Dự án với sản phẩm đã thành hình không chỉ là nỗ lực, sáng tạo mà còn là cả tấm lòng dành cho những người nông dân một nắng, hai sương quê nhà.
Trăn trở của cậu học trò miền quê
Lê Minh Nam, lớp 11 Sinh và Lương Xuân Bách, lớp 11 Lý, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi đều sinh ra từ vùng quê, sớm tối chứng kiến những người nông dân vất vả ngoài đồng ruộng. Có những cánh đồng, người nông dân trồng đủ các loại câu họ đậu: Đậu đen, đậu nành, đậu đỏ… xanh mướt rất thích mắt; nhưng từ khi gieo trồng đến thu hoạch vất vả vô cùng. "Liệu có cách nào để giúp người trồng đậu canh tác được nhiều hơn và đỡ cực nhọc hơn?" – trăn trở với câu hỏi đó, 2 học sinh lớp 11 đã nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy có thể tích hợp toàn bộ công đoạn, từ làm đất, lên luống, bón phân, gieo hạt và tưới nước.
"Chúng em đã đem ý tưởng đó trình bày với thầy Hiệu trưởng Trịnh Ngọc Tùng và được thầy ủng hộ", Lê Minh Nam kể lại. Từ đó, 2 bạn chính thức có thêm người đồng hành đặc biệt. Trong một thời gian khá dài, 3 thầy trò cùng cặm cụi tìm hiểu, nghiên cứu các loại máy có sẵn trên thị trường; về sự sinh trưởng, phát triển của các loại cây họ đậu và truyền thống canh tác của bà con nông dân. Thành quả là bản vẽ thiết kế 2D từng bộ phận và cấu trúc tổng thể của máy đã ra đời.
Để từ bản vẽ thành một chiếc máy hoàn chỉnh có lẽ là thời gian khó khăn nhất của 3 thầy trò. Thầy Tùng giới thiệu một xưởng gần trường giúp đỡ thực hiện các chi tiết theo bản vẽ. Cũng đích thân thầy dẫn học trò đi mua các bộ phận cần thiết cho máy. "Khó nhất với chúng em lúc đó là tìm được một động cơ phù hợp.
Ngoài hạn chế về thời gian, có những lúc máy bị lỗi, mệt và nản nhưng rồi nghĩ đến công sức đã bỏ ra, nghĩ đến sản phẩm có thể mang lại cuộc sống tốt hơn cho nhiều người, chúng em lại tiếp tục nghiên cứu, sửa lại phần bị hỏng. Công đoạn cuối là lắp ráp các bộ phận, các bo mạch chức năng và tiến hành thử nghiệm để chứng minh độ thực tiễn của máy", Lương Xuân Bách chia sẻ.
Cuối cùng, công sức của thầy trò đã được đền đáp với chiếc máy hoàn chỉnh, nhiều chức năng theo đúng tính toán ban đầu và hình thức khá bắt mắt. Sản phẩm được chọn thi cấp tỉnh, rồi tiếp tục tạo ấn tượng tại cuộc thi cấp quốc gia.
Tăng 15 lần năng suất
Gặp Nam và Bách tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật tại Đà Nẵng, 2 bạn hào hứng giới thiệu về sản phẩm tới từng chi tiết nhỏ, từ hệ thống gieo hạt, bón phân; nguồn điện; hệ thống máy bơm tưới nước; hệ thống gạt đất; màn hình quan sát; camera; hệ thống pin năng lượng Mặt trời. Máy có thể hoạt động đồng thời các công việc, từ làm đất, bón phân, gieo hạt, tưới nước và trong vòng xấp xỉ 0,44 giờ, máy có thể làm được một sào Bắc Bộ (360m2).
"Một nông dân làm 1 sào mất những 7 giờ. Như vậy, năng suất của máy đã gấp 15 lần so với làm bán thủ công. Sử dụng pin năng lượng Mặt trời, nếu trời râm, ắc-quy đầy, máy có thể hoạt động liên tục trong vòng 8 tiếng. Khi ắc-quy cạn, chỉ cần để máy ngoài trời nắng sau 3 giờ, ắc-quy sẽ đầy", Nam tự hào nói về sản phẩm của mình.
Chia sẻ về dự định thời gian tới, Lương Xuân Bách cho biết sẽ cùng bạn hoàn thiện sản phẩm. "Máy đã được lắp camera, vừa để quan sát khi di chuyển trên đường, vừa quan sát hoạt động của các hệ thống canh tác, nên chúng em có thể lắp hệ thống điều khiển từ xa bằng cách đồng bộ bởi một bộ wifi trong nhà kính, hay nhà lưới.
Việc này sẽ giúp một người công nhân có thể điều khiển từ 3 đến 5 máy cùng lúc. Bên cạnh đó, vì khi thiết kế, máy đã được chia thành 2 khối, nên sau khi hết vụ, chúng em có thể tận dụng khối phía trước lắp thêm một hệ thống canh tác khác như máy thu hoạch các loại củ, hay máy gieo cấy…" - Bách nói về sự định hoàn thiện sản phẩm.
Mong muốn của 2 bạn trẻ là có thể đưa sản phẩm hoàn thiện nhất của "Máy thâm canh các loại cây họ đậu công nghệ cao" ra thị trường, giúp bà con nông dân đỡ vất vả hơn trong canh tác các loại cây họ đậu.