Thanh Hóa: Khai giảng “ghép” tại vùng tâm lũ

GD&TĐ - Sáng nay (5/9), ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đánh trống khai trường năm học mới tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Thanh Xuân, huyện Quan Hóa.

Tiết mục văn nghệ chào mừng ngày khai giảng của học sinh trường PTDTBT-THCS Thanh Xuân (Quan Hóa).
Tiết mục văn nghệ chào mừng ngày khai giảng của học sinh trường PTDTBT-THCS Thanh Xuân (Quan Hóa).

Đây là ngôi trường hiện có 6 lớp với 170 học sinh là con em các dân tộc Thái, Mường và Kinh trong xã. Trong đó, có 128 em học bán trú, số học sinh còn lại tự đi buổi đến trường.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, tuy cơ sở vật chất nhà trường không gặp nhiều thiệt hại, song hiện các bản Vui, Xa Lắng và Giá vẫn còn bị sạt lở, chia cắt giao thông nên các em phải trèo đồi, băng rừng và đi xuồng vượt sông Mã để đến dự ngày khai giảng năm học mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đánh trống khai trường năm học mới 2018-2019 tại trường PTDTBT-THCS Thanh Xuân (Quan Hóa).
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đánh trống khai trường năm học mới 2018-2019 tại trường PTDTBT-THCS Thanh Xuân (Quan Hóa). 

Chia sẻ với thầy trò nhà trường, Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng động viên các thầy cô giáo và học sinh, cũng như toàn thể thầy trò vùng tâm lũ vừa qua cố gắng vượt khó, thực hiện tốt công tác giảng dạy và học tập nhằm đạt thành tích cao trong năm học mới. Nhân dị này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và ông Lê Hữu Quyền – Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã trao tặng cho huyện Quan Hóa 60 chiếc xe đạp, trong đó trường PTDTBT – THCS Thanh Xuân 40 chiếc và trường PTDTBT – THCS Trung Sơn 20 chiếc cho các em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi.

Huyện Quan Hóa là một trong những huyện chịu thiệt hại nặng nề của đợt mưa lũ lịch sử từ 28/8-1/9 vừa qua, dẫu vậy sáng nay huyện Quan Hóa vẫn nỗ lực để khai giảng năm học mới, nhiều địa phương do mưa lũ cuốn trôi lớp học nên tổ chức khai giảng “ghép” ở 3 cấp học mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở ở tại một địa điểm.

Chủ tịch tỉnh và lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa trao tặng xe đạp cho học sinh trường PTDTBT-THCS Thanh Xuân (Quan Hóa).
Chủ tịch tỉnh và lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa trao tặng xe đạp cho học sinh trường PTDTBT-THCS Thanh Xuân (Quan Hóa). 

Trước thềm năm học 2018 – 2019, mưa lũ gây thiệt hại lớn cho ngành giáo dục, khiến 6 đơn vị trường học bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất. Trong đó, Trường Tiểu học Trung Sơn bị sập đổ hoàn toàn dãy nhà 2 tầng (6 phòng) và dãy nhà bán kiên cố gồm 5 phòng học; các trường ở xã Trung Thành, Thanh Xuân bị hư hỏng nhiều bàn ghế, đồ dùng dạy học, bị sạt lở ngập lụt.

Trước thực trạng đó, huyện Quan Hóa tổ chức huy động các lực lượng và mọi nguồn lực khắc phục hậu quả và linh hoạt tổ chức lễ khai giảng phù hợp với điều kiện thực tế . Do lũ lớn và sạt lở đất làm hư hại nhiều trường học, phòng học nên huyện Quan Hóa chỉ đạo các xã tổ chức lễ khai giảng “ghép”, tức là khai giảng chung các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở khai giảng chung, cùng thời điểm tại một đơn vị trường học có cơ sở vật chất tốt nhất trong xã.

