Đây là tín hiệu tích cực, giảm tình trạng học sinh sau THCS hoặc THPT đi làm ngay mà chưa qua đào tạo. Các trường dạy nghề tại Nghệ An cũng có nhiều chương trình hỗ trợ ngoài chế độ trợ cấp của Nhà nước để “giữ chân” học sinh hoàn thành chương trình đào tạo, rộng cơ hội vào tương lai.
Rời bản đi học nghề
Lầu Bá Xai là sinh viên năm cuối Khoa Công nghệ ô tô ở Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức (Nghệ An). Nhà Xai ở bản Tiền Tiêu, xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Cách đây 3 năm, tốt nghiệp THPT, nhiều bạn bè của Xai đã lấy vợ, lấy chồng, hoặc theo người quen đi làm ăn xa trong các khu công nghiệp.
Nhưng cậu học trò người Mông dù đã có bạn gái vẫn quyết định đi học nghề. Xai cho hay, các anh chị của em có gia đình sớm, người nào cũng 2 - 3 đứa con rồi, vất vả lắm. Cũng do không có nghề nghiệp, nên chỉ ở nhà làm rẫy, chăn nuôi. “Em học nghề để đi làm có tiền lương cao hơn, chứ lao động chân tay lương ít. Nếu có vốn, em sẽ đi xuất khẩu lao động”, Xai nói về dự định tương lai của mình.
Khi xuống TP Vinh học nghề, Xai không mất học phí, nhà trường cũng lo bữa ăn chỗ ở cho sinh viên là người DTTS ở trong ký túc xá. Khó nhất là việc học, vì học nghề khác với học phổ thông, phải vừa nắm kiến thức, kỹ thuật chuyên môn, vừa thực hành với máy móc. So với các bạn đến từ những vùng thuận lợi khác, Xai học chậm hơn, nhưng bù lại, em chăm chỉ, chịu khó, không bỏ buổi học nào.
Xai cho biết, học đến năm thứ 2 em đi thực tập tại Công ty lắp máy Lilama và được trả tháng lương đầu tiên từ sức lao động của mình. Đến kỳ thực tập của năm thứ 3, em đã vững tay nghề và được nhà trường giới thiệu cho nhiều doanh nghiệp để làm việc sau khi tốt nghiệp. Xai cũng đăng ký học khóa tiếng Nhật được Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức tổ chức miễn phí.
“Việc học vất vả và khó khăn nhưng nếu quyết tâm thì sẽ thấy học nghề có không ít điều thú vị và nhất là có nhiều cơ hội sau khi ra trường. Em đang cố gắng học lấy bằng tiếng Nhật để có điều kiện sẽ làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động. Em hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền để tự nuôi được bản thân và giúp đỡ bố mẹ”, Xai nói.
Học sinh thực hành nghề với máy công nghiệp tại xưởng. Ảnh: TG |
Trường THCS Lạng Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) có hầu hết học sinh là con em đồng bào dân tộc Thái. Những năm qua, tỷ lệ phân luồng sau tốt nghiệp của nhà trường dao động từ 25 - 30%.
Thầy Phạm Quốc Hoàng – Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: “Những năm gần đây, số học sinh phân luồng có xu hướng học tiếp ở trung tâm GDNN - GDTX hoặc vào trường trung cấp nghề dân tộc nội trú ngay trên địa bàn. Học tại đây, các em không phải đi xa, lại vừa được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của Nhà nước. Chúng tôi cũng tuyên truyền đến phụ huynh, trưởng bản bởi lứa tuổi 15 – 16 nếu đi làm chỉ là lao động chân tay, thu nhập thấp, trong khi sức khỏe, tâm lý các em chưa trưởng thành”.
Ngay sau khi tốt nghiệp ngành điện, Trường Trung cấp nghề DTNT Nghệ An, Nguyễn Văn Hào được nhận vào làm việc tại Công ty Đại Hoa với mức lương 7,3 triệu đồng/tháng. Mức lương này đối với cậu học trò 18 tuổi là rất lớn, ngày ký hợp đồng chính thức, Hào đã gọi điện ngay về cho thầy giáo của mình để báo tin mừng.
