Hóa, Sinh…

Theo thầy Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng nhà trường: “Việc tổ chức thi theo hình thức trực tuyến là một trong những bước chuẩn bị của nhà trường trong việc đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá, vừa phát huy tính năng động, sáng tạo của người học vừa tiết kiệm thời gian, giảm việc cho giáo viên.

Điểm của học sinh sẽ có ngay sau khi các em làm bài, kết quả này sẽ được chuyển thẳng đến ban giám hiệu nhà trường. Ngay sau bài thi của môn cuối cùng kết thúc, đáp án sẽ được công bố trên ứng dụng hoặc chuyển cho các giáo viên bộ môn để học sinh tham khảo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