Gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động

GD&TĐ - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với nhu cầu việc làm để phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Người dân xã HNol (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) học nghề sửa chữa máy nổ và máy cày công suất nhỏ. Ảnh: Đức Thụy
Người dân xã HNol (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) học nghề sửa chữa máy nổ và máy cày công suất nhỏ. Ảnh: Đức Thụy

Tạo sinh kế cho người dân

Là Giám đốc HTX Cây ăn quả Bản Ôn (Mộc Châu, Sơn La), ông Chu Quang Tạo cho biết, nhiều nhân lực trong HTX làm việc theo kinh nghiệm hoặc người trước trao truyền cho người sau. Ông Tạo mong muốn có nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng nghề sát với nhu cầu thực tiễn cho lao động vùng nông thôn. Có như vậy mới tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo bền vững.

Theo ông Nguyễn Hữu Đông - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, dân số của địa phương tuy đông nhưng tỷ lệ thanh, thiếu niên đi học và đang học ở các trường chuyên nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào nhưng lao động được đào tạo có trình độ chuyên môn lại rất thiếu. Lao động kỹ thuật cao rất ít, trong khi đó phân bố không đồng đều ở các ngành, các huyện, thành phố.

“Một thực trạng khác đang được quan tâm là tình trạng học sinh, sinh viên ở Sơn La trúng tuyển, kể cả cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề - sau khi tốt nghiệp lại không muốn về địa phương làm việc và công tác. Nguyên nhân là do một số ngành nghề ở Sơn La chưa phát triển, môi trường làm việc chưa thuận lợi; doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có quy mô siêu nhỏ và nhỏ là chủ yếu, nên chưa tạo được môi trường làm việc hấp dẫn” – ông Đông nhìn nhận.

Cho rằng, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sự hiệu quả, ông Trần Quang Minh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình trao đổi, còn nhiều vấn đề cần xem lại, nhất là tính hiệu quả tạo việc làm và thu nhập ổn định sau quá trình đào tạo.

Thực tế cho thấy, công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng, có tay nghề để có việc làm, tự tạo việc làm, sinh kế ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để người nghèo thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, người nghèo, vùng nghèo cần được đặc biệt quan tâm đào tạo nghề chính quy dài hạn, nhất là đào tạo nghề chất lượng cao để phát triển bền vững.

Hình thành thói quen tự đào tạo

Từ thực trạng của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông nhấn mạnh, cần đổi mới hoạt động đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn. Giao quyền chủ động cho các hợp tác xã, tổ chức nông dân, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp tham gia đề xuất yêu cầu. Đồng thời, xây dựng nội dung đào tạo kỹ năng về sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề phi nông nghiệp, các kỹ năng kinh tế số, công nghệ mới, kỹ năng quản lý kinh tế, xúc tiến thương mại, quản lý tài nguyên, môi trường, bảo vệ sản xuất, ngoại ngữ cho lao động xuất khẩu...

Cùng với đó, theo sát yêu cầu thực tế để gắn với giải quyết việc làm và phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đào tạo các chuyên gia đầu ngành theo lĩnh vực, ngành hàng.

Bên cạnh đó, đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý ngành nông nghiệp về kỹ năng đàm phán, pháp lý, phân tích thị trường, quản lý sinh thái, quản lý trách nhiệm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh... Đặc biệt, cần xây dựng chương trình đào tạo “nông dân chuyên nghiệp”, “lao động tay nghề cao”.

Đổi mới đào tạo nghề theo hướng nào luôn là câu hỏi khó, nhưng theo ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, có thể tư duy thực hiện theo hướng hình thành thói quen tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình. Mong rằng, thời gian tới Hội Nông dân sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNT nâng cao chất lượng đào tạo.

Cùng với đó, cần đổi mới trong công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp và định hướng cho nông dân các cách làm khác nhau, phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Mặt khác, đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo để gắn với sinh kế lao động, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhấn mạnh đến hai vấn đề lớn là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - mong muốn được đồng hành cùng các địa phương trong hai vấn đề này. Trong đó, tập trung hai lĩnh vực lớn là: Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua đó, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế của các tỉnh phát triển.

Để thu hút học sinh, sinh viên theo học các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp cho các em. Theo đó, cần trang bị kiến thức cho học sinh để hiểu, để các em nhìn nhận đúng hơn về các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tức là, chúng ta áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, làm thế nào để không bị phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, môi trường và các yếu tố ảnh hưởng khác, để chúng ta chủ động được hơn. Ngoài ra, cần có cơ chế đặt hàng đào tạo với các trường, chính sách học bổng cho người học và cần có hỗ trợ thêm cho ngành nông - lâm - ngư nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La “đặt hàng” với Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với tỉnh triển khai các phương án để tuyển sinh học sinh của tỉnh vào học tập tại Học viện, trọng tâm là tuyển sinh học sinh tại các huyện nghèo Thuận Châu, Sốp Cộp. Đồng thời, thực hiện đào tạo, gắn với nhu cầu thực sự, vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa phục vụ nhu cầu nhân lực của các khu công nghiệp của tỉnh, huyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đoàn Thanh niên, sinh viên tình nguyện Học viện Phụ nữ Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tân sinh viên. Ảnh: NTCC

Đồng hành với tân sinh viên

GD&TĐ - Các cơ sở giáo dục đại học có nhiều chương trình, hoạt động, giúp tân sinh viên hòa nhập với môi trường học tập mới.

Microsoft Excel có thể ứng dụng thực tế vào nhiều ngành nghề khác nhau. Ảnh: ITN

Tiện nghi là số một!

GD&TĐ - Thân gửi bạn Microsoft Excel! Bạn là một phần mềm máy tính để xử lí dữ liệu một cách cực kì nhạy bén.