Học nhờ nơi rốn lũ

GD&TĐ - Dù hoàn cảnh còn khó khăn, điều kiện đường xá xa xôi, lại bị chia cách bởi sông Lam, nhưng học sinh của 3 bản Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hòa (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) rất hiếu học, chăm chỉ. Vừa qua, cầu Chôm Lôm bị lũ cuốn gãy chưa thể qua lại được, các em phải ở nhờ nhà người quen đi học nhưng toàn bộ 165 học sinh đều đến trường đầy đủ.  

Các em vui vẻ kể chuyện đến trường sau lũ
Các em vui vẻ kể chuyện đến trường sau lũ

Phải ở nhờ nhưng vẫn đến lớp đầy đủ

Em Lương Chi Na (bản Đồng Tiến) năm nay mới vào học lớp 6, Trường THCS Lạng Khê. Năm học này, chiếc cầu nối từ bản Chôm Lôm, Đồng Tiến và Yên Hòa sang đường quốc lộ 7 để đến trường bị lũ cuốn trôi mất 1 mố cầu. Đến nay, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã cấm mọi người đi lại qua cầu. Để đến trường đi học, Chi Na được bố mẹ gửi ở nhà ông bà họ gần trường. Lạ trường lớp mới, lại phải xa bố mẹ để đi học nhưng cô bé tỏ ra khá chững chạc. Chi Na cho biết: “Nhà ông bà cũng có các anh chị họ cùng lứa với em, có người chơi cùng, học cùng nên em đỡ buồn hơn. Cuối tuần thì bố mẹ đến đón về nhà”.

Còn em Lô Thị Diệu Châu (lớp 7B) thì ở nhà bác để đi học. “Nhà em ở bản Chôm Lôm. Ngoài em ra, có 5 bạn khác cùng bản cũng được bác nhận về nhà cho ở nhờ. Mỗi tuần, bố mẹ gửi gạo lên. Tiền mua thức ăn thì nhờ bác mua hộ. Nhưng vì 2 bác bận đi làm rẫy từ sáng đến tối mới về, nên 6 đứa chúng em đi học về tự nấu ăn, tự chơi và học bài với nhau” - Châu nói.

Dù phải ở nhờ đi học nhưng các em học sinh của 3 bản Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hòa không em nào bỏ học
  • Dù phải ở nhờ đi học nhưng các em học sinh của 3 bản Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hòa không em nào bỏ học

Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình đã vất vả, nên bố mẹ không có nhiều tiền để gửi nuôi các con đi học xa. Bản thân nhà họ hàng, người quen của các em cũng bận mùa màng trên rẫy. Bởi thế, nhiều em tâm sự “suốt 1 tuần này chưa được ăn thịt, chủ yếu là cơm rau, măng và cá bắt được dưới sông”.

Lớp của Diệu Châu có tất cả 40 bạn, nhưng có hơn 25 bạn nhà ở bên kia cầu Chôm Lôm đang phải ở nhờ nhà người quen để đi học. Thầy Lô Minh Thạch đã có 18 năm giảng dạy ở THCS Lạng Khê, chia sẻ: Năm 2006, xảy ra vụ đắm đò thương tâm, có 1 học sinh của lớp thầy chủ nhiệm mất.

Nhưng vượt qua nỗi ám ảnh đó, học sinh Chôm Lôm sau đó vẫn đến trường đi học trở lại. “So với những bản khác, dù điều kiện khó khăn và xa xôi hơn, nhưng học sinh của 3 bản Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hòa lại hiếu học, chăm học nhất xã. Với sự cố cầu bị lũ cuốn hỏng như thế, ở nơi khác, có thể nhiều học sinh đã nghỉ học. Nhưng ở 3 bản này, bước vào năm học mới các em đi học đầy đủ”.

Trước đó, Trường THCS Lạng Khê đã phối hợp với chính quyền xã đi đến các nhà dân quanh trường đề nghị tạo điều kiện cho 167 học sinh 3 bản ở bên kia cầu Chôm Lôm ở nhờ đi học. Hiện em Nguyễn Thị Kiều Trang (lớp 9) và em trai năm nay vào lớp 6 (bản Chôm Lôm) do bố mẹ làm xa, ở với ông bà nên 2 em phải chuyển trường đến học tại xã Tam Quang (huyện Tương Dương). Còn lại 165 em đều đã ổn định chỗ ở nhờ. Dù vậy, phải đột ngột xa nhà đi học ở độ tuổi này gây không ít xáo trộn trong tâm lý, tinh thần, ảnh hưởng đến học tập của các em” - thầy Phạm Quốc Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Lạng Khê bày tỏ lo ngại.

