Học nghề tại doanh nghiệp - hướng mở nâng cao chất lượng lao động

GD&TĐ - Công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp luôn đem lại hiệu quả thiết thực. 

Gắn kết dạy nghề với doanh nghiệp giúp nâng cao chất lượng thị trường lao động. Ảnh minh họa
Gắn kết dạy nghề với doanh nghiệp giúp nâng cao chất lượng thị trường lao động. Ảnh minh họa

Việc lựa chọn đúng nghề và được học nghề tại chính doanh nghiệp mong muốn giúp người học sớm tiếp cận môi trường làm việc và có tay nghề vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu nhân lực trong thời đại công nghiệp hóa.

4 mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp

Theo dự báo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), đến năm 2026, nước ta có khoảng 40% người lao động không còn kỹ năng phù hợp với công việc hiện tại vì sẽ thay thế bằng công nghệ mới; 30% người lao động buộc phải chuyển nghề.

Việt Nam đang triển khai 4 mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp dưới hình thức kèm cặp qua công việc tại vị trí việc làm cụ thể, đào tạo nhân viên mới do nhóm lãnh đạo thực hiện; kèm cặp qua công việc luân chuyển trong hệ thống đào tạo của doanh nghiệp; học nghề, tập nghề luân chuyển trong hệ thống đào tạo nội bộ của doanh nghiệp; đào tạo thực tập sinh tại doanh nghiệp, đào tạo nhân viên mới tại cơ sở doanh nghiệp theo hợp đồng đào tạo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, doanh nghiệp vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng. Nguồn lao động có kỹ năng và chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo mà các nước tiên tiến trên thế giới đều thực hiện rộng rãi.

VCCI cũng chỉ ra thực trạng của việc sử dụng lao động của các doanh nghiệp hiện thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, xây dựng đội ngũ đào tạo viên nội bộ và chế độ khuyến khích người dạy của doanh nghiệp; phát triển chương trình đào tạo; thực hiện hợp đồng theo Bộ luật Lao động và Luật Giáo dục nghề nghiệp còn gặp khó khăn; bồi hoàn các chi phí đào tạo của doanh nghiệp theo chính sách pháp luật cũng như tiếp cận gói hỗ trợ đào tạo còn chưa hiệu quả.

Về giải pháp, đơn vị này cho rằng, cần phải phát triển chương trình đào tạo bằng cách lựa chọn mô hình thông minh. Xu hướng rút ngắn thời gian đào tạo, cải tiến chia nhỏ công việc để đào tạo theo công đoạn hoàn chỉnh, giúp người lao động trong thời gian ngắn có thể thực hiện được sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng có thu nhập. Do đó, cần rút ngắn và chia nhỏ thời gian đào tạo để người lao động có thể sớm được làm việc trên công việc thực tế đồng thời phải có thu nhập ngay cho người lao động khi đào tạo.

VCCI cũng đưa ra khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý Nhà nước cần thực hiện chính sách Nhà nước về hỗ trợ người lao động học nghề, thúc đẩy gắn kết nhà trường và doanh nghiệp. Tạo điều kiện thành lập trung tâm đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các tập đoàn.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực chuyên môn cho các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải cải tiến và cập nhật thường xuyên chương trình đào tạo trong trường. Điều quan trọng là phải lựa chọn quy mô phù hợp và nội dung thông minh.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Hỗ trợ lao động học nghề tại doanh nghiệp

Bộ LĐ-TB&XH vừa có Dự thảo Thông tư hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đào tạo nghề cho người lao động. Việc thanh quyết toán kinh phí sẽ được Bộ Tài chính hướng dẫn.

Theo dự thảo thông tư, người lao động được cử tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng (phải làm trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 6 tháng liên tục). Các chi phí khác do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận. Việc hỗ trợ hướng tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người.

Đồng thời, doanh nghiệp phải đáp ứng một trong hai tiêu chí tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng và tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này thuộc những lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ.

Dự thảo còn ưu tiên hỗ trợ học nghề cho lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, khuyết tật, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Những người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và lao động làm tại doanh nghiệp ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng được ưu tiên.

Các ngành, nghề nhận hỗ trợ do doanh nghiệp lựa chọn dựa trên ngành, nghề đăng ký kinh doanh và có trong danh mục được UBND cấp tỉnh phê duyệt phù hợp từng vùng, địa phương theo Quyết định 46 ngày 28/9/2015 của Thủ tướng. Doanh nghiệp có thể đề xuất Sở LĐ-TB&XH trình UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt ngành, nghề chưa có trong danh mục.

Ngoài ra, dự thảo cho phép doanh nghiệp được lựa chọn cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn để cử lao động tham gia đào tạo nghề. Ban soạn thảo lưu ý doanh nghiệp nhỏ và vừa tự tổ chức đào tạo cho người lao động phải đảm bảo pháp luật giáo dục nghề nghiệp và được sự đồng ý của Sở LĐ-TB&XH nơi đặt trụ sở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