Trách nhiệm và thực tế
Ông Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trong những năm qua, Yên Bái chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp (GDHN) cho học sinh. Những chỉ tiêu về phân luồng học sinh được đưa vào chương trình hành động của tỉnh đã thể hiện sự quyết tâm hướng đến xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của địa phương. Hoạt động tư vấn hướng nghiệp và phân luồng được tiến hành song song ở cả cấp THCS và THPT để tạo tính liên thông.
Học sinh tốt nghiệp các cấp học đã có những lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực học tập của mình. Trách nhiệm và thực tế là điểm ghi nhận được ở các nhà trường. Thầy cô giáo đã tư vấn để học sinh cần gì học nấy, phát triển học tập dựa trên năng lực bản thân và gắn với nghề nghiệp phù hợp theo địa bàn và điều kiện kinh tế - xã hội địa phương.
Thầy Nguyễn Đức Cường – Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, TP Yên Bái chia sẻ: Tư vấn hướng nghiệp là biện pháp tốt nhất để phân luồng học sinh sau tốt nghiệp. Làm tốt việc này không chỉ giúp học sinh và gia đình các em đỡ lãng phí tiền của, thời gian vì chọn lựa sai ngành nghề mà còn là giảm áp lực học và thi cho xã hội. Trong số học sinh tốt nghiệp THPT của trường hàng năm, tỷ lệ học nghề và vào đại học đăng ký đều sát với thực tế. Năm 2021, trường có 8 lớp 12/362 học sinh. Qua tư vấn nhiều em thấy được năng lực học tập để lựa chọn đúng lối ra cho mình.
Phương Oanh, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Lý Thường Kiệt chia sẻ: Trường tổ chức khá nhiều các hoạt động hướng nghiệp. Các thầy cô lồng ghép trong các tiết học. Nhà trường phối hợp với một số trường đại học về nói chuyện, chia sẻ về các ngành nghề nên em đỡ bỡ ngỡ hơn trong việc lựa chọn. Đặc biệt, việc tư vấn của thầy cô không chỉ giúp học sinh lựa chọn trường đại học mà còn biết năng lực học tập để lựa chọn học nghề hay đại học, sao cho phù hợp với năng lực học tập và cơ hội phát triển nghề nghiệp sau này.
Kinh nghiệm hay
Huyện miền núi Trấn Yên có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có những đặc thù khó khăn về điều kiện địa hình, khí hậu, đặc trưng riêng về kinh tế - xã hội. Chính vì thế, ngành GD huyện xác định GD hướng nghiệp cần gắn với hoạt động kinh tế địa phương. Đến nay, toàn huyện có 25/25 trường THCS, 3/3 trường THPT có chương trình GD hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương.
ÔngVũ Quốc Long – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên cho hay: Hoạt động tư vấn cần sớm và liên tục, đây là cách mà Trấn Yên thực hiện nhiều năm qua. Học sinh của huyện được định hướng sớm trong lựa chọn nghề nghiệp, gần hơn với nhu cầu lao động. Điều này cũng tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cách làm hay và hiệu quả của Trấn Yên là vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh gia đình cũng như điều kiện cụ thể của từng đơn vị. Việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GD hướng nghiệp, dạy chương trình GDTX cấp THPT kết hợp dạy trung cấp và phát triển đội ngũ GV kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường.
Nhà trường cũng tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với GD hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông đã nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt là huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh. Nói như ông Vũ Quốc Long, tư vấn hướng nghiệp giúp nhiều học sinh có định hướng nghề nghiệp tốt, xác định được hướng đi của bản thân, thay đổi cách nghĩ trong lớp trẻ, đại học không phải con đường duy nhất để vào đời.