Khu nhà ở, sinh hoạt cho 300 học sinh Trường PT DTNT THCS Con Cuông đang gấp rút hoàn thiện cho các em trở lại trường đi học
  • Khu nhà ở, sinh hoạt cho 300 học sinh Trường PT DTNT THCS Con Cuông đang gấp rút hoàn thiện cho các em trở lại trường đi học

“1 chốn 4 nơi”

Trận lũ thứ 3 liên tiếp trong tháng 8 khiến nước sông Lam dâng cao tràn vào trường học, buộc Trường PT DTNT THCS Con Cuông phải bỏ lại cơ sở cũ để chuyển sang cơ sở tạm mới. Vì “không có sức dọn dẹp nữa”, mặt khác ở địa điểm thường xuyên bị ngập lụt phụ huynh, học sinh không yên tâm đi học. “Trận lũ thứ 3 vào 30/8 không phải do mưa. Con Cuông thời điểm đó trời nắng, nhưng thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố xả lũ gây ra ngập lụt ở hạ lưu”, thầy Trần Đình Nhung - Hiệu trưởng cho biết.

Cũng theo thầy Nhung chia sẻ: Trước đó, nhà trường có làm tờ trình thống kê thiệt hại gửi tới ban quản lý 3 nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố và Hủa Na mong muốn có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhà trường khắc phục hậu quả lũ lụt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ có thủy điện Hủa Na (đóng tại huyện Quế Phong) có một nhánh sông hạ lưu chảy qua địa phận huyện Con Cuông có hỗ trợ ngay cho nhà trường 10 triệu đồng. Còn nhà máy thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố, 2 đơn vị xả lũ chảy trực tiếp ra sông Lam thì đến nay không có phúc đáp gì.

“Chúng tôi không đổ lỗi hay yêu cầu phía thủy điện phải đền bù gì, nhưng thực tế do thủy điện xả lũ nên nước sông Lam ở vùng hạ lưu tại Con Cuông mới dâng lên gây ngập lụt cho trường. Đến giờ, 2 nhà máy thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố không có lời hỏi thăm hay chia sẻ, động viên gì nhà trường cả” - thầy Nguyễn Đình Nhung nói.

Dự kiến thầy trò sẽ tiếp tục sử dụng các cơ sở mượn này trong những năm tới
Dự kiến thầy trò sẽ tiếp tục sử dụng các cơ sở mượn này trong những năm tới

Cũng vì phải di dời trường vào ngày 3/9, nên Trường PT DTNT THCS Con Cuông phải cho các em nghỉ ở nhà, lùi lịch học 2 tuần.

Hiện nay, dù được dời về thị trấn Con Cuông để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ nhưng thầy trò nhà trường đang chịu cảnh “1 chốn 4 nơi”. Mượn tạm 12 phòng học của Trường Trung cấp nghề DTNT miền Trung để tổ chức dạy học; mượn một số phòng và đất của trung tâm GDTX để dựng phòng ở nội trú cho học sinh; mượn cơ sở vật chất của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện để nấu ăn. Ngoài ra, các thầy cô giáo của nhà trường phải thuê nhà ở thị trấn Con Cuông để dạy học.

“Huyện Con cuông đã chi ngân sách để xây dựng chỗ ở nội trú, bếp ăn và nhà vệ sinh cho học sinh nội trú tại TT GDTX nên sắp tới các em sẽ được ăn ở, sinh hoạt tập trung 1 chỗ” - thầy Nguyễn Đình Nhung - Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Cũng theo thầy Nhung, trường PT DTNT THCS Con Cuông là 1 trong 6 Trường DTNT THCS của tỉnh Nghệ An đóng tại 6 huyện miền núi cao. Nhưng do thành lập sau cùng, nên 5 trường tại các huyện khác đã có cơ sở vật chất đầy đủ, thì trường nội trú Con Cuông chưa được xây dựng mới. Trong quy hoạch, trường đã có địa điểm tại thị trấn, nhưng đang chờ ngân sách và các thủ tục pháp lý khác. Vì thế, ít nhất trong vài năm tới, thầy trò sẽ tiếp tục dạy học, sinh hoạt tại các cơ sở mượn này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.