Trường vùng cao tạo gắn kết học sinh để chống bạo lực học đường

GD&TĐ - Nhằm góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhiều trường THPT ở Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch phòng chống bạo lực học đường từ trong hè, để khi bước vào năm học mới, sẽ thực hiện hiệu quả.

Cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).
Cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).

Nhiều biện pháp ngăn chặn bạo lực học đường

Mỗi khi bước vào đầu năm học mới, công tác tuyên truyền cho học sinh (HS) nhận thức về tránh xa với bạo lực học đường là điều rất quan trọng. Vì vậy, Ban giám hiệu Trường THPT Quan Hóa (Thanh Hóa) phải thông tin đến các bậc phụ huynh HS, với mong muốn được sự chung tay với nhà trường, nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường xảy ra.

Thầy Lê Văn Thanh – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra trong trường, Ban giám hiệu đã xây dựng kế hoạch, lập nhiều biện pháp để tuyên truyền cho HS tránh xa với tình trạng bạo lực học đường.

“Công tác này được nhà trường tuyên truyền, giáo dục và tổ chức triển khai sâu rộng trong đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Nhà trường coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học và cũng là cơ sở để xem xét đánh giá thi đua đối với các lớp, các HS trong nhà trường”, thầy Thanh nói.

Cũng theo thầy Thanh, nhằm thực hiện tốt công tác này, Nhà trường phối hợp thường xuyên với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng ở địa phương để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường trong HS.

Tổ chức cho HS được học tập, thảo luận về nội quy, quy định của nhà trường, đoàn trường về quyền và nhiệm vụ của người HS theo quy định của Điều lệ trường THPT. Trong đó, đặt yêu cầu cao đối với HS trong việc thực hiện và chấp hành các quy định của pháp luật.

“Ban giám hiệu yêu cầu tập thể giáo viên đặc biệt quan tâm chú ý đến việc HS gây gổ đánh nhau, kéo băng kết nhóm với thanh thiếu niên ngoài nhà trường. Nghiêm cấm việc tàng trữ, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và các loại hung khí có khả năng gây sát thương.

Nghiêm cấm việc tự ý tổ chức đi chơi pic-nic, dã ngoại, tắm ao hồ, sông suối. Nghiêm cấm phát tán lên mạng internet những thông tin không lành mạnh, tham gia các trò chơi nguy hiểm, kích động bạo lực.

Đồng thời, Ban giám hiệu cũng giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp thông qua sinh hoạt 15 phút đầu giờ, sinh hoạt cuối tuần…. để thường xuyên tuyên truyền về nội quy, quy định của nhà trường, đoàn trường. Đảm bảo 100% HS ký cam kết thực hiện tốt những điều nội quy, quy định nhà trường đã đề ra”, thầy Thanh thông tin.

  1. Trường vùng cao tạo gắn kết học sinh để chống bạo lực học đường ảnh 1

Thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT Quan Hóa tham gia buổi truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống.

Cũng theo thầy Thanh, để ngăn chặn xảy ra bạo lực học đường, nhà trường đã thành lập Ban thi đua, tổ nề nếp trật tự, đội cờ đỏ nhằm thường xuyên kiểm tra việc chấp hành nội quy, quy định của HS hàng ngày, như: Việc chấp hành về nề nếp, trang phục, đầu tóc, giày dép… Phát hiện và ngăn ngừa HS mang hung khí đến trường hoặc mang hung khí đến nhà trọ. Kiểm tra tác phong hàng ngày của HS.

Phối hợp với Công an địa phương, Công an huyện để tổ chức ít nhất 1 buổi sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề về các nội dung liên quan tới bạo lực học đường.

Lập hồ sơ theo dõi đối với những HS thường xuyên vi phạm nội quy. Thông tin kịp thời tới gia đình HS để phối kết hợp trong việc giáo dục những em này tiến bộ. Đồng thời, cung cấp danh sách những HS trên cho cơ quan chức năng để phối hợp giáo dục và có sự răn đe khi cần thiết...

Tạo sự gắn kết giữa học sinh, bạn bè

Là ngôi trường ở vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa), trước kia đã từng xảy ra tình trạng nhóm HS đánh nhau. Vì vậy, Trường THPT Quan Sơn đã thành lập Ban quản lý để theo dõi, tạo sự gắn kết giữa HS với bạn bè, nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường xảy ra.

Thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, vào đầu năm học, khi gọi HS đến nhập học, nhà trường sẽ thực hiện việc tổ chức tuyên truyền về bạo lực học đường, an toàn giao thông...

Trước hết, giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền cho HS tại các lớp, đặc biệt là đối với HS lớp 10 mới vào trường, để các em hiểu và nhận biết được nội quy của nhà trường. Sau đó, nhà trường thực hiện một chương trình chung, để tuyên truyền cho các em tránh xa với nạn bạo lực học đường.

