Thực tế ghi nhận, dù chưa thực sự thành thạo song thầy cô và nhà trường đều nỗ lực để hoàn thiện tốt nhất quy trình.
Linh hoạt triển khai
Thầy Liễu Tiến Sơn – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào (Thị xã Sa Pa – Lào Cai) chia sẻ: Do giáo viên (GV) chưa được đào tạo theo phân môn nên bước vào triển khai dạy học tích hợp nhà trường không thể phân công 1 người dạy 3 môn trong 1 phân môn.
Ở môn phân môn Khoa học tự nhiên (KHTN) trường phân công 2 GV đảm nhiệm 3 môn, trong đó một người dạy Sinh - Hóa, người kia dạy Vật lý. Với phân môn Lịch sử - Địa lý vẫn bố trí 2 GV dạy 2 môn riêng biệt.
Từ thực tế dạy học các phân môn như vậy nên khâu kiểm tra đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ được nhà trường tính toán triển khai theo hướng GV dạy cùng 1 phân môn sẽ xây dựng chung đề kiểm tra. Tùy vào tỉ lệ, thời lượng của môn học ở thời điểm hiện tại để phân chia lượng câu hỏi và số điểm phù hợp.
Theo đánh giá của thầy Sơn, do đội ngũ GV từng triển khai mô hình Trường học mới nên đã làm quen với dạy học và kiểm tra đánh giá các môn học tích hợp. Bước vào triển khai phân môn KHTN, Lịch sử - Địa lý ở lớp 6 năm học này không hề làm khó cho GV trên cả phương diện dạy học lẫn kiểm tra đánh giá.
Tại Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình - Ninh Bình) do có GV có thể dạy học hoàn toàn 1 phân môn (KHTN) nên nhà trường chỉ bố trí 3 người dạy 7 lớp của khối 6. Còn phân môn Lịch sử - Địa lý vẫn phân công 2 người.
Cô Phạm Thị Huê - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình - Ninh Bình) trao đổi: Với ưu điểm về GV nên khâu ra đề kiểm tra đánh giá của trường không phải huy động nhiều người cùng tham gia ở phân môn KHTN. Còn với phân môn Lịch sử - Địa lý, 2 GV dạy môn tích hợp sẽ cùng nhau ra đề sau đó thống nhất, trao đổi để đảm bảo độ tổng thể, chính xác.
Về quy trình kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh lớp 6, cô Phạm Thị Huê cho biết trường sẽ xây dựng bài kiểm tra được thiết kế dưới dạng bài thi tổ hợp nội dung, kiến thức của các môn học trong mỗi phân môn. Cùng đó, chọn lọc câu hỏi để xây dựng đề thi theo mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Dựa vào kết quả kiểm tra đánh giá giữa kỳ của học sinh để đánh giá mức độ phù hợp của đề thi và có điều chỉnh tương ứng vào đề kiểm tra cuối kỳ.
Để kiểm tra đánh giá đạt hiệu quả
Trao đổi về vấn đề kiểm tra đánh giá đối với môn học tích hợp của phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học; Lịch sử và Địa lý sao cho hiệu quả, thầy Trần Quốc Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Cát Linh (Đống Đa– Hà Nội) cho rằng: Đề kiểm tra tích hợp cần có số câu hỏi tỉ lệ với số tiết; phải đảm bảo được 70% câu hỏi mang tính chất đặc thù riêng của nội dung, chuyên đề các phân môn; 30% (hoặc có thể nhiều, ít hơn) mang tính chất tích hợp của các môn liên quan.
Mặt khác, từng bộ môn cần xây dựng thành ngân hàng đề sau đó mới khớp lại với nhau trong một đề chung. Trong quá trình trao đổi, thống nhất nếu câu hỏi các bộ môn nào trùng nhau về yêu cầu có thể căn chỉnh để phù hợp đúng tinh thần tích hợp của 2 - 3 phân môn.
Việc ra đề kiểm tra đánh giá do nhóm chuyên môn của mỗi trường tự xây dựng, trao đổi… dựa trên thực tế dạy học. Tuy vậy, ban giám hiệu phải đồng hành với các tổ phân môn trong việc soạn đề kiểm tra để đảm bảo thống nhất và đúng định hướng, chỉ đạo từ đầu...
Cô Nguyễn Thị Kim Phong - giáo viên Lịch sử Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội) chia sẻ: Học sinh Hà Nội đang học trực tuyến, song môn học tích hợp Lịch sử - Địa lý sẽ có bài kiểm tra chung kiến thức 2 môn và do 2 GV cùng dạy ra đề. Tỉ lệ câu hỏi kiến thức trong đề có thể tỉ lệ 50/50 nếu 2 môn đều dạy song song và cân bằng thời lượng.
Theo cô Phong, việc kiểm tra đánh giá môn tích hợp hiện nay chưa thống nhất giữa các trường nhưng hầu hết GV trước khi bước vào dạy học môn tích hợp được tập huấn vì vậy chỉ cần thực hiện đúng theo tinh thần hướng dẫn của Bộ, cùng tăng cường trao đổi trong trường và tổ chuyên môn sẽ quen và tháo bỏ khó khăn khi triển khai.
PGS.TS Trần Xuân Bách, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng lưu ý: Ở cấp THCS, Lịch sử và Địa lý là một môn học, giống như môn học bình thường khác, nên các cột điểm định kỳ sẽ là điểm của môn chứ không phải là phân môn.
Đối với điểm thường xuyên, môn Lịch sử và Địa lý tổng số tiết là 105 nên một học kỳ có 4 điểm thường xuyên. Như vậy, có thể cơ cấu 2 đầu điểm cho phân môn Địa lý và 2 đầu điểm cho phân môn Lịch sử.
Đối với đánh giá định kỳ, môn học này 1 bài giữa kỳ, một bài cuối kỳ, thời gian có thể từ 45 - 90 phút (chọn bao nhiêu phút có thể do hiệu trưởng quyết định)…
Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Bách, với môn KHTN chương trình có 140 tiết/năm, trong đó có 10% tương ứng 14 tiết dành cho ôn tập, kiểm tra đánh giá. Ở mỗi học kỳ sẽ có 2 tiết ôn giữa kỳ, 1 tiết thi giữa kỳ, 2 tiết ôn cuối kỳ và 2 tiết thi cuối kỳ. Hoặc có thể tổ chức ôn tập sau mỗi chủ đề, miễn sao số tiết ôn tập và kiểm tra đánh giá là 14 tiết/năm
Với hoạt động thực hành và trải nghiệm có sử dụng dạy học dự án và đánh giá theo dạy học dự án không có yêu cầu cụ thể về số lượng tiêu chí đánh giá; tùy vào sản phẩm và yêu cầu khi GV giao cho học sinh mà để xây dựng công cụ và tiêu chí đánh giá phù hợp…