 
 

Ngoài ra các xã cũng có thể chọn phương án khai giảng năm học ở điểm trường lẻ, địa điểm mượn. Năm học 2018- 2019, huyện Quan Hóa có 10.000 học sinh các cấp học. Để bước vào khai giảng năm học mới, toàn bộ cán bộ, giáo viên các nhà trường đã cùng học sinh, phụ huynh và các đoàn thể ở các xã tổ chức dọn dẹp vệ sinh trong và ngoài khuôn viên nhà trường đảm bảo cảnh quan môi trường.

Ông Ngô Phi Hùng- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa, cho biết: Để đảm bảo cho ngày khai giảng, phòng GD&ĐT huy động lực lượng lãnh đạo và chuyên viên của ngành xuống các trường chung tay với giáo viên, học sinh khắc phục hậu quả thiên tai và chuẩn bị cho công tác khai giảng.

Niềm vui của học sinh khi được nhận xe đạp vào ngày khai giảng.

Niềm vui của học sinh khi được nhận xe đạp vào ngày khai giảng. 

Mặc dù trường Tiểu học Trung Sơn bị sập hoàn toàn, không thể tổ chức khai giảng tại trường được, nhưng trên tinh thần không để học sinh không được dự ngày khai trường năm học mới, do đó nhà trường sẽ tổ chức khai giảng chung với trường THCS Trung Sơn. Điều lo lắng nhất là vấn đề khắc phục hậu quả lũ lụt tại các ngôi trường bị hư hỏng. Đặc biệt, trường Tiểu học Trung Sơn, ngoài việc lo bố trí nơi học tạm cho học sinh, thì toàn bộ trang thiệt bị của trường đã bị hư hỏng.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng không có nơi ở để giảng dạy. Hiện nay, toàn bộ giáo viên của ngôi trường nay đang phải đi ở nhờ. Kinh phí để khắc phục hậu quả sau trận lũ lụt đối với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiệt bị của ngành Giáo dục huyện là vô cùng lớn.

Còn ông Mai Xuân Giang- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyên Mường Lát, cho biết: Sáng ngày nay (5/9) toàn huyện Mường Lát đã tổ chức lễ khai giảng ở tất cả các điểm trường chính. Tuy nhiên, xã Mường Chanh là địa phương duy nhất của huyện không tổ chức khai giảng được do đợt mưa lũ vừa rồi toàn bộ xã Mường Chanh đang bị cô lập với bên ngoài.

Hệ thống điện lưới, sóng điện thoại, đường giao thông đều bị tê liệt. Đường giao thông từ các bản nối về trung tâm xã đều bị sạt lở, vùi lấp nên học sinh không thể đến trường dự lễ khai giảng. Sáng nay, thầy hiệu trường trường Phổ thông Dân tộc bán trú- Trung học Cơ sơ Mường Chanh phải đi qua đất Lào để gọi điện về báo cáo tình hình và xin phép lùi ngày khai giảng. Do đó, UBND huyện và phòng Giáo dục cũng đã báo cáo về Sở GD&ĐT tỉnh, xin phép cho 3 cấp học ở xã Mường Chanh lùi ngày khai giảng. Khi nào khắc phục xong hậu quả đợt mưa lũ thì nhà trường sẽ tập trung học sinh và coi đó là ngày khai giảng của cả 3 cấp học ở xã Mường Chanh.

Bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết: Toàn ngành đã và đang khẩn trương khắc phục hậu quả để học sinh yên tâm đi học trở lại trường, đồng thời tiếp tục bám sát tình hình để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến lớp học.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đã thành lập các đoàn công tác cùng với chính quyền địa phương đến thăm các trường học, gia đình học sinh bị thiệt hại tài sản do mưa lũ. Trong những ngày tới, ngành Giáo dục Thanh Hóa sẽ vận động mỗi cán bộ, giáo viên ủng hộ 1 – 2 ngày lương để hỗ trợ học sinh, các trường chịu nhiều thiệt hại; đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ những trường học bị thiệt hại bởi mưa lũ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...