Thầy và trò Trường THPT Quan Sơn tổ chức hội thi thể thao nhằm gắn kết tình bạn giữa học sinh với nhau trong trường.

Thầy và trò Trường THPT Quan Sơn tổ chức hội thi thể thao nhằm gắn kết tình bạn giữa học sinh với nhau trong trường.

“Trong những buổi tuyên truyền, giáo viên luôn phải nhắc nhở các em về những hành động cấm, không được gây gổ, tạo bè cánh, đàn đúm để khiêu khích, tham gia đánh nhau. Nếu những HS nào vi phạm, sẽ phải chịu hình thức kỷ luật của nhà trường rất nặng. Đồng thời, nhà trường cũng thông tin cho các em biết những trường hợp HS đã bị xử lý, để nhắc nhở, khuyên răn”.

Cũng theo thầy Đạo, tiếp theo đó, nhà trường xây dựng một chương trình thể dục thể thao từ đầu năm, gồm: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông... để tất cả HS trong trường được tham gia. Qua hoạt động thể dục thể thao, sẽ gắn kết được tình bạn giữa học sinh khóa khối lớp trên với khối lớp dưới.

Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao các loại hình câu lạc bộ, để tạo sân chơi lành mạnh, tạo dựng môi trường học tập gần gũi, thân thiện cho HS. Thông qua học tập văn hóa để giáo dục lòng nhân ái, trang bị các kỹ năng sống cần thiết, kỹ năng ứng xử và giải quyết các tình huống trong học tập, sinh hoạt hàng ngày dựa trên lòng nhân ái, sự khoan dung, độ lượng.

Phát huy hơn nữa vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng HS để có thể chia sẻ những khó khăn với các em, để an ủi và động viên các em vượt khó vươn lên. Đặc biệt, nhà trường chú ý những HS có điều kiện và hoàn cảnh dễ bị tổn thương, như: Có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, học sinh mồ côi, HS khuyết tật, HS mà gia đình bố mẹ có mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm…

Chỉ đạo giáo viên bộ môn Giáo dục công dân tăng cường các hình thức sinh hoạt tổ, nhóm HS, nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm lý, tình cảm để có sự can thiệp kịp thời. Đặc biệt là tránh việc gây nên những áp lực về tâm lý, gây căng thẳng cho HS. Giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò nòng cốt trong việc giúp HS giải tỏa các căng thẳng về tâm lý, là chỗ dựa tinh thần cho các em những lúc khó khăn.

Học sinh Trường THPT Quan Sơn tham gia buổi sinh hoạt chung về phòng chống tác hại tình trạng bạo lực học đường.

Học sinh Trường THPT Quan Sơn tham gia buổi sinh hoạt chung về phòng chống tác hại tình trạng bạo lực học đường.

“Khi các em đã có sự quen biết nhau, gắn kết với nhau từ hoạt động thể dục thể thao, thì các em sẽ không xảy ra mâu thuẫn với nhau nữa. Nhờ đó, trong những năm gần đây, việc học sinh đánh nhau to đã không xảy ra nữa”, thầy Đạo thông tin.

Đối với Ban quản lý học sinh, nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm đều phải tham gia, để xem xét, xử lý và ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Khi nhận được thông tin về việc HS xích mích đánh nhau, thì Ban quản lý sẽ lập tức có biện pháp giải hòa ngay, để tránh tình trạng xảy ra việc đánh nhau.

“Trước kia, trong trường cũng đã từng xảy ra việc nhóm học sinh của làng này đánh nhau với nhóm học sinh của bản kia. Vì thế, nhà trường phải mời phụ huynh lên, thông báo cho họ biết việc con, em đã vi phạm quy chế của nhà trường. Đồng thời, thống nhất với phụ huynh đưa ra phương pháp rèn giũa, giáo dục học sinh.

Sau khi phụ huynh đồng ý quan điểm, thì nhà trường kỷ luật các em bằng cách đưa đi lao động ở trường, để học sinh nhớ mà sửa chữa. Đồng thời, sẽ hạ hạnh kiểm, trừ điểm thi đua của cả lớp, chứ không riêng cá nhân học sinh vi phạm. Với cách làm như vậy, học sinh ở các lớp sẽ đồng tình và tự bảo ban nhau không vi phạm, tránh ảnh hưởng đến thi đua của cả lớp.

Bên cạnh đó, việc ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, chúng tôi luôn coi đó là nhiệm vụ quan trọng. Hơn nữa, nếu không có sự chung tay giúp sức của phụ huynh, thì công tác này không hề đơn giản”, thầy Nguyễn Minh Đạo- Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.