Học sinh cần được giáo dục nhân cách qua các hoạt động thực tiễn

GD&TĐ - Bạo lực học đường là một hiện tượng tiêu cực trong đời sống, sinh hoạt của học sinh, sinh viên, và cần sự vào cuộc từ nhiều phía để ngăn chặn, giải quyết.

Một buổi truyền thông phòng chống bạo lực học đường của học sinh Hà Nội
Một buổi truyền thông phòng chống bạo lực học đường của học sinh Hà Nội

Bạo lực học đường không chỉ của riêng Việt Nam

Đánh giá về tình trạng bạo lực học đường, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho rằng, đây là một hiện tượng tiêu cực không chỉ riêng ở Việt Nam mà tồn tại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo của cơ quan phòng, chống tội phạm Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 4-6 triệu học sinh liên quan trực tiếp đến bạo lực học đường.

Để giải quyết bạo lực học đường, cần sự vào cuộc từ nhiều phía, trong đó quan trọng nhất là sự phối hợp giữa gia đình- nhà trường- xã hội.

Về phía gia đình, cần có sự quan tâm của các bậc cha mẹ. Trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ cần phải quan tâm đến sự thay đổi tâm sinh lý của con cái và nhận ra những biểu hiện tâm lý bất thường. Bên cạnh đó, cha mẹ phải tạo lập cho con cái cuộc sống hạnh phúc, bình đẳng, không bạo lực.

Về phía nhà trường, thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho các em, chú trọng kỹ năng giao tiếp, ứng xử thuyết phục được học sinh. Theo anh Huy, sự tận tụy, yêu thương chân thành của người thầy sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của các em với mọi người xung quanh.

Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, hơn là chạy theo bệnh thành tích để áp đặt lên vai các em những ước muốn của người lớn. “Các thầy cô thực sự phải là những kỹ sư tâm hồn để giúp học sinh hình thành nhân cách sống và tâm hướng thiện.

Về phía xã hội, phải đề cao vai trò xã hội, vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, vì đó là những kênh có ảnh hưởng lớn đến các em. Học sinh cần được giáo dục nhân cách qua các hoạt động thực tiễn, hoạt động Đoàn, Đội không chỉ qua các bài giảng. Muốn vậy, phải tạo điều kiện để các tổ chức Đoàn, Hội, Đội có thể tham gia để cùng nhà trường, gia đình giáo dục nhân cách học sinh.

Thời gian qua, để tạo môi trường học đường lành mạnh, tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp đã triển khai nhiều hoạt động tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, cũng như giáo dục, định hướng học sinh sống đẹp, nhân ái. Đó là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trực quan kết hợp tuyên truyền trên mạng xã hội, chuyển tải thông tin về văn minh học đường, những hành động đẹp, những thông điệp về tình bạn đẹp, “nói không với bạo lực học đường”.

Đồng thời, tổ chức các chương trình, diễn đàn về “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”, các hoạt động bồi dưỡng tâm hồn đẹp cho học sinh như các diễn đàn, sân chơi “Khi tôi 18”, “Học làm người có ích”, “Lễ trưởng thành - Tri ân thầy cô”...

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động, chương trình, diễn đàn, hội thảo... chia sẻ kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống, cũng như phòng vệ cho học sinh, giáo viên, tổng phụ trách đội để ngăn chặn bạo lực học đường.

Buổi tập huấn phòng chống bạo lực học đường dành cho học sinh

Buổi tập huấn phòng chống bạo lực học đường dành cho học sinh

Nhà trường gia đình xã hội chung tay phòng chống bạo lực học đường

Từ kinh nghiệm của địa phương, bà Lò Thị Thời - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Trong những năm qua ngành GD-ĐT Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh đoàn, đẩy mạnh công tác thanh thiếu niên trong trường học nhằm không ngừng cung cấp kiến thức và nâng cao nhận thức cho học sinh.

Để học sinh ý thức về hành động và những hậu quả của hành động bạo lực gây ra, các nhà trường đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho các em kiến thức về sử dụng internet, mạng xã hội hiệu quả, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn với nội dung phòng chống bạo lực nói chung, bạo lực học đường nói riêng.

Ngoài ra, ngành GD-ĐT Điện Biên đã phối hợp với Tỉnh Đoàn, Ban chỉ huy quân sự tỉnh, Công an trong tổ chức trại hè để các em có điều kiện giao lưu học hỏi. Các tổ chức Đoàn, Đội thường xuyên lồng ghép tuyên truyền Luật trẻ em thông qua các buổi sinh hoạt; tổ chức các nhóm bạn đồng hành hỗ trợ và giúp đỡ nhau học tập.

Đối với những học sinh có cá tính mạnh có biểu hiện khác biệt, nhà trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh uốn nắn, lôi kéo các em vào các phong trào của lớp, của Đoàn, của Đội. Cùng với đó, nhà trường tổ chức nhiều sân chơi bổ ích để giúp học sinh trải nghiệm, tránh sự thờ ơ, vô cảm trước những hành động bạo lực.

Trong các buổi sinh hoạt Liên đội, Chi đội, Chi Đoàn, học sinh được nói lên suy nghĩ của mình, được trao đổi, góp ý với nhà trường, với thầy cô, bạn bè. Thông qua đó, tổ chức Đoàn, Đội nắm được tâm tư, nguyện vọng của học sinh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn mà các em gặp phải.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động của công tác Đoàn, đội trong trường học ngành giáo dục và đào tạo cũng tăng cường phối hợp với gia đình mà đặc biệt là Ban đại diện cha mẹ học sinh để góp phần chăm sóc, giáo dục trẻ em đạt hiệu quả.

Các thầy cô tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cha mẹ học sinh: Thay vì để con cái có cuộc sống vật chất đầy đủ, cha mẹ hãy là những người bạn đồng hành của con. Cần có thái độ phê phán lên án những hành vi thô bạo và phải có những biện pháp xử lí có tính chất răn đe, để làm gương cho người khác.

"Với sự kết hợp hài hòa của tổ chức Đoàn, Đội và Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng với phương châm: Nhà trường, gia đình và xã hội cùng chung tay trong việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em nên trong nhiều năm qua tại các cơ sở giáo dục của tỉnh Điện Biên không có tình trạng bạo lực học đường nào xảy ra", bà Lò Thị Thời chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