Học nghề cũng là cách thực hiện giấc mơ

GD&TĐ - Học trò tôi không có điều kiện để theo đuổi giấc mơ vào đại học, cũng không có cơ hội để học ở một trường nghề chính quy.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Em cũng không phải là một điển hình thành công nhưng tôi muốn kể ra đây câu chuyện vượt khó học nghề của em với hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ: HỌC NGHỀ CŨNG LÀ TƯƠNG LAI.

Học trò bảo đi học nghề, tôi hoang mang…

Em từng nói với tôi về ước mơ muốn trở thành một kiến trúc sư nhưng sau đó lại bảo muốn trở thành đầu bếp. Tôi vui vẻ chúc em sẽ trở thành một đầu bếp giỏi. Mọi thứ cứ tưởng là lý thuyết, nhưng khi em bảo sẽ đi học nghề nấu ăn thì tôi ít nhiều hoang mang.

Tôi thấy tiếc. Học lực không phải là ưu thế nhưng em rất năng nổ, xông xáo. Với tác phong nhanh nhẹn và học lực tầm khá thì việc sở hữu tấm bằng đại học và một công việc ổn định là không quá khó với em. Nhưng trong buổi liên hoan chia tay lớp 9, lớp trưởng Trần Trung Chính nói sẽ đi học nghề.

Tôi thấy bất an nên hỏi: Sao em không học tiếp? Em thưa, nhà không có điều kiện. Đi học tiếp là vắt kiệt công sức của ba mẹ. Có tấm bằng đại học rồi thì chưa chắc đã kiếm được việc làm, em thấy không ổn. Để bảo đảm kinh tế, không phải bỏ học giữa chừng thì em chỉ còn cách đi học nghề.

Thật tình thì em muốn vào một trường nghề nhưng hoàn cảnh không cho phép. Em sẽ vào làm ở nhà hàng, ba của bạn em là ông chủ, bác ấy đã đồng ý cho em vào bếp của nhà hàng phụ việc và học nấu ăn.

Trong tình huống đó, tôi chẳng thể làm gì khác ngoài việc cầm tay em bảo cố gắng…

Gặp lại em sau mười năm

Gặp lại sau mười năm, em tự tin kể: Thời gian đầu vào bếp học nghề, mọi thứ không như ở trường học. Cũng có lúc chán nản, em cứ tự hỏi, liệu mình làm thế này có đúng không? Phải mất một thời gian em mới thích nghi với môi trường mới.

Và không lâu sau đó em nhận ra lựa chọn của mình là đúng, điều đúng nhất là em có cơ hội sớm để thể hiện sở trường. Bây giờ nếu thời gian quay ngược, nếu nhà có điều kiện, em vẫn chọn đi học nghề.

Khi được hỏi em có thấy tri kiến của mình thua các bạn cùng trang lứa thì em trả lời rất bản lĩnh: Em không có lí do để tự ti khi không theo học đại học. Mỗi người có một thế mạnh và một hoàn cảnh khác nhau.

Em nhận ra tri thức không liên quan lắm đến nhận thức. Em còn nghĩ, học cho tới cùng cũng là học để làm người, có việc làm, kiếm tiền thôi. Em thua các bạn về bằng cấp chính quy nhưng em tự trau dồi, tự rèn luyện và có cơ hội va chạm cuộc sống sớm nên em có trải nghiệm, vốn sống, kĩ năng sống thì em không thua.

Tôi tò mò hỏi công việc của em bây giờ thế nào, thu nhập ra sao thì Chính khiêm tốn chia sẻ: Hiện em chỉ là đầu bếp một nhà ăn nhỏ ở Sóc Trăng. Thu nhập không cao nhưng đủ sống và hàng tháng cũng có gửi về cho ba mẹ chút ít.

Tôi hỏi thêm, điều gì khiến em bằng lòng với lựa chọn của mình thì Chính mỉm cười: Vui nhất là em được là chính mình, được làm công việc mà em yêu thích. Nấu ăn, người ta vẫn nghĩ nghề này chẳng cần trình độ nên không cao quý (có khi không được xem trọng) nhưng em không xem nghề này chỉ là công việc nuôi thân.

Với em, nghề là nghiệp, nghề là cuộc sống nên bản thân mỗi ngày cố gắng, sáng tạo và sáng tạo. Chính thổ lộ ước mơ mở một trung tâm dạy nấu ăn, nếu nhỏ hơn sẽ là một lớp dạy nấu ăn.

Em muốn đó sẽ là một trường nghề cho những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng vào đại học. Em muốn trung tâm đó sẽ tồn tại dưới hình thức vừa học vừa làm – như ngày xưa em đã theo học.

Kết thúc câu chuyện, tôi và em đều tâm đắc với ý nghĩ: Học đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, học nghề cũng là tương lai. Mừng vì em đã chọn đúng đường để phát huy sở trường.

Tôi sẽ dõi theo em, sẽ chờ đợi trung tâm/lớp nấu ăn vừa học vừa làm của em, cầu mong ước mơ đó sẽ sớm đạt thành tựu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.