Nhà của Hào ở bản Khe Thơi – bản đặc biệt khó khăn của xã Lạng Sơn, huyện Con Cuông. Bố mẹ lao động chân tay, sức khỏe ngày càng yếu, không làm việc nặng nhọc được nữa. Vì thế, sau khi tốt nghiệp THCS, Hào đã quyết định học nghề để đi làm phụ giúp gia đình. “Có công việc, mỗi tháng, ngoài chi phí sinh hoạt, em cũng dành ra được chút ít gửi về cho gia đình”, Hào phấn khởi khoe.
Tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh có nhu cầu xuất khẩu lao động. |
Tăng cường kỹ năng cho học sinh trường nghề
Nghệ An có hơn 11.000/15.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường nghề được Nhà nước cấp kinh phí. Theo thầy Nguyễn Văn Sỹ - giáo viên dạy môn Điện Trường Trung cấp nghề DTNT Nghệ An, trước đây, khi vận động học sinh đi học nghề gặp rất nhiều khó khăn bởi tâm lý các em đều muốn đi làm việc sớm và có tiền lương ngay.
Nhưng sau khi được đào tạo, các em hiểu rằng nếu có tay nghề thì việc tìm kiếm công việc dễ dàng và lương cao hơn. Hơn nữa, hiện nay, nhu cầu lao động có tay nghề của các doanh nghiệp rất nhiều. Học sinh lớp thầy Sỹ phụ trách đều được doanh nghiệp đặt hàng tuyển dụng ngay từ khi chuẩn bị tốt nghiệp.
Tuy nhiên, để “nuôi” và giữ chân học sinh đến khi tốt nghiệp là quá trình dày công của các trường nghề. Ông Lê Văn Tuấn – Hiệu trưởng Trường Trung cấp DTNT Nghệ An - chia sẻ: Nhiều trường hợp sau khi nhập học ít lâu lại bỏ về bản. Những em tiếp tục theo học vẫn còn một bộ phận có thái độ trông chờ trợ cấp, đi học để được nhận tiền hỗ trợ, ngại học.
Do đó, nhà trường phải dành sự quan tâm, hỗ trợ ngay từ đầu để ngăn học sinh bỏ học. Ngoài chế độ theo quy định, nhà trường còn hỗ trợ chỗ ở, huy động nguồn lực để nấu ăn thêm bữa cho học sinh. Trong quá trình giảng dạy, hướng dẫn các em tác phong làm việc chuyên nghiệp, có kỷ luật, trách nhiệm để sớm làm quen với môi trường công nghiệp.
Tương tự, theo ông Phan Xuân Dũng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật nghề Hồng Lam (Nghệ An), học sinh của trường chủ yếu đến từ các huyện miền núi, vùng xa xôi, điều kiện kinh tế gia đình vất vả. Mặt khác, các em có học lực ở mức trung bình, đầu vào thấp hơn so với học sinh trường THPT bình thường. Khi vừa rời trường THCS đã chuyển sang học nghề song song với văn hóa (nếu có nhu cầu), tâm lý và việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng của các em phải triển khai từng bước, không thể nóng vội.
Trong 3 năm học tại trường, bên cạnh đào tạo nghề song song với văn hóa, nhà trường còn đưa vào chương trình các môn kỹ năng giao tiếp, tổ chức sự kiện, quản trị bản thân (cảm xúc, thời gian...) và trang bị thêm ngoại ngữ cho học sinh. Qua đó giúp các em xác định và củng cố mục tiêu học tập, đào tạo. Phấn đấu sau khi ra trường vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng nghề và các kỹ năng khác để làm việc ngay, hoặc đi xuất khẩu lao động.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, các lớp dạy ngoại ngữ hướng đến mục tiêu xuất khẩu lao động thu hút nhiều học sinh tham gia. Em Hồ Thị Ca Dao (ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu) đang theo học lớp tiếng Hàn Quốc cho biết cố gắng học tiếng để tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình. Em Ca Dao cũng được giảm học phí cũng như có chế độ tiền ăn ở theo chương trình hỗ trợ học viên vùng ven biển đặc biệt khó khăn.
Xuất khẩu lao động cho học sinh đã qua đào tạo ở các trường nghề là hướng đi hiệu quả và có tính khả thi cao. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An mong có thêm nhiều học sinh đến từ các huyện miền núi, vùng khó khăn bởi các em được hưởng chính sách ưu tiên của Nhà nước và có nhiều cơ hội làm việc trong và ngoài nước.