Kiểm tra, đánh giá môn tích hợp: Học đến đâu, kiểm tra đến đó

GD&TĐ - Xây dựng đề kiểm tra, tiến hành kiểm tra với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý lần đầu tiên được các trường THCS thực hiện.

Thời lượng môn học tích hợp bảo đảm yêu cầu của từng phân môn. Ảnh minh họa
Thời lượng môn học tích hợp bảo đảm yêu cầu của từng phân môn. Ảnh minh họa

Đây là công việc cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các giáo viên (GV) cùng phụ trách môn học, nhưng thực tế triển khai được ghi nhận khá thuận lợi, dù dạy học trực tiếp hay trực tuyến. 

Bảo đảm lượng kiến thức hợp lý từng phân môn

Thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022, bám sát chỉ đạo chuyên môn của Phòng GD&ĐT quận Long Biên (Hà Nội), Trường THCS Ái Mộ thực hiện kiểm tra giữa học kỳ I với các môn từ tuần học thứ 8 - 10; kết thúc trước ngày 15/11. Để thực hiện kiểm tra giữa học kỳ, thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Nhà trường đã xây dựng kế hoạch kiểm tra; trong đó quy định rõ hình thức kiểm tra, phương pháp, tỉ lệ mức độ nhận thức trong các đề kiểm tra. Tổ nhóm chuyên môn thảo luận thống nhất các chủ đề kiến thức và xây dựng đề cương ôn tập cho học sinh (HS), bảo đảm 100% HS được ôn tập trước khi kiểm tra.

Với khối 6, thực hiện chương trình mới nên có nhiều thay đổi, đặc biệt với các môn tích hợp. Tổ nhóm chuyên môn đã bám sát chỉ đạo của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá HS THCS, THPT. Cụ thể: Môn Lịch sử và Địa lý được dạy song song từ tuần 1 đến tuần 9 với thời lượng 2 tiết Địa lý, 1 tiết Lịch sử/tuần; tuần 10 tới tuần 18 điều chỉnh 1 tiết Địa lý, 2 tiết Lịch sử/tuần; bảo đảm khi kết thúc học kỳ I, HS hoàn thành 50% tiến độ chương trình của cả hai phân môn.

Do vậy, bài kiểm tra giữa học kỳ I, tổ chuyên môn thống nhất đề cương ôn tập, đề kiểm tra, ma trận đặc tả với tỉ lệ số câu trong kế hoạch dạy học phù hợp với lượng kiến thức (70% của môn Địa lý, 30% môn Lịch sử). Thời gian làm bài 60 phút theo hình thức trắc nghiệm khách quan. HS làm bài kiểm tra trực tuyến trên hệ thống MS Forms của môi trường MS TEAMS.

Với môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Ái Mộ bảo đảm đủ đội ngũ GV dạy Vật lý, Hóa học, Sinh học đáp ứng yêu cầu bộ môn. Đặc biệt, trường có 3 GV được đào tạo 2 phân môn Hóa - Sinh, nên thuận lợi dạy học môn này tuần tự, nối tiếp theo các chủ đề của sách giáo khoa. Khi xây dựng đề kiểm tra và nội dung ôn tập, nhóm GV dạy môn Khoa học tự nhiên đều họp để thống nhất các chủ đề nhận thức, xây dựng ma trận đặc tả, trao đổi về việc tiếp thu kiến thức bộ môn; từ đó xây dựng hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp trong điều kiện HS học trực tuyến.

Bài kiểm tra môn Khoa học tự nhiên được thiết kế 90 phút, theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Các bài thi trực tuyến, HS được nhận link truy nhập tại tài khoản thi trước giờ kiểm tra 5 phút theo lịch kiểm tra chung của nhà trường.

Tại Trường THCS Thụy Liên (Thái Bình), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng thông tin: Kiểm tra giữa kỳ được thực hiện thống nhất trong tuần 10 của học kỳ I (thể hiện trong kế hoạch giáo dục của trường, tổ chuyên môn và cá nhân GV). GV chủ động xây dựng ma trận đề, nội dung đề, đáp án, biểu điểm, thảo luận với nhóm cùng chuyên môn (Lịch sử và Địa lý, nhóm Lý - Hóa - Sinh) rồi duyệt với nhà trường.

Nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra, phân công người ra đề, coi, chấm, vào điểm để GV thực hiện. Thời gian kiểm tra là 60 phút, phù hợp với đặc điểm HS lớp 6. Với môn tích hợp, tỉ lệ trắc nghiệm là 30%, tự luận 70%. Về tỉ lệ kiến thức 2 phân môn trong môn Lịch sử và Địa lý là 50 - 50; môn Khoa học tự nhiên, tỉ lệ kiến thức Sinh học là 16,5/100%, Hóa học là 40/100%, Vật lý là 53,5/100% - phù hợp với tỉ lệ kiến thức đã học của các phân môn đến thời điểm này.

Việc xây dựng đề kiểm tra, chấm bài 2 môn tích hợp được triển khai thuận lợi tại Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn, Nghệ An. Theo thầy Hiệu trưởng Đinh Tiến Hoàng, GV của trường được tập huấn cách làm ma trận đề. Cụ thể, môn Lịch sử và Địa lý, tỉ lệ 50 - 50; môn Khoa học tự nhiên, tỉ lệ 50% (Sinh học), 30% (Vật lý), 20% (Hóa học).

Đánh giá học sinh các môn học tích hợp phù hợp với cả học trực tiếp và trực tuyến.
Đánh giá học sinh các môn học tích hợp phù hợp với cả học trực tiếp và trực tuyến. 

Tỉ lệ câu hỏi phù hợp thời lượng giảng dạy

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, cho hay: Thời gian kiểm tra giữa kỳ của các truờng trên địa bàn tỉnh dự kiến từ 8 - 11/12/2021, tùy theo điều kiện của từng đơn vị. Hình thức kiểm tra trực tuyến hoàn toàn, do HS An Giang chưa thể đến trường học trực tiếp.

Với kiểm tra môn tích hợp, gồm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý lớp 6, Sở GD&ĐT An Giang chỉ đạo bằng công văn, đồng thời, qua cuộc họp giao ban lần thứ ba, Sở cũng yêu cầu các trường khi ra đề kiểm tra căn cứ trên số tiết và đơn vị kiến thức HS đã học tính đến thời điểm kiểm tra đánh giá.

Ma trận đề được lập với số câu hỏi ở các mức độ phân bổ theo tỉ lệ số tiết đã học của từng phân môn; đồng thời bảo đảm tổng thể của bài kiểm tra giữa kỳ theo bốn mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao (tỉ lệ 4:3:2:1). Ban giám hiệu hoặc tổ trưởng được ủy quyền phụ trách, xem xét, duyệt nội dung đề, bảo đảm vừa sức HS. Sau kiểm tra, GV từng phân môn cùng xem xét bài làm của HS để điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp.

“Sở GD&ĐT dựa vào lực lượng Hội đồng bộ môn cấp tỉnh, huyện tư vấn chuyên môn trong thiết kế khung ma trận giúp các đơn vị thực hiện tốt bài kiểm tra định kỳ cho môn học tích hợp. Bên cạnh đó, các trường THCS trước đây đã thực hiện Mô hình Trường học mới nên GV cùng ra đề, chấm bài tương đối thuận lợi” - ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.

Chia sẻ quan điểm chỉ đạo của Sở GD&ĐT về công tác kiểm tra, đánh giá, trong đó có môn tích hợp, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, nhấn mạnh: Các trường cần thực hiện đúng việc kiểm tra, đánh giá theo Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT và các văn bản hướng dẫn của Bộ, sở GD&ĐT. Đối với môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng bao gồm nội dung phân môn theo tỉ lệ phù hợp với nội dung, thời lượng dạy học mỗi phân môn đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

“Qua kiểm tra, nắm bắt, các trường thực hiện đúng  tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT, nhìn chung không có gì vướng mắc. Việc ra đề có thể là nhóm tổ chuyên môn, hoặc có sự phối hợp của 2 - 3 GV cùng dạy môn đó theo quy định chung về thời lượng và nội dung. Việc chấm có thể có sự tham gia của GV cùng dạy hoặc giao cho 1 GV trên cơ sở thống nhất đáp án, biểu điểm” - ông Phùng Quốc Lập cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.