Học phí không tiền mặt - sao nhiều khó khăn vậy?

Học phí không tiền mặt - sao nhiều khó khăn vậy?

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Đầu năm 2019, Chính phủ đưa chủ trương này vào Nghị quyết 02/2019. Một nội dung trong Nghị quyết này là yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường học phối hợp với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thu học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; đến hết năm 2020, 100% trường học trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng; khuyến khích trường học xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để kết nối, chia sẻ thông tin với ngân hàng, thực hiện thu học phí bằng phương thức điện tử.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, thời gian qua các cơ sở giáo dục trong cả nước đã tích cực chuyển đổi việc thanh toán học phí bằng hình thức điện tử. Hình thức thanh toán này giúp phụ huynh học sinh nộp các khoản phí của nhà trường thuận tiện thông qua Internet banking, ATM hay POS. Người thu là nhà trường cũng nhanh chóng lập báo cáo các khoản phải thu, tiết kiệm thời gian, giảm rủi ro phát sinh trong các giao dịch tiền mặt như thừa thiếu, nhầm lẫn, tiền giả, tiền kém chất lượng...

Tuy vậy, thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục vẫn gặp nhiều khó khăn. Thói quen sử dụng tiền mặt là rào cản lớn nhất. Nhiều phụ huynh không dùng Internet banking hoặc thậm chí không có tài khoản ngân hàng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin lại không đồng nhất giữa các địa bàn, trong khi dịch vụ thu hộ của ngân hàng theo giải pháp tự động kết nối phần mềm thanh toán hóa đơn với trường học chỉ phù hợp với số ít trường đại học quy mô lớn. 

Phí ngân hàng cũng là một trở ngại, bởi hầu hết các hình thức thanh toán không tiền mặt do nhà trường cung cấp đều thu phí. Hiện vẫn có ngân hàng chưa đầu tư giải pháp công nghệ và mạng lưới đủ lớn để hệ thống thu nộp học phí, hóa đơn đa kênh giúp thuận tiện cho người nộp. Và vì thế, câu chuyện phụ huynh vùng sâu vùng xa đi hàng chục cây số tìm điểm giao dịch của ngân hàng nộp học phí cho con vẫn không phải hiếm.

Theo hiệu trưởng của nhiều trường học, để phát triển thanh toán học phí điện tử, dịch vụ thu hộ của ngân hàng cần có giải pháp triển khai linh hoạt phù hợp với từng nhóm khách hàng, ví dụ các trường tại thành phố hoặc trường trung học/ tiểu học… tại vùng, tỉnh. Cần đa dạng phương thức thanh toán phù hợp như ủy thác thanh toán tự động, chuyển khoản qua Internet banking, cổng thông tin học đường, máy POS tại trường, tại ngân hàng, tại ATM, ví điện tử…để phụ huynh lựa chọn.

Đặc biệt, nhà trường và ngân hàng không nên “hợp đồng” độc quyền ấn định phương thức thanh toán mà nên rộng mở, để phụ huynh học sinh có quyền chủ động lựa chọn dịch vụ một cách thuận tiện. Thực tế hiện nay các đối tác ngân hàng của một số nơi chỉ triển khai giải pháp thanh toán qua thẻ do họ phát hành nên phụ huynh đang sở hữu thẻ của ngân hàng khác sẽ không thể tham gia. Việc trang bị máy POS để thanh toán qua thẻ ngay tại trường (với thẻ của ngân hàng đối tác) còn lệ thuộc vào số lượng phụ huynh đăng ký thanh toán.

Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục đem lại sự tiện lợi cho phụ huynh, nhà trường, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả của cả nền kinh tế, phù hợp với xu thế chung của thị trường. Trong lĩnh vực giáo dục, phát triển thanh toán không tiền mặt còn có ý nghĩa giáo dục tài chính đặc biệt cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để có thể triển khai đồng bộ, hiệu quả lại là câu chuyện đường dài, kết hợp sự nỗ lực từ nhiều phía: Ngân hàng, cơ quan quản lý Nhà nước, nhà trường và phụ huynh học sinh. 

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