Tham dự Hội thảo có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh; đại diện lãnh đạo các phòng GD&ĐT, các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Ths. Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk và PGS.TS. Đoàn Thị Tâm - giảng viên Trường Đại học Hoa Sen TP HCM đồng chủ trì Hội thảo.
Chủ trì Hội thảo. |
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Lê Thị Thảo - Trưởng phòng GDTH-GDTX Sở GD&ĐT trình bày đã đánh giá, trong thời gian vừa qua, công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) tại các cơ sở GD trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, tình trạng BLHĐ vẫn xảy ra, chủ yếu ở khối THCS và THPT.
TS. Lê Thị Thảo, Trưởng phòng GDTH-GDTX Sở GD&ĐT báo cáo đề dẫn tại Hội thảo. |
Theo số liệu thống kê, từ năm 2012 đến 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra khoảng 200 vụ BLHĐ, có khoảng 500 trường hợp vi phạm pháp luật trong các cơ sở GD với 300 nạn nhân. Cá biệt, trong năm 2021, chỉ trong vòng 15 ngày (tháng 3/2021) đã xảy ra 5 vụ BLHĐ, tạo sự lo lắng trong phụ huynh và nhiều dư luận thiếu tích cực trong xã hội.
Thượng tá Trần Đức Vịnh - Phó trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Đắk Lắk báo cáo tham luận tại Hội thảo. |
Cũng theo báo cáo, trong giai đoạn từ 2016-2021, Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết 16 vụ liên quan đến bạo lực học đường, trong đó 15 vụ xử lý hình sự và 1 vụ xử lý dân sự. Có 1 vụ ít nghiêm trọng, 5 vụ nghiêm trọng, 9 vụ rất nghiêm trọng và 1 vụ đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, có 10 vụ cố ý gây thương tích, 6 vụ giết người…
TS. Lê Thị Hồng Mai - Viện nghiên cứu Sách & Học liệu giáo dục trình bày tham luận tại Hội thảo. |
Trước thực trạng trên, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống BLHĐ tại các cơ sở GD trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; phối hợp Công an tỉnh, Tỉnh đoàn thanh niên, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các sở ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn BLHĐ và tình trạng vi phạm pháp luật của học sinh. Đặc biệt, Giám đốc Sở đã yêu cầu các trường học phải thiết lập các kênh thông tin qua hòm thư góp ý, hòm thư tố giác tội phạm… để kịp thời nắm bắt dư luận, nắm bắt diễn biến tâm lí của học sinh.
Ông Phạm Tiến Hưng - Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột tham gia góp ý tại Hội thảo. |
Theo đánh giá của các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, có 2 loại BLHĐ là "bạo lực thân thể" và "bạo lực tâm lí"; có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLHĐ như hiện nay.
Thứ nhất, xuất phát từ bản thân học sinh: Ở lứa tuổi này, các em chưa có sự phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần; đang có sự thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lí, muốn khẳng định mình,… dễ bị lôi kéo, kích động tham gia vào các việc làm sai trái, vi phạm pháp luật.
Thứ hai, vai trò của nhà trường: Là nơi rèn luyện tri thức, nền tảng đạo đức, giúp uốn nắn nhân cách mỗi người. Tuy nhiên, nếu không có sự phối hợp với gia đình và xã hội một cách thường xuyên, chặt chẽ, dẫn đến thiếu thông tin, thiếu biện pháp phát hiện các biểu hiện lệch lạc, tiêu cực trong tâm sinh lí của học sinh.
Thứ ba, vai trò của gia đình: Là tổ ấm, là nơi quan trọng nhất để hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Tuy nhiên, một số gia đình không dành thời gian để quan tâm, giáo dục con cái; buông lỏng quản lý, mặc con muốn đi đâu thì đi, chơi với ai thì chơi… Hoặc có quan tâm, nhưng thiếu phương pháp dạy dỗ đúng đắn; không hiểu tâm lý con…
Thứ tư, vai trò của xã hội: Đây là môi trường sống, sinh hoạt, giao lưu của các em. Ngoài thời gian chính ở gia đình và nhà trường, các em còn tham gia các hoạt động ngoài xã hội. Chính những mặt trái của cơ chế thị trường; sự du nhập các văn hoá, phim ảnh, game bạo lực và các chất kích thích đã ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của các em.
Anh Trương Hoài Thanh (phường Tân An - TP Buôn Ma Thuột), đại diện phụ huynh tham gia góp ý tại Hội thảo. |
Tại Hội thảo, có 13 tham luận và 7 ý kiến thảo luận góp ý trực tiếp. Các đại biểu đều đánh giá cao vai trò của Sở GD&ĐT cũng như các trường học ở các địa phương trong việc xây dựng, phối hợp xây dựng các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vấn nạn BLHĐ trong thời gian vừa qua.
Thực tế đã cho thấy, các vụ BLHĐ cũng không diễn ra theo một quy luật chung nào, có "1.001 lí do" dẫn đến BLHĐ. Hầu hết, đều phát sinh từ những mâu thuẫn cá nhân, mẫu thuẫn rất nhỏ trong sinh hoạt, học tập, tham gia hoạt động ngoài xã hội. Nhưng do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường – và xã hội, dẫn đến thiếu thông tin các mâu thuẫn.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhà khoa học, các nhà quản lý đã có những tham luận, thảo luận, góp ý hết sức sâu sắc.
"Các nhà khoa học, các chuyên gia và đại biểu dự Hội thảo đã chỉ ra thực trạng BLHĐ, nguyên nhân dẫn đến BLHĐ và các giải pháp để phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn BLHĐ.
Đặc biệt, chỉ ra được vai trò cụ thể của 3 môi trường giáo dục “gia đình - nhà trường và xã hội” trong việc giải quyết tình trạng BLHĐ và vi phạm pháp luật của học sinh. Những giải pháp khoa học, sát thực tiễn do các nhà khoa học, các chuyên gia trình bày sẽ là chìa khoá giúp cho ngành GD&ĐT tỉnh xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện và an toàn", ông Khoa nhấn mạnh.